Sông Đào nơi Cty CP Cấp nước Nghệ An lấy nước, bẩn thế nào?

Phan Mỹ Hà Thứ bảy, ngày 15/06/2019 17:41 PM (GMT+7)
Sông Đào đoạn Công ty CP Cấp nước Nghệ An lấy nước thô có cả xác lợn, gà chết trôi, nước tanh, đục ngầu, người dân còn không dám giặt đồ. Công ty này nói nước sông Đào đoạn trạm bơm Cầu Mượu đảm bảo tất cả thông số là ngụy biện.
Bình luận 0

Xác lợn, chó, gà… lềnh bềnh trên sông

Liên quan tới việc mà báo điện tử Dân Việt đã phản ánh “Công ty nước Nghệ An lén lút hút nước từ sông Đào ô nhiễm?”, trong những ngày qua, chúng tôi tiếp tục trở lại trạm bơm trên sông Đào, nơi Công ty Cấp nước Nghệ An hút nước thô đầu vào cho nước sinh hoạt và khẳng định “rất sạch”.

Chúng tôi thuê đò của một hộ dân sống cạnh Cầu Mượu để ra đoạn sông Đào mà công ty này hút nước.

img

img

Nước sông Đào đoạn Công ty CP nước Nghệ An hút đục ngầu, nhiều chỉ số vượt ngưỡng nguy hiểm.

Qua Cầu Mượu tầm 50m, bằng mắt thường đã thấy bao nhiêu là xác lợn, xác gà… vứt trương phình nhiều ngày trên sông, hôi thối (Trong công văn gửi Báo Điện tử Dân Việt, Công ty Cấp nước Nghệ An còn đặt nghi vấn có kẻ ác ý thả súc vật xuống sông rồi chụp ảnh?!). Trên bờ rác thải đủ loại.

Chưa kể, ghi nhận của phóng viên, các hộ dân trên bờ vẫn thường xuyên xả nước thải sinh hoạt thẳng xuống sông. Chuồng trại chăn nuôi, nhà vệ sinh có đường ống dẫn thải thẳng xuống sông Đào.

img

Nước vệ sinh thải thẳng ra sông Đào.

Bác Liên, người lái đò cho chúng tôi biết: “Khúc sông này bẩn lắm, bao nhiêu rác thải, chó chết, gà chết, lợn chết đều vứt hết xuống sông, nước sinh hoạt lấy từ đây sao được”.

Ông Ngô Văn Hòa (phường Cửa Nam, TP.Vinh) đánh cá lâu năm tại đây nói: “Khúc sông này ô nhiễm lắm, những năm gần đây cá còn khó sống huống chi là đi lấy nước đó mà làm nước sạch chứ”.

img

Xác gia súc lềnh bềnh trên sông.

img

Làm việc với phóng viên, ông Lê Văn Hưng - Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên Môi trường tỉnh Nghệ An khẳng định: “Chúng tôi là đơn vị duy nhất ở tỉnh Nghệ An được Bộ TNMT cấp chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường, 36 thông số về nước mặt. Kết quả quan trắc nước sông Đào tại Trạm bơm Cầu Mượu luôn có một số thông số vượt ngưỡng, mà vượt sẽ không đủ điều kiện sử dụng sản xuất nước sinh hoạt. Vừa qua, chúng tôi cũng đã báo cáo cho Sở TNMT tỉnh”. 

Lấp liếm

Kết quả quan trắc nước sông Đào tháng 3/2019 (M42 - Trạm bơm Cầu Mượu) thể hiện rõ nhiều thông số đều vượt ngưỡng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mặt (QCVN08) sử dụng cho mục đích làm nước sinh hoạt.

img

Nhiều thông số đều vượt ngưỡng 

img

Những thông số vượt: COD (nhu cầu oxy trong nước) là 13,1 mg/L so với giới hạn là 10mg/L (mục đích sinh hoạt xử lý thông thường), 15mg/L (xử lý phù hợp); tổng chất rắn lơ lửng TSS là 51 mg/L so với 20 mg/L; Amoni (NH4+) là 0,57 mg/L so với ngưỡng giới hạn là 0,3mg/L; Nitrit (NO2) cũng vượt 0,06mg/L so với ngưỡng 0,05mg/L; Crom VI 0,015mg/L so với 0,01; tổng carbon hữu cơ (TOC) cũng vượt 4,04mg/L so với 4mg/L...

Đặc biệt Ecoli lên tới 90 CFU/100ml so với ngưỡng 20 CFU/100ml.

- Amoni là một chất nhiễm của nước thải động vật, nước cống hoặc nhiễm khuẩn, có mùi khai. Amoni vượt ngưỡng có khả năng chuyển hóa thành các chất gây ra ung thư.

- Nitrit có tính độc hại tới sinh vật và con người bởi nó có thể chuyển hóa thành các dạng sản phẩm có thể gây ung thư cho con người, suy giảm chức năng hô hấp.

- Crom VI vượt ngưỡng có thể gây ung thư phổi.

img

Kết quả của Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An có thông số vượt gần gấp đôi.

Trong công văn gửi Báo Điện tử Dân Việt, Công ty CP Cấp nước Nghệ An cho rằng đơn vị này đã chủ động mời Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An xét nghiệm nước thô gần trạm bơm Cầu Mượu. Công ty CP Cấp nước Nghệ An cho rằng “11 thông số đều nằm trong giá trị giới hạn”. Điều này chỉ là ngụy biện, bởi ngay trong phiếu thử nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An thực hiện tháng 3/2019, chỉ số NO2 vượt gần gấp đôi.

Chưa hết, ông Chu Trọng Trang - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An thông tin: “Các kết quả thử nghiệm của chúng tôi được thực hiện theo hợp đồng chuyên môn, không có giá trị pháp lý với bên tài nguyên môi trường”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc…

Công ty Cổ phần cấp nước Nghệ An có tới 9 trạm bơm trong tổng số 13 trạm bơm chưa hề được cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt theo quy định của pháp luật; chưa có Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, thậm chí còn chưa xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.

Công ty Cấp nước sông Lam (Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc) cũng chưa có quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định tại nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ, không báo cáo về tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt và cũng không thực hiện việc xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước y như Công ty CP nước Nghệ An.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem