Sốt đất ở vùng nông thôn này của Bình Thuận đã giảm, đất rẫy xa đường giá 1 tỷ/ha, cò đất lỡ dở

Thứ năm, ngày 09/06/2022 19:02 PM (GMT+7)
Hơn tháng qua, không chỉ “điểm nóng” sốt đất ở Sơn Mỹ giảm nhiệt, mà nhiều xã, thị trấn trong huyện Hàm Tân (Bình Thuận) cũng vậy. Đã vắng bóng xe hơi lượn lờ vào các đường giao thông nông thôn thăm dò mua đất.
Bình luận 0

Nhiều cò đất lỡ dở ...

Một khu đất thuộc mặt tiền đường liên thôn dài hơn 57m (bề sâu 50m), khá gần quốc lộ 55 ngang qua xã Sơn Mỹ, Hàm Tân, mấy năm trước được chủ đất bán cho người mua ở Phan Thiết giá gần 4 tỷ đồng, tính ra 70 triệu đồng m ngang mặt tiền. 

Cách đây không lâu, trong cơn sốt đất, các cò đất ở địa phương đã mạnh tay nhận chuyển nhượng khu đất trên với giá hơn 8 tỷ đồng, đặt trước tiền cọc 1 tỷ đồng, hy vọng sốt đất kéo dài, chuyển nhượng kiếm lời. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, giá đất ở đây đang chựng lại, việc mua bán không còn xôm tụ như trước. 

Thông tin người dân địa phương cho hay, 6 cò đất chung tiền mua thửa đất trên nguy cơ mất tiền đặt cọc, nếu không chạy đủ tiền giao cho chủ đất khi đến thời hạn theo giấy thỏa thuận sang nhượng. 

Anh Thành trước đây từng làm cò đất ở Sơn Mỹ cho hay: “Hiện trên địa bàn có khoảng 10 lô đất khu dân cư diện tích 1.000 - 2.000 m2/lô được các cò đất ở địa phương, trong, ngoài tỉnh đặt cọc trước 30% giá trị đất khi thời điểm đang cao, nay đã 3 - 4 tháng chưa sang lại được để kiếm lời chênh lệch. Họ đang đối diện mất tiền cọc. Có cò đất ở đây đang chạy đôn chạy đáo “vay trong, vay ngoài” để chồng tiền đất khi đến hạn”.

Sốt đất ở vùng nông thôn này của Bình Thuận đã giảm, đất rẫy xa đường giá 1 tỷ/ha, cò đất lỡ dở - Ảnh 2.

Đất ở nông thôn Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) không còn sốt như trước.

Tương tự, các xã khác trong huyện Hàm Tân, sốt đất đai không còn sôi động như trước. Anh Cao Đức Dũng ở thôn Đông Hòa, xã Tân Hà cho biết, thời gian trước ngày nào cũng có mấy chiếc xe hơi 4 – 7 chỗ chạy lùng sục vào các đường giao thông nông thôn ở đây hỏi mua đất giá cao từ 150 - 180 triệu đồng/m ngang (tùy nơi), nhưng hơn tháng nay vắng bóng người hỏi mua. 

Anh Dũng cho biết: “Em tôi có nhu cầu đã sang nhượng 1 sào đất trong khu dân cư gần khu vực sản xuất, người mua đặt cọc 200 triệu đồng, nhưng hơn 4 tháng nay chưa thấy trở lại giao hết số tiền theo thỏa thuận mua 1,6 tỷ đồng”.

Còn ông Đào Xuân Huỳnh, khu phố 1, thị trấn Tân Nghĩa năm trước đã mua 5 sào đất nông nghiệp nay muốn sang lại lấy vốn kinh doanh cũng không thấy ai hỏi mua. 

Ông nói rằng: “Bây giờ không thấy cò đất đi lùng sục hỏi đất như trước nữa, hầu như vắng bóng người mua. Tuy nhiên, đất ở thị trấn Tân Nghĩa, đất sản xuất trong khu vực giá đang cao. Đất ở các khu phố xa trung tâm thị trấn giá 150 - 200 triệu đồng/m ngang; đất rẫy nơi xa 1 tỷ đồng/ha, còn gần khu vực hồ thủy lợi Sông Dinh 3 gần 4 tỷ đồng/ha”…

Đất giảm sốt khiến một số người có nhu cầu sang nhượng cũng gặp khó khăn, giao dịch thành công rất ít. Những người am hiểu ở Hàm Tân cho rằng, ảnh hưởng hậu Covid- 19 kéo dài, Nhà nước cũng đang quản lý chặt chẽ về đất đai, tình trạng sốt đất không còn kéo dài như trước.

Sốt đất ở vùng nông thôn này của Bình Thuận đã giảm, đất rẫy xa đường giá 1 tỷ/ha, cò đất lỡ dở - Ảnh 4.

Đất khu vực thị trấn Tân Nghĩa "trầm lắng" trở lại.

Lập lại trật tự lĩnh vực đất đai

Hơn 1 tháng qua, nhiều địa phương như Sơn Mỹ, Thắng Hải, Tân Thắng… (Hàm Tân), Tân Phước (thị xã La Gi), tình trạng sốt đất đã giảm hẳn, không còn hiện tượng dân địa phương, trong và ngoài tỉnh đến lân la, dò hỏi, nắm thông tin quy hoạch công nghiệp, du lịch các địa phương, thổi giá, gây sốt…

Ông Nguyễn Ngọc Châu, Chủ tịch UBND Sơn Mỹ cho biết: “Xã đã công khai quy hoạch đất đai, nhất là quy hoạch KCN Sơn Mỹ 1 - 2, các khu vực khác, niêm yết thủ tục này ở xã để người dân nắm bắt. Truyền thanh xã tăng cường thời lượng truyên truyền chính sách, pháp luật, hồ sơ thủ tục đất đai của Trung ương, địa phương cho bà con nắm thêm thông tin, an tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình; cũng như hiện tượng sốt đất thời gian qua để nhân dân hiểu rõ, không làm xáo trộn đất đai trên địa bàn”.

Còn một lãnh đạo huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) cho hay, UBND huyện đã chỉ đạo các xã tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra sử dụng đất đai phù hợp quy hoạch, thông tin tuyên truyền về đất đai, triển khai Dự án 920 ở các xã còn lại, lập lại trật tự lĩnh vực này trên địa bàn. 

Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) vừa qua đã thống nhất cao việc ban hành nghị quyết mới về quản lý, sử dụng đất để lập lại lĩnh vực này.

Thái Khoa (Báo Bình Thuận)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem