Sự kiện chăn nuôi 2018: Hoàn thành Tổ hợp chế biến thịt mát 1.000 tỉ

Ngọc Lê Thứ hai, ngày 04/02/2019 06:45 AM (GMT+7)
Tháng 12.2018, đánh dấu một sự kiện, nói như Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường là “sự kiện của cả ngành chăn nuôi”: Khánh thành tổ hợp chế biến thịt MNS Meat Hà Nam. Dự án này do Công ty cổ phần Masan Nutri-Science (MNS), thuộc Tập đoàn Masan làm chủ đầu tư với tổng số vốn lên tới trên 1.000 tỷ đồng.
Bình luận 0

Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, mặc dù ngành chăn nuôi nước ta trong những năm qua đã có sự phát triển nhanh, liên tục, nhưng điểm yếu lớn nhất vẫn là khâu chế biến. Vì thế, với việc Tập đoàn Masan khánh thành tổ hợp chế biến thịt Meat Hà Nam là sự kiện của cả ngành chăn nuôi, bởi nhu cầu tiêu thụ thịt mát trên thị trường hiện còn rất lớn, cần nhiều doanh nghiệp khác cùng tham gia.

Tổ hợp chế biến thịt mát đạt đẳng cấp châu Âu

Được xây dựng tại khu công nghiệp Đồng Văn IV, tỉnh Hà Nam, tổ hợp chế biến Thịt Meat Hà Nam chính là mảnh ghép quan trọng và cuối cùng hoàn thiện mô hình tích hợp hoàn chỉnh chuỗi giá trị thịt của Masan. Từ vận hành nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đáp ứng tiêu chuẩn GLOBAL GAP, đến trang trại chăn nuôi kỹ thuật cao tại Nghệ An theo tiêu chuẩn GLOBAL GAP, sau cùng là tổ hợp chế biến thịt công nghệ thịt mát từ châu Âu đáp ứng tiêu chuẩn BRC - toàn bộ chuỗi cung ứng và phân phối giữ mát đảm bảo mang thịt mát Meat Deli đến tay người tiêu dùng TƯƠI, NGON, SẠCH.

Đánh giá về sự kiện này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Việc khánh thành nhà máy chế biến, giết mổ thịt Meat Hà Nam của Masan có thể mở ngay phân khúc thị trường ở ngay thị trường nội địa với 100 triệu dân Việt Nam - đó là thị trường thứ nhất. Thứ hai, chúng ta có điều kiện để thực phẩm chúng ta có kiểm soát, truy xuất nguồn gốc rõ ràng và giá cả phải chăng thì chúng ta sẽ xuất khẩu được đi thị trường thế giới”.

img

Tổ hợp chế biến thịt Meat Hà Nam đã hoạt động và cung cấp sản phẩm thịt mát ra thị trường toàn quốc. ảnh tư liệu

“Việc khánh thành nhà máy của Masan mới chỉ là bước khởi đầu, còn rất nhiều việc phải làm. Nhà máy này mới chỉ cung cấp được 1,4 triệu tấn thịt, trong khi nhu cầu tiêu thụ thịt lợn cả nước hiện nay là hàng chục triệu tấn mỗi năm. Do đó, sự kiện này sẽ là bước khởi đầu để lan tỏa, để các doanh nghiệp khác cùng tham gia vào chuỗi cung ứng này”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan Group khẳng định: “Với nhà máy tại Hà Nam, Masan mong muốn đưa ra thị trường sản phẩm thịt mát Meat Deli với cam kết sạch, an toàn với người tiêu dùng. Đặc biệt thị trường Việt Nam từ trước đến nay được nhận định là không có thịt mát. Người tiêu dùng chỉ được tiếp cận với thịt nóng, hay còn gọi là thịt tươi, không qua xử lý, thường bán ở chợ, và thịt lạnh đông.

Vì thế, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá sự có mặt của thịt mát Masan trên thị trường được coi là một “cuộc cách mạng” về thịt, Masan cũng không giấu tham vọng của mình đối với thị trường dù màu mỡ nhưng đang bị bỏ ngỏ”.

Tham vọng chiếm lĩnhthị trường thịt

Quá trình hiện thực hóa mục tiêu đưa sản phẩm thịt mát đầu tiên ra thị trường tại Việt Nam của Masan được khởi đầu bằng chuỗi giá trị trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi. Công ty MNS hiện có 12 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trên toàn quốc.

Và cuối cùng, vào tháng 2.2018, MNS đã khởi công xây dựng Tổ hợp chế biến thịt đẳng cấp thế giới tại Hà Nam, sản phẩm thịt mát đầu tiên của Masan đã chính thức được tung ra thị trường kể từ ngày 23.12.2018. Theo đại điện Masan, toàn bộ sản phẩm thịt mát được chế biến tại Meat Hà Nam đã được đưa vào phân phối trên các cửa hàng Vinmart, Vinmart + trên toàn quốc.

Ông Matthys Van der Lely - Tổng Giám đốc Meat Hà Nam cho biết: ”98% thị trường thịt đang được cung cấp bởi các nhà sản xuất nội địa, chỉ 2% còn lại là nhập khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngoại cũng chủ yếu tham gia vào phần thịt chế biến sẵn, như xúc xích chẳng hạn. Còn thịt chưa qua chế biến, hơn 90% thịt được tiêu thụ qua kênh phân phối là các chợ truyền thống.

“Thị trường thịt Việt Nam có trị giá khoảng 10,2 tỷ USD. Hy vọng Masan có thể chiếm lĩnh được 10% thị trường thịt” - ông Matthys Van der Lely bày tỏ.

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NNPTNT:
Nhà nước sẽ cùng Masan tổ chức liên kết với nông dân

Tổ hợp Meat Hà Nam của Tập đoàn Masan có dây chuyền công nghệ rất hiện đại, với công suất rất lớn, lên tới 1,4 triệu con lợn/năm. Bản thân Masan vì vậy cũng không thể tự sản xuất đủ nguyên liệu cho chế biến của tổ hợp này.

Cụ thể giai đoạn I, Masan chỉ chế biến với công suất khoảng 230.000 con/năm. Rõ ràng, để đủ nguyên liệu cho chế biến, Masan sẽ phải tổ chức liên kết chăn nuôi cùng với người dân.  

Thực tế hiện nay, phải khẳng định trước mắt nông dân chưa đủ điều kiện để thực hiện được việc liên kết chăn nuôi theo các yêu cầu kỹ thuật của Masan đề ra. Một là quy mô chuồng trại ở những vùng để đảm bảo vệ sinh môi trường cách biệt với khu dân cư là không thể có được ngay lập tức. Hai là phương thức sản xuất cũng như điều kiện kinh tế chưa cho phép người dân làm được ngay quy mô chăn nuôi đủ sức cạnh tranh để đưa vào chuỗi của Masan.

Vì vậy, đây là vấn đề mà ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương sẽ phải vào cuộc quyết liệt để rà soát quy hoạch. Hiện nay, Bộ NNPTNT cũng đang phối hợp với tỉnh Hà Nam rà soát để quy hoạch những khu vực chỉ chuyên chăn nuôi lợn.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề nghị bản thân Tập đoàn Masan cũng phải vào cuộc để cùng tìm ra một phương thức hợp tác kinh tế trong liên kết sản xuất với người dân, xem phía Tập đoàn có thể đầu tư những gì cho các hộ liên kết, ví dụ con giống, thức ăn, hay kỹ sư chỉ đạo để làm sao sản xuất ra được con lợn đúng theo quy chuẩn của Masan, với một giá thành hợp lý nhất, trên cơ sở đảm bảo người dân có việc làm và  công ty có nguyên liệu để sản xuất, chế biến đủ sức cạnh tranh. 
Nguyên Linh (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem