Sức sống bền bỉ của đoàn Rô băm hơn 200 tuổi

CHÚC LY – HỒNG CẨM Thứ ba, ngày 18/08/2015 08:08 AM (GMT+7)
Mặc dù đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là thiếu kinh phí hoạt động, nhưng đoàn nghệ thuật Rô băm duy nhất còn hoạt động tại tỉnh Sóc Trăng (xã Tài Văn, huyện Trần Đề) vẫn luôn nỗ lực trong việc giữ gìn loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer.
Bình luận 0

Đoàn nghệ thuật hơn 200 tuổi

 Đoàn nghệ thuật Rô băm Bưng Chông của gia đình bà Lâm Thị Hương và ông Sơn Đel đã tồn tại hơn 200 năm, theo kiểu cha truyền con nối. Bà Lâm Thị Hương- Trưởng đoàn nghệ thuật Rô băm Bưng Chông cho biết: “Đến tôi là thế hệ thứ 5 theo nghiệp gia đình. Lúc nhỏ, khi thấy cha mẹ dạy mọi người diễn Rô băm, tôi cũng học theo. Lần đầu tiên tôi đứng trên sân khấu diễn là vào năm 13 tuổi, tính ra cũng đã hơn 40 năm theo nghề này. Vui nhất là trong 6 đứa con của tôi có 2 đứa theo nghề của gia đình, không sợ bị thất truyền nữa”.

img

Bà Hương làm các mặt nạ biểu diễn. Ảnh: CHÚC LY

Ông Sơn Đel - một thành viên trong đoàn, cho biết: Do Rô băm xuất xứ từ cung đình nên phục trang, hành động, lời thoại… của nhân vật là của vua chúa, quan lại quý tộc. Khán giả yêu thích Rô băm bởi nét đặc sắc ẩn trong các điệu múa và những chiếc mặt nạ. Trong Rô băm có 33 điệu múa, thể múa. Mặt nạ trong Rô băm được tiếp thu từ văn hóa Ấn Độ nên rất hài hòa giữa mỹ thuật và tạo hình nhằm thu hút người xem.

Truyền lửa cho thế hệ sau

"  Với 22 thành viên trong đoàn, đây thật sự chỉ có thể coi là nghiệp không thể coi là nghề, mà nghiệp thì khó có thể bỏ”. 
Bà Lâm Thị Hương

Tuy các thành viên trong đoàn không được học qua trường lớp, nhưng từ việc trao đổi kinh nghiệm giữa các thế hệ và sự nhiệt huyết đối với nghề nên chất lượng biểu diễn không ngừng được nâng lên. Không chỉ phục vụ các dịp lễ, tết truyền thống của đồng bào Khmer trong và ngoài tỉnh, đoàn nghệ thuật Rô băm Bưng Chông còn tham gia nhiều hội thi diễn trong và ngoài nước, góp phần quảng bá nghệ thuật Rô băm đến bạn bè quốc tế.

Thời điểm phát triển nhất của loại hình nghệ thuật Rô băm là vào những năm 1980. Sau này, khi các loại hình giải trí mới ra đời thì nhu cầu xem Rô băm ít đi. Tuy nhiên, loại hình nghệ thuật này vẫn còn sức hấp dẫn riêng, hiện trong đoàn có nhiều diễn viên có tuổi đời rất trẻ.

“Với 22 thành viên trong đoàn, đây thật sự chỉ có thể coi là nghiệp chứ không thể coi là nghề, mà nghiệp thì khó có thể bỏ. Nếu như có thể được hỗ trợ thêm kinh phí thì mới có thể hoạt động đều đặn và lâu dài được. Tôi vẫn luôn cố gắng hết sức mình để dạy lại cho con cháu” - bà Hương bộc bạch.

Ông Đoàn Quốc An - Bí thư xã Tài Văn, cho biết: “Xã rất muốn hỗ trợ cho đoàn để duy trì hoạt động, nhưng kinh phí xã hạn hẹp, nên chỉ có thể tạo điều kiện để đoàn đi diễn trong các hội diễn do xã tổ chức. Thiết nghĩ, các cấp, các ngành cần có nguồn quỹ để hỗ trợ cho đoàn, góp phần trong việc giữ gìn một nét văn hóa truyền thống đặc sắc có khả năng bị mai một của đồng bào Khmer”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem