Tết Trung thu, ngắm trăng đoán tương lai

GS Nguyễn Văn Huyên Chủ nhật, ngày 23/09/2018 07:30 AM (GMT+7)
Đêm Trung Thu, mọi người tụ họp xem trăng lên. Và tùy theo màu sắc cùng dáng vẻ của vì tinh tú này, người ta rút ra các điềm báo trước tương lai của đất nước.
Bình luận 0

Lời dẫn: Nhan đề trích đoạn bài viết dưới đây được chúng tôi đặt và rút từ những ý nghĩa trọng yếu của Trăng Rằm tháng Tám, thời kỳ trăng tròn, sáng, đẹp nhất trong năm, qua phân tích sâu sắc, thú vị của GS Nguyễn Văn Huyên, nhà dân tộc học đầu tiên của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ giáo dục đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Nhà tôi may mắn ở gần đường Nguyễn Văn Huyên, nơi đặt Bảo tàng Dân tộc học, mà vị giám đốc có công lớn với Bảo tàng này lại chính là người con trai duy nhất của GS Nguyễn Văn Huyên và dược sĩ, họa sĩ Vi Kim Ngọc (ái nữ của Tổng đốc đại thần Vi Văn Định). Văn phong cuốn hút, từ vựng dồi dào, Nguyễn Văn Huyên đã bộc lộ năng lực ngôn ngữ như một nhà văn rất tài. Tết Trung Thu từ ngàn năm nay, mọi thành phần, lứa tuổi trong xã hội đều biết về nó, nhưng để hiểu một cách thấu đáo thì cần đọc tác phẩm giá trị này của GS Nguyễn Văn Huyên.

Nhà thơ VI THUỲ LINH

Lúc khí âm bắt đầu ngự trị lại trùng với ngày tết Trung Thu, bao giờ cũng được cử hành vào khoảng Thu phân.

Ngày rằm tháng Tám này đúng vào thời điểm giữa ba tháng của mùa Thu, được gọi là Tết Trung Thu hay Tết tháng Tám. Vào thời kỳ này, bầu trời trong trẻo và mặt trăng rất tròn, sáng rực rỡ. Ta cảm thấy rất vui thích khi ngắm trăng trong tất cả sự mạnh mẽ và uy nghi của nó. Các nhà nho và nghệ sĩ uống rượu cúc và làm thơ ca ngợi vì tinh tú đẹp của ban đêm theo gương Đường Minh Hoàng, trị vì ở Trung Quốc vào thế kỷ VIII.

Tôn vinh rồng và tích múa rồng

Rồng vẫn được coi là kẻ ban phát ân huệ và hạnh phúc. Mọi người dùng hình ảnh nó để tạo nên mưa thuận gió hòa. Đôi khi người ta vẽ nó ôm một quả cầu, bức tranh được gọi là "rồng vờn ngọc". Hòn ngọc này là biểu tượng của mây và sấm sét. Toàn bộ tranh có lẽ miêu tả một huyền thoại cổ về dông bão.

Mùa Xuân, người ta đôi khi mang rồng đi trong các đám rước thần. Nó phải đóng góp cho sự thành công của vụ lúa chiêm. Hội rồng thật sự là vào Trung Thu. Nó phải bảo vệ các vụ gặt lớn tháng Mười. Đêm rằm tháng Tám, người ta long trọng rước rồng qua các phố, đi trước là những lá cờ ngũ sắc, những đèn lồng hình hoa quả, tôm cá hay những vật quý, những tấm biển sáng với hàng chữ "Hoàng Long Thịnh Thế" (mong rồng vàng làm cho cuộc sống phồn thịnh) hay "Thiên Hạ Thái Bình".

img

Rồng đan bằng tre, phủ giấy và vải. Người ta cho nó một cái mình đầy vảy và gai màu lam hoặc xanh, một cái đuôi lởm chởm, cái đầu có râu ria rậm rạp, mắt sáng quắc liếc đi liếc lại, bốn chân lủng lẳng với móng vuốt khủng khiếp. Nó được lắp trên những chiếc sào để cho những người khiêng nó, bản thân họ ăn mặc sặc sỡ, lượn vòng để làm cho mình rồng cũng uốn lượn như rắn. Người ta làm cho nó biểu diễn và múa theo tiếng chiêng, tiếng trống trước mặt "hòn ngọc", xung quanh là mây và ánh chớp, được vác ở đầu một cái gậy tre bởi một người phủ đầy mình những tấm băng nhiều màu. Thấy nó đi qua, những nhà giàu có sung túc đốt pháo để mừng nó và để lấy khước nhờ sự có mặt của rồng.

Trong đám rước, đi theo rồng là một con sư tử, chỉ có cái đầu đan bằng tre và phết giấy, nối vào đấy một tấm vải dài màu đỏ. Cái đầu này được một người nâng lên đầu, dùng hai tay lúc lắc nó giả làm một điệu múa sư tử. Một người khác cầm đầu tấm vải và múa theo động tác của người múa sư tử di chuyển khi sang phải, khi sang trái, lúc quay tròn, để tạo cho con vật có một cái mình và một cái đuôi.

img

Những chủ nhà giàu cho treo trên bao lơn nhà mình, cách mặt đất năm sáu mét, một phong bao đỏ đựng một số tiền từ mười đến hai chục đồng bạc để thưởng cho những người múa rồng và múa sư tử giỏi. Sư tử phải trèo lên những sào tre để với lấy món tiền thưởng. Lên tới đầu cái thang tạm bợ của mình, nó phải làm động tác vờn mồi trong khi rồng múa quanh nó. Lúc nó đã giật được giải thì pháo nổ ran, sư tử nhảy xuống đất, múa trước ngôi nhà một điệu múa để cảm ơn vị chủ nhà hào hiệp, chúc ông ta thịnh vượng và có con cháu hạnh phúc.

Nhưng, cũng bằng những điệu múa rồng và sư tử như vậy, người ta cầu cho cả nước những trận mưa tốt lành.

Nhìn Trăng, đoán tương lai

Đêm Trung Thu, mọi người tụ họp xem trăng lên. Và tùy theo màu sắc cùng dáng vẻ của vì tinh tú này, người ta rút ra các điềm báo trước tương lai của đất nước. Nếu trăng sáng vằng vặc, sẽ có vụ bội thu. Nếu ta thấy trăng màu vàng, tằm sẽ nhả nhiều tơ. Mặt khác, ta có thể đọc trong các sách cổ rằng khi Mặt trăng chuyển sang màu xanh hay màu lam, thì sẽ có nạn đói.

Nếu trái lại, trăng ngả sang màu vàng, thì cả nước sẽ sống thái bình và đức hạnh. Đêm ấy, nếu ta nhận thấy một chiếc mũ phía trên Mặt trăng, thì thế gian sẽ vui vẻ. Nhưng nếu trăng có chân, thì vua sẽ ham mê tửu sắc, hoặc vua sẽ bạo hành. Khi trong nước có mưu toan nổi loạn, hay trên thế giới có những dấu hiệu một cuộc chiến tranh sắp nổ ra, thì người ta có thể nhận thấy trăng có vuốt và có răng.

img

Thói quen quan sát Mặt trăng đêm rằm tháng Tám đã tạo ra trong trí tưởng tượng dân gian cả một thế giới huyền diệu. Trong các truyền thuyết Mặt trăng này, con cóc có một vị trí lớn. Nó gần với ếch, kêu ồm ộp mà người ta nói là làm trời đổ mưa. Mọi người nhìn thấy nó ở Mặt trăng và gọi nó là "thiềm thừ". Chính do đấy mà bản thân Mặt trăng được gọi trong thơ là Thiềm cung (Cung Con cóc).

Một con vật khác mà ta nhận ra trên Mặt trăng nữa là con thỏ (thỏ nhà hay thỏ rừng) mà đức từ bi của đạo Phật coi như biểu tượng của con người từ thiện. Lại có người cho rằng những con thỏ này thụ thai trong khi ngắm trăng. Vì vậy, người ta căn cứ vào ánh trăng thu sáng như thế nào để đoán thỏ sẽ đẻ nhiều hay ít con. Như vậy thỏ trở nên biểu tượng của khả năng sinh sản nhiều. Do đấy nó được gắn bó chặt chẽ với trăng và rồng.

img

Mặt trăng, được coi là biểu tượng của khả năng sinh sản, trở thành người bảo trợ của phụ nữ và của đời sống vợ chồng. Trên Mặt trăng có cung của ông Nguyệt lão và bà Nguyệt, cả hai đều quyết định việc hôn nhân của mọi người trên Trái đất.

Vậy chính bằng những sợi chỉ tơ hồng mà ông Tơ ràng buộc các cặp vợ chồng tương lai. Ông Tơ càng buộc họ chặt, họ càng xích gần nhau, càng yêu nhau. Trai gái chỉ chắc chắn về tình yêu của họ và được gắn bó với nhau trong tương lai bằng hôn nhân nếu sợi được xe để thành chỉ. Họ còn ngập ngừng khi chỉ bị rối. Có trường hợp Nguyệt lão xe sẵn chỉ trước, buộc cặp vợ chồng tương lai. Chính vì vậy mà một số cuộc cưới xin được dễ dàng: người ta không cần phải đợi cho đến khi chỉ được se xong.

Nghi lễ đêm Rằm

Ở các gia đình giàu có và danh giá, con trai và con gái không được phép hát đối tìm bạn tình đêm rằm. Tuy nhiên, những tiểu thư thuộc gia đình thượng lưu, muốn trổ tài mình trước mắt các chàng trai và các bà mẹ chồng tương lai, đều nhân dịp tết tháng Tám, cũng gọi là tết trẻ em, để đua tài bằng cách làm đủ loại đồ vật với bột giấy, hoa quả... Tết được chuẩn bị từ hai ba tháng trước. Tất cả các cô gái trong gia đình đều bắt tay vào việc làm ra những vật tí xíu dưới sự chỉ dẫn của bà mẹ. Các cô làm những bông hoa hồng, hoa nhài, bông sen... Những cô khác làm hoa bằng giấy, bằng lụa, nhung... Những cô khác nữa gọt bằng bột nhuộm nhiều màu những con cá, tôm, tôm hùm, những con vật hoang đường và những cây hiếm có.

img

Đêm Trung Thu, cả nhà tưng bừng. Một chiếc bàn được kê giữa nhà. Chiếc bàn được biến thành một khu rộng có tường bao quanh trong đó có cung điện, vườn, đền chùa, và trong đó những cảnh sinh hoạt hoang đường và lịch sử được dựng lại với những đồ vật bằng giấy, bằng bột và quả cây - trình bày giữa vô số trứng nhuộm ngũ sắc, biểu tượng của khả năng sinh sôi nảy nở. Các quả dừa được biến thành những con thỏ hiền lành và nhút nhát; những con sư tử và kỳ lân lởm chởm lông làm bằng quả bưởi đã bóc vỏ; các bó mía màu thẫm đẹp, biểu tượng của sự sum họp lứa đôi bền vững, những chiếc bánh dẻo và bánh nướng tiêu biểu cho Mặt trăng với đàn thỏ, con cóc hay hai con rồng cuộn quanh vì tinh tú lớn ban đêm... Phòng lớn được thắp những đèn lồng hình con cá, hình những đèn kéo quân tả những chiến trận lừng danh, những cảnh lịch sử, cảnh một vị anh hùng tiến vào một tòa thành, hay một nhà sư đang tụng kinh trước bàn thờ Phật.

Thưởng Trăng và cầu đỗ đạt khoa cử

Như vậy, tết Trung Thu, trong một quá trình diễn biến lâu dài của tư tưởng và phong tục, đã trở thành ngày hội lớn của tuổi trẻ, trong đó trai gái gặp gỡ nhau, hát đối đáp giữa các đám đông và dưới ánh trăng. Họ trao cho nhau quà tặng gồm quạt, vòng tay là vật làm tin. Họ cùng nhau nhai trầu, là thứ ở nước này có giá trị giao ước. Trong các cuộc hát đối đáp đó, họ tha hồ tìm hiểu nhau. Những lời thề thốt được trao đổi trịnh trọng trước ánh trăng, rực rỡ xuất hiện uy nghi như một vị thần chứng giám. Và như vậy, ở cuộc đấu tao nhã này, nảy nở một tình yêu và những giá trị. Có trường hợp những mối dây chắc chắn ràng buộc các lứa đôi này và những đám cưới được cử hành vào ngày lành tháng tốt của mùa Xuân sau.

img

Về sau, cùng với phong tục trở nên tinh tế hơn, với sự phát triển của nền văn hóa cổ điển và sự tỏa sáng của ý thức hệ Nho giáo chính thống, các nghệ sĩ đã biến tết Trung Thu thành một cái tết ngắm và thưởng trăng. Đêm đó, khi trăng đã lên ngự uy nghi ở điểm cao nhất của bầu trời, vào thời kỳ này thường rất quang và trong vắt, các nhà thơ tụ họp nhau để uống "rượu hoa vàng" dưới bóng những cây trúc, nhắm những con ốc ở tháng này của mùa Thu thường béo hơn thời kỳ khác, và để cùng nhau ứng tác những vần thơ ca ngợi thiên nhiên vĩnh cửu và tuyệt đẹp.

Trái lại, những thanh niên đã hoặc sắp sửa học hành thành  tài lại vui tết Trung Thu theo kiểu của họ. Đối với họ, đây là ngày tết của tương lai, ngày tết mở đầu cho các kỳ đỗ đạt sắp tới của họ. Con cóc ba chân trên Mặt trăng trở thành con cóc vàng, kim thiềm, biểu tượng của sự đỗ đạt ở kỳ thi Hương và của việc leo lên các chức vụ cao của triều đình.

Cây đa che cho chú Cuội của dân gian trở thành cây nguyệt quế có hoa nở về mùa thu và đôi khi rụng xuống mặt đất. Cái cây hiếm hoi này, với những cành nhánh oai vệ, là biểu tượng của sự đỗ đạt vinh quang. Đêm đó, ai cũng mong muốn lên cung trăng, qua giấc mộng, bằng một chiếc thang "mây", mây đan hay mây trời, để hái một cành kỳ diệu của nó. Nếu người đó thành công, anh ta chắc chắn sẽ đỗ trong kỳ thi Đình sắp tới.

img

Vì thế, ở tết Trung Thu, người ta bày lên bàn dành cho trẻ con các hình trạng nguyên, tiến sĩ... của những khoa thi ngày xưa, hình bàn thờ gia tộc, các đình làng - nơi mà các vị tân khoa sẽ phải đến long trọng làm  lễ khi vinh quy về làng.

Trung Thu ở nước Việt Nam này đã trở thành một ngày tết mang tính chất phức tạp thú vị, đến nỗi cũng như tất cả các lễ hội có đặc tính dân gian khác, nó làm cho ai cũng quan tâm và sung sướng, bất kể họ thuộc giai tầng nào hay lứa tuổi nào trong nước.

* Tác phẩm viết bằng tiếng Pháp, in trên Tạp chí Đông Dương (Indochine, Hebdomadaire Illustré), số 108, 24.7.1942, ĐỖ TRỌNG QUANG dịch. Trích từ cuốn "Hội hè lễ Tết của người Việt" (NXB Thế giới, 2017)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem