Nuôi cá lồng trên sông, cuối năm kéo lưới lên bắt bán toàn cá to bự ở tỉnh Thái Bình.
Thái Bình: "Vớt bạc" trên sông là nghề gì hễ cuối năm dân mà kéo lưới lên là có tiền to?
Thứ tư, ngày 10/02/2021 13:01 PM (GMT+7)
Dòng sông không chỉ là dải lụa uốn lượn qua những làng quê mà với người dân ở đó dòng sông với vẻ đẹp lấp lánh còn cho người dân “vớt bạc” từ nghề nuôi cá lồng trên sông.
Trong tiết trời sang xuân, đến khu vực quy hoạch nuôi cá lồng của xã Điệp Nông (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), ngắm nhìn những lồng cá san sát nối nhau và đàn cá trong lồng đông đúc đang đua nhau ăn.
Ông Trần Xuân Chiều, thôn Duyên Đông chia sẻ: Là một trong những người tiên phong của xã Điệp Nông mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng trên sông bởi tôi muốn tận dụng lợi thế của tự nhiên nơi con sông chảy qua.
Từ lấp lánh ánh bạc
Gia đình ông Chiều lựa chọn các loại cá lăng, cá chép, cá diêu hồng để nuôi trong lồng trên sông. Và cũng tùy vào mỗi loại cá lại có thời gian nuôi khác nhau nên việc nuôi cá trên sông đem lại rất nhiều lợi ích.
Nguồn nước sông ít bị ô nhiễm nên có thể thả các loại cá với mật độ cao để tận dụng mặt nước, đồng thời nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào hơn so với nuôi nội đồng.
Do đó, cá lớn nhanh và ít bị bệnh. Được biết, gia đình ông Chiều xây dựng mô hình nuôi cá lồng từ năm 2016. Đến nay, gia đình ông có 18 lồng cá, bình quân sản lượng đạt trên dưới 100 tấn/năm, mô hình này đã mang lại cho ông Chiều lợi nhuận từ 400 - 500 triệu đồng/năm.
Cũng như ông Chiều, ông Nguyễn Văn Lê hiện có hơn 20 lồng cá trên sông, cho lợi nhuận 600 - 700 triệu đồng/năm. Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Điệp Nông: Đã có nhiều nông dân lựa chọn cách nuôi cá thay vì nuôi cá trong ao thì họ đã nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả cao.
Từ hướng đi đúng đắn ấy mà nhiều nông dân đã “vớt bạc” trên sông làm giàu cho gia đình. Hiệu quả từ nuôi cá lồng trên sông đã thấy rõ nên thời gian qua ở Điệp Nông nhiều hộ dân ở đây cũng bắt đầu mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng.
Điển hình như gia đình anh Bùi Thành Dương, năm 2020 mới đầu tư 6 lồng cá, hiện cá phát triển tốt và hứa hẹn cho vụ thu hoạch đầu tiên triển vọng.
Hiện nay, toàn xã Điệp Nông có 59 lồng cá nuôi trên sông. So với nuôi cá trong ao, nuôi cá lồng trên sông mang lại giá trị kinh tế cao hơn 4 - 5 lần. Từ hiệu quả nuôi cá lồng đã góp phần đưa giá trị sản xất nông nghiệp của xã Điệp Nông năm 2020 đạt trên 207 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 1,15%.
Đến hướng phát triển cá lồng
Nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên vốn đầu tư ban đầu lớn, đặc biệt là phải đối diện với những rủi ro trong mùa mưa bão.
Nếu thời tiết thuận lợi, dòng nước ổn định, không có dịch bệnh và người nuôi nắm vững kỹ thuật nuôi cũng như chuẩn bị tốt các biện pháp phòng, chống thiên tai để bảo vệ các lồng nuôi cá thì cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định.
Ông Nguyễn Đức Xuân, thôn Đồng Phú, xã Độc Lập (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) chia sẻ: Nhận thấy nuôi cá lồng mang lại hiệu quả cao nên năm 2013 tôi cùng hai người khác đầu tư nuôi 40 lồng cá trên sông.
Để bắt đầu bước vào nghề nuôi cá lồng, với số vốn ít ỏi trong tay, ông Xuân đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, vay mượn của anh chị em, bạn bè để đầu tư lồng cá và mua các loại cá giống có chất lượng về nuôi.
"Dù phải trải qua rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi luôn nỗ lực, quyết tâm để từng bước khắc phục, ổn định để duy trì và mở rộng mô hình", ông Xuân nói.
Đến nay, mô hình nuôi cá lồng cùng với doanh thu từ trồng cây ăn quả, nuôi gà đem lại cho gia đình ông Xuân bình quân mỗi năm 2 - 3 tỷ đồng.
Gia đình ông Lê Minh Hòa, thôn Việt Thắng, xã Hồng An (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) cũng mới bắt đầu nuôi cá lồng từ cuối năm 2018.
Với vốn đầu tư khoảng 1 tỷ đồng, gia đình ông Hòa xây dựng 20 lồng nuôi cá trắm, chép, lăng, diêu hồng.
Năm 2019, với lượng cá thu được và giá bán khá ổn định, gia đình ông đã cơ bản thu hồi vốn đầu tư. Từ đầu năm đến nay, dù bị ảnh hưởng ít nhiều từ dịch Covid-19 song lượng cá trong lồng vẫn được ông Hòa xuất bán từng đợt và dự kiến sẽ có khoảng 20 tấn cá được thu hoạch bán ra thị trường trong dịp tết Nguyên đán năm nay.
Ông Đường Khắc Thủy, Chủ tịch UBND xã Hồng An chia sẻ: Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, người nuôi cá còn áp dụng kỹ thuật tiên tiến để cá lồng được chăm sóc tốt, có thể nuôi được mật độ cao.
Nông dân nuôi nhiều chủng loại cá, nhất là những loại cá đặc sản với nguồn thức ăn sẵn có. Không những giảm chi phí chăn nuôi mà môi trường nước ít bị ô nhiễm giúp cá sinh trưởng tốt, chất lượng thịt ngon.
Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất và nắm vững kỹ thuật trước khi nuôi nên mô hình nuôi cá lồng luôn phát triển và cho thu nhập ổn định qua các năm.
Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) chia sẻ: Với điều kiện địa lý thuận lợi, có 3 con sông lớn chảy qua là sông Hồng, sông Luộc và sông Trà Lý nên nghề nuôi cá lồng tại huyện Hưng Hà những năm qua không ngừng phát triển.
Đặc biệt, chỉ từ đầu năm đến nay, số lượng lồng cá tăng khá đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho nhiều người dân nơi đây. Theo tính toán giá bán của cá nuôi lồng cao hơn nuôi ao đất khoảng 1,2 - 1,5 lần. Đến nay, toàn huyện Hưng Hà có 159 lồng cá, tăng 18 lồng so với năm trước.
Trong đó, xã Điệp Nông có 59 lồng, xã Độc Lập 56 lồng, Hồng An 20 lồng, thị trấn Hưng Nhân 13 lồng và xã Tân Lễ 11 lồng.
Có thể nói, hiệu quả từ hướng đi đúng đắn đã góp phần đưa giá trị nuôi trồng thủy sản trong toàn huyện Hưng Hà năm 2020 đạt trên 243 tỷ đồng, tăng 4,52% so với năm 2019.
Để khuyến khích phát triển nuôi cá lồng, huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) và các địa phương trong huyện tiếp tục chỉ đạo nuôi cá lồng theo quy hoạch và có cơ chế phù hợp nhằm hỗ trợ cho các hộ nuôi cá lồng. Đây cũng là những dấu hiệu tích cực, khích lệ, thúc đẩy phong trào nuôi cá lồng trong huyện tiếp tục vượt khó, mạnh dạn đầu tư phát triển với niềm tin “vớt bạc” trên sông trong mùa xuân mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.