Mới nghi đã bỏ thai
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán trước sinh (Bệnh viện Phụ sản T.Ư) cho biết, từ tháng 1 đến nay Trung tâm tiếp nhận 2.045 thai phụ mắc rubella. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào nguồn lây bệnh, dấu hiệu lâm sàng như sốt, phát ban… và xét nghiệm sinh hóa miễn dịch.
|
Bác sĩ xét nghiệm thai nhi nhiễm virus Rubella. Ảnh: Thái Hà. |
Tuy nhiên, do thai phụ thường đến khám muộn, không rõ phát ban và một số dấu hiệu khác nên không xác định được thời điểm mắc rubella và nguy cơ ảnh hưởng đối với thai. Cùng với đó, số thai phụ xin phá thai rất cao trong khi chưa có phương pháp chẩn đoán thai nhiễm virus rubella.
Theo TS Tuấn, hiện nay việc tư vấn phá thai chủ yếu dựa vào tần suất mắc ở từng tuổi thai mắc Rubella đã được công bố trên thế giới. Trong số 103 ca phá thai dựa vào tần suất mắc và thai phụ làm đơn xin phá thai, các bác sĩ của Trung tâm xét nghiệm chỉ có 17 ca mắc bệnh rubella, chiếm tỷ lệ 16,5%. Như vậy có tới hơn 80% thai nhi bị hủy bỏ vì nghi mắc rubella nhưng thực tế không hề bị bệnh.
PGS.TS Lê Anh Tuấn thừa nhận đúng là việc tư vấn phá thai chủ yếu dựa vào tần suất mắc ở từng tuổi thai mắc rubella đã khiến nhiều thai nhi bị bỏ oan uổng. Nhưng khi chưa có kỹ thuật hiện đại để phát hiện thai nhi nhiễm virus rubella thì đấy vẫn là cách tư vấn tốt nhất cho thai phụ để không sinh ra trẻ mắc quá nhiều dị tật bẩm sinh.
Trên thực tế, tại BV Phụ sản T.Ư chỉ trong 2 tháng hè vừa qua đã có tới 20 trẻ sinh ra bị hội chứng rubella bẩm sinh. Đây là những trường hợp đến viện khám khi tuổi thai đã lớn không có chỉ định phá, hoặc do bác sĩ tư vấn không giữ thai nhưng gia đình kiên quyết giữ lại. Những đứa trẻ này khi sinh ra mắc hội chứng rubella bẩm sinh bao gồm dị tật tim, đục thủy tinh thể, điếc, chậm phát triển tâm thần và vận động do tổn thương não.
Cứu sống
Một nghiên cứu mới đây của các bác sĩ BV Phụ sản Sài Gòn cho thấy, có 4 trường hợp điển hình của hội chứng rubella bẩm sinh ở trẻ nhỏ có nguồn gốc nhiễm trùng trong bào thai. Những thai phụ này đều chưa được tiêm vaccine ngừa rubella trước khi mang thai, bị sốt phát ban toàn thân xảy ra trước tuần thứ 12 của thai kỳ.
Các trường hợp này sản phụ đều được khám thai thường xuyên, các dấu hiệu thai phụ mắc bệnh đều được bác sĩ ghi nhận nhưng ít được tư vấn trước về khả nặng bệnh lý rubella của em bé sau khi chào đời. Vì không được tư vấn về các khả năng nên giữ thai hay bỏ thai nên các sản phụ đã giữ thai và sinh ra những đứa trẻ mang di chứng rất nặng của bệnh rubella.
Đến nay dù đã 3-4 tuổi nhưng những trẻ này đều chưa biết nói, chưa đứng vững, điếc, dị tật tim bẩm sinh, đục thủy tinh thể, có trẻ đeo kính cận từ 14,5 đến 24 đi-ốp.
Để hạn chế việc tỷ lệ thai nhi bị bỏ oan uổng, mới đây các bác sĩ BV Phụ sản T.Ư đã thử nghiệm thành công phương pháp “Chọc hút dịch ối chẩn đoán thai nhi nhiễm virus Rubella bằng kỹ thuật PCR real-time”. Đây là phương pháp mới chẩn đoán thai nhi nhiễm virus rubella chính xác đến 95% giúp thai phụ quyết định chính xác việc giữ hay bỏ thai.
Trong nghiên cứu ban đầu có 5 ca chọc ối chẩn đoán thai nhi nhiễm rubella, có 3 trường hợp dương tính, 2 trường hợp âm tính. Tất cả các xét nghiệm PCR real-time chẩn đoán virus rubella trong nước ối đều phù hợp với kết quả xét nghiệm máu cuống rốn của thai nhi sau khi đình chỉ thai. Đến nay đã có khoảng 50 thai phụ được chọc ối để xét nghiệm thai nhi có mắc rubella hay không.
Giá thành của một lần làm xét nghiệm này là 1,5 triệu đồng. Do đây là kỹ thuật mới nên chưa được bảo hiểm y tế thanh toán.
Theo Tiền Phong
Vui lòng nhập nội dung bình luận.