Thanh Hóa: Ông Chủ tịch Hội nông dân trồng loài cây gì ở ruộng bỏ hoang mà tách hạt bán hàng tấn sang Nhật?

Hữu Dụng Thứ hai, ngày 28/09/2020 19:31 PM (GMT+7)
Từ những cánh đồng mà người dân bỏ hoang nhiều năm, anh Phạm Văn Cường - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã biến thành mô hình trồng sen Nhật, vừa bán hoa, vừa bán hàng tấn hạt sen sang Nhật Bản. Cánh đồng sen Nhật của anh Cường thu hút nhiều người đến ngắm, nhất là giới trẻ.
Bình luận 0

Clip: Ông Chủ tịch Hội nông dân xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa biến ruộng hoang thành cánh đồng trồng sen Nhật- nơi hái ra tiền, khiến vạn người mê.

Biến đồng hoang thành nơi trồng sen Nhật hút hồn người xem

Đến thăm mô hình trồng sen Nhật xuất khẩu của anh Phạm Văn Cường - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) thời điểm chỉ cách mùa thu hoạch khoảng 20 ngày, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cánh đồng trồng sen Nhật trên diện tích khoảng 18 ha tại xã bát ngát, hứa hẹn cho một mùa bội thu thứ 2 trong năm.

Ông Chủ tịch Hội nông dân biến ruộng hoang thành nơi hái ra tiền, khiến vạn người mê - Ảnh 1.

Để có được mô hình anh Phạm Văn Cường, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã nhận thầu lại toàn bộ diện tích 18 ha đất ruộng của 60 hộ dân để hoang.

Trên cương vị là Chủ tịch Hội nông dân xã Thọ Lâm, nhận thấy xã nhà có nhiều khu đồng trũng cấy lúa không ăn chắc, xa khu dân cư bị bỏ hoang do nhiều hộ dân không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp hoặc đi làm ăn xa nên thiếu lao động, anh Cường đã nghĩ ngay đến việc phát triển đầm sen quy mô lớn.

Ông Chủ tịch Hội nông dân biến ruộng hoang thành nơi hái ra tiền, khiến vạn người mê - Ảnh 2.

Anh Phạm Văn Cường, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, sen Nhật có đài to, tỷ lệ hạt chắc trên đài đạt từ 80 đến 90% nên năng suất cao hơn hẳn các loại sen bản địa.

Nghĩ là làm, năm 2017, sau khi nhận thầu lại toàn bộ diện tích 18 ha đất ruộng của 60 hộ dân để hoang hóa, anh Cường dốc toàn bộ số tiền gia đình có và vay mượn thêm đầu tư, ra sức để cải tạo đồng hoang, vừa trồng sen, vừa thả cá theo mô hình trang trại.

Để hình thành được mô hình, anh phải trãi qua nhiều ngày thuê máy xúc nạo vét đất, be bờ, dần dần một khu đầm đã thành hình. Để có được kiến thức trước khi trồng sen anh Cường đã chủ động đi thăm quan học hỏi nhiều mô hình trồng sen ở tỉnh Bến Tre, tìm hiểu kiến thức về trồng sen trên internet…

Sau một thời gian tìm hiểu anh Cường đã ra Viện Nông Nghiệp Việt Nam để mua giống sen lai nguồn gốc từ Nhật Bản, vì giống này cho năng suất cao hơn nhiều sen bản địa.

Cây không phụ công người, những mầm sen ngoại dần bén rễ xuống bùn sâu, mọc lên những thân lá mơn mởn. Những thân sen cao tới 2m, lá to với đường kính cả mét - gấp đôi sen truyền thống, rồi những chồi hoa bung nở nhuộm hồng cả một khu đầm. 

Với những đài sen lai từ 10 đến 15cm, có thể cho thu hoạch hàng trăm hạt sen, những bông hoa tiếp tục bung nở, tỏa hương thoang thoảng cả một vùng. Mầm xanh và màu thắm hồng đầy hy vọng dần hiện hữu.

Ông Chủ tịch Hội nông dân biến ruộng hoang thành nơi hái ra tiền, khiến vạn người mê - Ảnh 3.

Theo anh Phạm Văn Cường thì sen Nhật là giống cây có đặc tính khỏe mạnh, dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, thích ứng với điều kiện canh tác ngập úng.

Ngoài trồng sen Nhật lấy hạt liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm đầu ra, anh Cường còn tận dụng mặt nước để nuôi cá và vịt. Đến nay, khu trang trại tổng hợp bồm gồm khu đầm sen kết hợp nuôi cá, vịt rộng tới 18ha này đã trở thành mô hình kinh tế điển hình của xã Thọ Lâm mỗi năm thu lãi gần 600 triệu đồng.

Thành công với thử nghiệm trồng sen 2 vụ/năm

Theo anh Phạm Văn Cường chia sẻ: Sen Nhật là giống cây có đặc tính khỏe mạnh, dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, thích ứng với điều kiện canh tác ngập úng. Sen Nhật có đài to, tỷ lệ hạt chắc trên đài đạt từ 80 đến 90% nên năng suất cao hơn hẳn các loại sen bản địa.

Ông Chủ tịch Hội nông dân biến ruộng hoang thành nơi hái ra tiền, khiến vạn người mê - Ảnh 4.

Ngoài trồng sen lấy hạt xuất khẩu, anh Phạm Văn Cường còn dùng hoa sen để ướp trà, cung cấp cho các thị trường như Hà Nội, TP. HCM...

"Thông thường một năm chỉ trồng được một vụ sen. Mỗi chu kỳ sen kéo dài từ 10 – 15 năm. Việc chăm sóc sen phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước và thời tiết. Lượng nước phải luôn được đảm bảo để sen sinh sống tốt. Tuy nhiên, vào mùa đông sen sẽ trụi cây. Đây là thời gian ngủ đông, nhưng nếu biết cách làm thì mỗi năm sẽ trồng được 2 vụ" - Anh Cường cho biết.

Theo anh Cường để trồng sen được hai vụ trong năm, sau khi thu hoạch vụ sen chính thì anh Cường đã bơm hết toàn bộ nước trong đầm, sau đó dùng máy dập hết những cây sen xuống bùn. Tiếp đến bơm nước nào đầm để cây sen sinh trường và phát triển.

Sen Nhật sau khi được trồng, khoảng 70 ngày có thể thu hoạch được. Sản phẩm từ giống sen này chủ yếu để lấy hạt. Hiện nay, mỗi vụ gia đình anh xuất bán sang Nhật Bản từ 10 - 13 tấn. Với giá bán 45 - 50 nghìn đồng/1 kg hạt khô, 35 - 40 nghìn đồng/1kg hạt tươi, mỗi vụ anh thu về 600 - 700 triệu đồng.

Cũng theo anh Phạm Văn Cường với cây sen, để đậu bát nhiều chỉ có phụ thuộc vào thời tiết mà không hề dùng một tý thuốc sâu nào. Toàn bộ quy trình đều sản xuất thủ công hết, từ công đoạn trồng đến thu hoạch. Đây là thứ hoa quả sạch nhất, không hề có một chút hóa chất nào. Nghề trồng sen cũng không công phu lắm, nhưng phụ thuộc nhiều vào thời tiết và phụ thuộc vào thị trường thu mua để sen được giá.

Ông Chủ tịch Hội nông dân biến ruộng hoang thành nơi hái ra tiền, khiến vạn người mê - Ảnh 5.

Hiện tại anh Phạm Văn Cường đã trồng thử nghiệm thành công sen 2 vụ trong năm.

"Trồng sen cho giá trị thu nhập cao hơn trồng lúa, lại ít phải chăm bón. Thị trường tiêu thụ cũng rất thuận lợi, hiện gia đình đã ký kết với một công ty thu mua hạt sen đến tận đầm để lấy hạt sen.Vì vậy, đầu ra được đảm bảo" - anh Phạm Văn Cường cho biết thêm.

Nhận định việc đầu tư của mình đã đúng hướng, anh Phạm Văn Cường đang có kế hoạch thuê thêm đất đồng trũng để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế và tạo việc làm cho lao động địa phương.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem