Cụ thể, Chính phủ quyết nghị thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, con dấu hình quốc huy và tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước.
Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1.2018, trả lời câu hỏi của phóng viên xung quanh việc thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đơn vị dự kiến sẽ quản lý 5 triệu tỷ đồng vốn nhà nước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Thế Phương cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 66/QĐ-Tg ngày 15.1.2018 về việc thành lập tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để thành lập ủy ban quản lý vốn do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm tổ trưởng, ông Nguyễn Hoàng Anh, nguyên Bí thư Cao Bằng làm Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN, Tổ phó thường trực. Ủy ban có nhóm giúp việc gồm Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan khác.
Ông Nguyễn Hoàng Anh - nguyên Bí thư Cao Bằng - được phân công làm Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp. (Ảnh: I.T)
Còn tại cuộc họp Chính phủ, Bộ Nội vụ đã có báo cáo Chính phủ về Nghị quyết để thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước. Các thành viên Chính phủ cũng đã đồng ý thông qua Nghị quyết này. Dự kiến, Chính phủ sẽ thông qua Nghị quyết về về chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban quản lý vốn nhà nước trong quý II.2018.
Về mô hình của Ủy ban, nó khác với mô hình của SCIC ở chỗ SCIC chỉ là một mô hình quản lý và kinh doanh vốn tại các công ty, tổng công ty, tập đoàn có vốn nhà nước. Còn Ủy ban sẽ quản lý tổng thể, tất cả tài sản bao gồm cả quản lý khối tài sản trị giá khoảng 5 triệu tỷ đồng. Vậy nên, nó là một định chế bao chùm. Sẽ có các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng để bao quát toàn bộ”.
Trò chuyện với Dân Việt, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam nhận định: “Sự ra đời của Ủy ban vẫn không giải quyết tận gốc vấn đề bởi cuối cùng Nhà nước vẫn sở hữu DNNN. Thay vì thuộc Bộ quản lý thì giờ là “Siêu ủy ban”, tình trạng 3 trong 1 chuyển thành 2 trong 1, vẫn duy trì chức năng sở hữu Nhà nước và quản trị DN.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn (Ảnh: H.Q)
Ngoài ra, vẫn còn một chức năng mờ khác là quản lý ngành. Vì trong đại diện của Ủy ban vẫn còn đại diện của các Bộ, ngành trong đó.
Một vấn đề là chúng ta chưa nhận diện địa vị pháp lý của Ủy ban. Nó sẽ là một cơ quan ngang Bộ hay nằm dưới Bộ? Nếu Ủy ban nằm dưới Bộ, thì Bộ khác có thể tác động lên nó. Ngược lại, nếu Ủy ban là một cơ quan ngang Bộ, nghĩa là chúng ta lại “đẻ” thêm một Bộ khác trong khi đang cần tinh giản biên chế. Ngoài ra, Ủy ban không thể nằm trên Bộ được bởi không một thể chế nào cho phép như vậy.
Một cách khác là chuyển bớt các Cục, Vụ có chức năng quản lý vốn, tài sản tại DNNN sang Ủy ban. Nhưng làm như vậy thì vẫn là con người cũ, bộ máy cũ, tư duy cũ. Vậy hiệu quả của cơ quan này lúc đó sẽ như thế nào?”
Về cơ cấu tổ chức của “Siêu ủy ban” quản lý vốn nhà nước, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn tỏ ra lo lắng bởi vẫn tồn tại đại diện của các Bộ trong Ủy ban. Tức là chúng ta chưa xóa bỏ được lợi ích của Bộ, ngành vì đại diện Bộ, ngành trong Ủy ban phải đại diện cho lợi ích của họ.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, thành công và hiệu quả của Uỷ ban phụ thuộc phần lớn vào người quản lý. “Đó phải là những người kỹ trị, chứ không phải là nhà chính trị. Người làm chính trị nhưng nếu không có kĩ năng, không am hiểu thị trường, thấu hiểu các nguyên tắc trên thị trường, cách quản lý cơ bản thì không thể làm được. Cách chúng ta làm đang đảo lộn giữa hai nhiệm vụ này nên khiến tôi không yên tâm”, bà Chi Lan nói.
Các tổ phó khác của Ủy ban gồm: Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Các thành viên tổ công tác gồm: Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Lê Tiến Châu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước và bà Hoàng Thị Ngân, Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính Nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ, thư ký tổ công tác.
Tổ công tác có nhóm giúp việc gồm 9 ông, bà là đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, đơn vị trong đó bà Hoàng Thị Ngân, Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính Nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ, trưởng nhóm giúp việc.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.