Thanh mát… bí đao ngày hè!

Bài, ảnh: Hồng Khuyên Thứ tư, ngày 13/05/2015 09:00 AM (GMT+7)
Bông bí nở vàng thể hiện một vẻ đẹp dân dã mà xao xuyến. Trong bài hát “Bông bí vàng”, nhạc sĩ Bắc Sơn ngay mở đầu đã cảm hứng: “Bông bí vàng ngoài giàn công em trồng anh không hái, trời sa mưa bông kết trái từ đó buồn, em buồn”… 
Bình luận 0
Đã từ bao đời nay, sau vườn nhà của người nông dân miền Tây Nam bộ thường trồng ít dây bầu, dây bí để… có thêm thức ăn dữ trữ. Mùa hạn, người ta trồng bí đao, ngày ngày múc nước giếng tưới cho cây, vậy mà bí đao xanh tốt lạ lùng.

img
Bí đao trồng thả giàn đang độ đơm hoa, kết trái.
Khác với hoa bầu màu trắng, bông bí nở vàng thể hiện một vẻ đẹp dân dã mà quyến rũ. Trong bài hát “Bông bí vàng”, nhạc sĩ Bắc Sơn ngay mở đầu đã cảm hứng: “Bông bí vàng ngoài giàn công em trồng anh không hái trời sa mưa bông kết trái từ đó buồn, em buồn”… Trái bí đao khi còn non có màu xanh nhạt và có lông tơ. Với thời gian quả ngả màu đậm dần, lốm đốm "sao" trắng và thêm lớp phấn như sáp.

Những ngày bận bịu với công việc đồng áng, khi chuẩn bị bữa cơm trưa người ta thường ra vườn cắt trái bí vô để nấu canh (cũng có thể cắt khoanh, lượng vừa đủ ăn, phần còn lại vẫn để thả giàn). Canh bí đao không kén với thịt hay cá, có gì nấu nấy. Ít tép trấu bằm hay con cá lóc nho nhỏ cũng được, sang hơn thì mấy cọng sườn non của heo,…
img
Tô canh bí đao.
Bí đao gọt vỏ, rồi xắt lát mỏng hoặc sợi nhỏ. Nước nấu sôi, cho cá, tép vào, vớt bọt, nêm vừa ăn rồi mới trút bí vào đảo đều, khi sôi trở lại thì nhắc xuống. Dân gian kinh nghiệm không để bí chín rục và khi nấu cũng thường bỏ phần ruột, hột. Vì nếu canh chín quá hoặc nấu cả phần ruột, hột, canh có vị chua không ngon. Tô canh bí còn được rắc thêm ít hành lá xắt nhuyễn và chút tiêu xay. Canh bí đao ăn mát, lại ngon ngọt. Chén cơm gạo lúa mùa chan canh bí ăn kèm với tép rang hay tô mắm cũng giúp cho người dân quê đủ năng lượng để tiếp tục công việc ruộng đồng.

Trong dịp tết Nguyên đán, bí đao già được chọn làm mứt. Miếng mứt bí từ lâu đã không thể vắng mặt bên chung trà tỏa khói ngày xuân,…

Ở miền Tây Nam bộ, người ta có thói quen chứa nước mưa trong các lu, kiệu để cặp bên hiên nhà. Những lão nông tri điền chọn những trái bí đao già thả vô lu nước rồi đậy kín lại. Mấy tháng sau dỡ ra, bí đã rã hết để lại một làn nước mát khó gì sánh bằng. Những buổi trưa nóng nực, được uống ca nước bí đao sẽ nghe mát dạ mát lòng, …

Tự nhiên như vậy, bí đao đã âm thầm đi vào nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của người miền sông nước:

"Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn" -  Ca dao.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem