Tháo dỡ nhà máy biểu tượng ở đất thép, dự án khu đô thị "mọc lên"

Vinh Hải Thứ hai, ngày 20/08/2018 06:00 AM (GMT+7)
Nhà máy luyện cán thép Gia Sàng – một trong những biểu tượng sản xuất thép của đất thép Thái Nguyên đã được tháo dỡ. 22,6 ha “đất vàng” tại đây dự kiến sẽ được nhường chỗ cho dự án khu đô thị mà chủ đầu tư là đơn vị đã vào cuộc “giải cứu” nhà máy này.
Bình luận 0

Biểu tượng đất thép tụt dốc không phanh

Ở đất thép Thái Nguyên, thép Gia Sàng là một biểu tượng bên cạnh khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên từ nhiều năm qua.

Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng (Công ty Gia Sàng) tiền thân là Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng do Cộng hòa Dân chủ Đức giúp đỡ Việt Nam xây dựng, được đưa vào sản xuất năm 1975. Nhà máy này từng được coi là “cánh chim đầu đàn” của ngành thép Việt Nam sau giải phóng, với quy mô và công nghệ thuộc loại lớn và hiện đại nhất miền Bắc lúc bấy giờ.

img

Luyện cán thép Gia Sàng từng là một trong những biểu thượng của ngành thép ở Thái Nguyên ...

Đường tụt dốc không phanh của thép Gia Sàng bắt đầu từ năm 2007, khi đơn vị này tiến hành cổ phần hóa với vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Trong đó, vốn sở hữu Nhà nước 39,66%, vốn của một cá nhân cổ đông 41%; của cán bộ công nhân viên còn lại 19,34%.

Sau 5 năm cổ phần hóa, đến hết năm 2012, doanh nghiệp này lỗ lũy kế hơn 108 tỷ đồng và ngừng sản xuất từ tháng 1.2013.

Từ đây, người lao động của Công ty phải lao vào “cuộc chiến” giữ nhà máy và đòi những quyền lợi chính đáng của mình. Theo người lao động, có một nhóm người tìm cách dần rút ruột nhà máy để không thể khôi phục sản xuất, khiến nhà máy phá sản để “hô biến” khu đất vàng rộng 22,6ha.

Người viết bài đã nhiều lần đồng hành cùng người lao động thép Gia Sàng tìm những chứng cứ, phản ánh việc nhà máy bị một nhóm cổ đông, trong đó có ông Lê Xuân Hộ - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng có những hành vi mờ ám khiến vật tư, thiết bị nhà máy dần biến mất.

Đến ngày 29.7.2013, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Thái Nguyên đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt ông Lê Xuân Hộ (tức Động) về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.


img

... nay đã được tháo dỡ để phục vụ cho một Tổ hợp dự án khu đô thị, trường học

Chưa qua bĩ cực

Nhà máy bị thất thoát tài sản, lãnh đạo vào tù, thép Gia Sàng ngừng sản xuất kinh doanh từ năm 2013. Người lao động mất việc, công ty gánh một khoản nợ trên 140 tỷ đồng gần như không có khả năng thanh toán.

Tháng 1.2014, TAND TP Thái Nguyên tuyên Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng phải thanh toán khoản vay 38,8 tỷ đồng cộng lãi suất cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Thái Nguyên.

Tiếp đó, Chi cục Thi hành án Dân sự TP. Thái Nguyên, Ban lãnh đạo thép Gia Sàng, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên (Vietinbank Thái Nguyên) đã thống nhất việc giải quyết thi hành án bằng cách thanh lý bán đấu giá toàn bộ khối tài sản trên đất của doanh nghiệp này với số tiền khởi điểm là gần 56,8 tỷ đồng, để trả nợ.

Tổ chức, cá nhân trúng đấu giá không được tháo dỡ nhà xưởng, dây chuyền sản xuất mà phải đầu tư để tái sản xuất, giải quyết việc làm và bảo vệ quyền lợi cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Công ty CP Thương mại Thái Hưng là đơn vị thứ hai đấu giá thành công.

Sau khi Công ty Thái Hưng đầu tư hơn 152 tỷ đồng nhằm "giải cứu" thép Gia Sàng, tháng 12.2016, mẻ thép đầu tiên sau 3 năm dừng hoạt động được ra lò tại Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng. Nhưng chỉ nửa năm sau, doanh nghiệp này tiếp tục dừng sản xuất do thua lỗ.

img

Sau khi có nhà đầu tư vào "giải cứu", thép Gia Sàng có mẻ thép đầu tiên sau 3 năm dừng hoạt động vào tháng 12.2016. Nhưng đến giữa năm 2017, công ty tiếp tục dừng hoạt động do sản xuất thua lỗ. Ảnh IT.

Công ty Luyện cán thép Gia Sàng và nhà đầu tư đã thống nhất xây dựng Dự án di dời, cải tạo, nâng cấp Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng lên 500 nghìn tấn/năm do Công ty Thái Hưng làm chủ đầu tư. Dự án này dự kiến được xây dựng trong khuôn viên Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Công ty Thái Hưng cũng đang có 20% cổ phần tại Gang thép Thái Nguyên) trên diện tích 5ha.

Trên vị trí cũ của Nhà máy Thép Gia Sàng dự kiến sẽ mọc lên một dự án Khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng, với chủ đầu tư không ai khác là Công ty Thái Hưng – đơn vị đã vào cuộc "giải cứu" thép Gia Sàng.

Dự án này đã được ông Vũ Hồng Bắc – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ký quyết định 3669/QĐ-UBND về việc đồng ý chủ trương thực hiện vào ngày 23.11.2017. Đến tháng 3.2018 vừa qua, UBND TP Thái Nguyên đã công bố quy hoạch chi tiết 1/500 Khu tổ hợp dự án.

Nhà máy luyện cán thép Gia Sàng – biểu tượng một thời của đất thép Thái Nguyên đang được tháo dỡ để gấp rút thực hiện dự án kể trên.

img

Luyện cán thép Gia Sàng gần như chỉ còn "cái xác của một nhà máy thép" sau nhiều năm bị rút ruột, ngừng hoạt động

Trao đổi với PV, ông Bùi Long Xuyên – Tổng Giám đốc Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng xác nhận nhà máy đang được tháo dỡ để di dời. Ông Xuyên cho biết dự án mới sẽ di dời xuống Công ty Gang thép Thái Nguyên nhưng còn vướng một số thủ tục nên chưa thực hiện được.

Nhà máy đã tháo dỡ nhưng khoản tiền 17 tỷ đồng nợ lương, BHXH của người lao động Công ty vẫn chưa được tháo gỡ. Số tiền này vẫn đang “mắc kẹt” do chính nội bộ các cổ đông của Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng còn bận “đấu đá” về quyền lợi.

“Tôi vừa làm việc với Thanh tra tỉnh Thái Nguyên nhưng hiện vẫn chưa có phương án nào để trả được nợ lương cho công nhân. Nếu thực hiện theo kết luận trước đó, coi như Gia Sàng mất hết” – ông Xuyên thông tin.

Vậy là sau thời gian dài đấu tranh với nhóm lợi ích muốn rút ruột nhà máy, cản trở sản xuất, trải qua các cuộc giải cứu, đến nay người lao động của Luyện cán thép Gia Sàng vẫn phải chờ việc, chế độ phúc lợi vẫn chưa đến tay đầy đủ. Nhà máy cũ đã tháo dỡ, dự án nhà máy mới đến khi nào hoàn thành? Những ai được hưởng lợi trong cuộc “giải cứu” thép Gia Sàng? Tại sao phải là khu đô thị chứ không phải dự án nào khác mọc lên từ 22,6ha đất trước đây là nơi đặt nhà xưởng thép Gia Sàng?

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Trước đây vào năm 2011, Công ty CP Thương mại Thái Hưng từng được giao làm chủ đầu tư Khu đô thị mới Việt Bắc (sau đó đổi tên là KĐT Thái Hưng) theo Quyết định số 377 ngày 18.2.2011 của UBND tỉnh Thái Nguyên.

Dự án dự kiến được thực hiện trong 5 năm (2011 - 2016) với tổng số vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng với diện tích 196,8 ha. Tuy nhiên, hết thời hạn, dự án vẫn nằm trên giấy.

Tuy nhiên, đến tháng 6.2017, UBND tỉnh Thái Nguyên có Công văn số 2332/UBND-QHXD chấp thuận chủ trương để UBND TP Thái Nguyên tổ chức lập điều chỉnh (lần 3) quy hoạch chi tiết Khu đô thị Thái Hưng tại TP Thái Nguyên.

Diện tích lập điều chỉnh quy hoạch dự án Khu đô thị Thái Hưng dự kiến hơn 21 ha. Vùng quy hoạch thuộc địa giới hành chính phường Phú Xá, Tân Lập.

Nội dung điều chỉnh quy hoạch gồm điều chỉnh hướng tuyến đường quy hoạch Thanh niên xung phong, giữ nguyên điểm kết nối với đường Việt Bắc và đường 3/2; điều chỉnh lộ giới đường Phú Thái nằm trong khu vực dự án từ 27m lên 48m phù hợp với hiện trạng tuyến điện cao thế 110KV hiện có. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem