Thế hệ không tiền, không nhà, không con cái ở Nhật Bản

Thứ tư, ngày 21/06/2023 17:19 PM (GMT+7)
Sống trong “thập kỷ mất mát” ở Nhật Bản, nhiều người thuộc thế Millennials bị mắc kẹt trong công việc bế tắc và kiên quyết không có con.
Bình luận 0

 

Ở tuổi 36, Isechi Makoto cuối cùng cũng cảm thấy mình được sống. Vợ chồng anh chỉ còn vài tháng nữa là trả hết nợ.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Isechi làm nhân viên bán nhạc cụ và chơi guitar trong ban nhạc nhỏ. Anh mở công ty IT, nhưng phá sản vào năm 2019 và gánh khoản nợ 35.000 USD. Lúc này, vợ anh cũng phải vay mượn để đi học đầu bếp.

Trong 3 năm qua, Isechi dần xây dựng cơ sở khách hàng và hiện kiếm được 7.500 USD/tháng.

“Bây giờ, chúng tôi có thể bắt đầu tương lai của mình”, anh nói với Insider.

Vợ Isechi đang nghĩ đến việc chuyển nhà và mở nhà hàng ở vùng nông thôn. Nhưng họ vẫn không có kế hoạch sinh con, mua nhà hay làm giàu.

Nằm trong số 27 triệu người (chiếm 1/5 tổng dân số) thuộc thế hệ thiên niên kỷ (Millennials hay Gen Y) ở Nhật Bản, Isechi hài lòng với cuộc sống hiện tại.

Nhóm này sinh trong khoảng năm 1981-1996, hiện ở độ tuổi 27-42 và dành phần lớn cuộc đời trong thời kỳ suy thoái kinh tế.

Thế hệ không tiền, không nhà, không con cái ở Nhật Bản - Ảnh 1.

Isechi hài lòng với cuộc sống không con cái, không tài sản tích lũy. Ảnh: Isechi Makoto.

“Thập kỷ mất mát”

Lớn lên vào đầu những năm 1990 tại thành phố Kagoshima, Isechi cùng em trai chứng kiến cha mẹ phải vật lộn với các khoản thế chấp và thanh toán xe hơi trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế hiện đại tồi tệ nhất của Nhật Bản.

“Mẹ thường nói với anh em tôi rằng ‘Đừng bao giờ vay mượn bất cứ thứ gì’”, anh nói.

Ông Seijiro Takeshita, công tác tại Đại học Shizuoka, cho biết từ năm 1986 đến 1991, Nhật Bản trải qua bong bóng kinh tế.

Đặc biệt, 10 năm bắt đầu từ 1991 được gọi là “thập kỷ mất mát” của Nhật Bản khi tỷ lệ thất nghiệp tăng hơn gấp đôi từ 2,1% năm 1991 lên mức cao lịch sử 5,4% năm 2002.

Gen Y Nhật Bản trở nên thực tế hơn các thế hệ trước và cũng không còn tư tưởng “làm việc chăm chỉ cho đến chết”, trong đó, đặc biệt, họ bắt đầu từ chối văn hóa làm việc ngoài giờ.

Thế hệ không tiền, không nhà, không con cái ở Nhật Bản - Ảnh 2.

Hầu hết người thuộc thế hệ thiên niên kỷ Nhật Bản sẵn sàng thuê nhà đến hết đời. Ảnh: Issei Kato/Reuters.

Không mua nhà, không sinh con

Hầu hết Gen Y của Nhật Bản không quan tâm đến việc mua nhà và chưa đến 1/3 sở hữu tài sản.

Tỷ lệ sở hữu nhà ở xứ Phù Tang giữ ổn định ở mức khoảng 60% kể từ những năm 1970, theo Statista. Nhưng thế hệ trẻ chiếm tỷ lệ chủ nhà ngày càng giảm.

Năm 2018, 26% số nhà thuộc sở hữu của chủ hộ 30-34 tuổi, giảm từ 46% vào năm 1983. Tỷ lệ sở hữu nhà của chủ hộ trong độ tuổi 35-39 giảm từ 60% xuống 44% trong năm 2018 cùng thời kỳ.

Ông Takeshita từ Đại học Shizuoka nhận định thế hệ thiên niên kỷ từng chứng kiến giá tài sản giảm xuống đáy và coi việc sở hữu nhà không còn quan trọng như các thế hệ trước.

Khi thường xuyên lo lắng về nền kinh tế, rất ít người thuộc thế hệ Millennials của Nhật Bản nghĩ đến việc lập gia đình.

Suganuma Natsuki (33 tuổi), cư dân Tokyo, nghỉ việc vào năm 2021 để thành lập công ty riêng. Một số đồng nghiệp của cô có 1-2 con, nhưng vợ chồng cô tin rằng sẽ rất khó nuôi dạy con cái khi điều hành công ty.

“Hầu hết không có tiền để chăm sóc chúng. Thật quá đáng sợ khi có con”, cô nói.

Thế hệ không tiền, không nhà, không con cái ở Nhật Bản - Ảnh 3.

Nhiều người Nhật thuộc thế hệ Y xem việc có con cái là gánh nặng. Ảnh: Reuters.

Số ca sinh ở Nhật Bản giảm xuống còn 1,26 ca/phụ nữ vào năm 2023 - mức thấp nhất trong 17 năm qua, theo Bộ Y tế nước này.

Tỷ lệ sinh giảm của Nhật Bản không phải là xu hướng mới. Nước này cố gắng tăng tỷ lệ sinh bằng cách tạo môi trường thuận lợi cho phụ nữ sinh con và có thể quay trở lại làm việc mà không cần chăm sóc con cái.

Tuy nhiên, thế hệ thiên niên kỷ lại không muốn vậy.

“Thế hệ trẻ nghĩ rằng họ không có triển vọng tăng thu nhập trong tương lai. Họ đang sống dưới mức thu nhập hạn chế và vẫn muốn tận hưởng cuộc sống. Vì vậy, việc kết hôn và sinh con đang bị lùi lại phía sau”, ông Takahide Kiuchi của Viện nghiên cứu Nomura nói.

Từng chứng kiến nghịch cảnh ập đến với nền kinh tế, Gen Y của Nhật Bản luôn chi tiêu thận trọng. Họ thực tế hơn với mô hình chi tiêu an toàn và vững chắc hơn nhiều so với các thế hệ trước.

Nhóm này cũng không ủng hộ cuộc sống hối hả của công ty và không đặt nặng việc thăng tiến.

Jin chưa bao giờ được thăng chức dù làm việc chăm chỉ tại một công ty suốt 13 năm. Anh chịu sự an bài đó và tìm kiếm sự thỏa mãn ở nơi khác.

Jin mơ ước có được giấy phép giảng dạy ngôn ngữ và chuyển ra nước ngoài, có lẽ là Thái Lan, với tư cách gia sư tiếng Nhật.

“Tôi muốn làm điều gì đó mới mẻ. Tôi muốn thành lập công ty của riêng mình, nhưng không có ý tưởng nào hay cả”, anh nói.

Không có tài sản hay con cái, Isechi không nghĩ mình khá giả hơn thế hệ trước - những người từng phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính những năm 1990.

“Tôi nghĩ mình cũng đang trải qua những nỗi đau giống như cha mẹ. Nhưng tôi thích cuộc sống của mình”, anh nói.




Thiên Nhi (lifestyle.zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem