Ngày 20.2, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã cấp cứu và điều trị cho 16 trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn lợn (riêng 10 ngày tết là 9 trường hợp).
Trong dịp Tết Nguyên đán, tại huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đã có 2 người tử vong do nhiễm liên cầu lợn. Hai nạn nhân đều là chủ lò mổ, trực tiếp tham gia giết mổ lợn có nguồn gốc từ một chuồng. Đáng lưu ý, 1 nạn nhân tuy đã thấy lợn có hiện tượng ốm, lờ đờ, nhưng vẫn mổ, sau đó bị phát bệnh và tử vong.
Bác sĩ Hồng Hà cho hay, năm 2012, bệnh viện đã điều trị cho hơn 120 trường hợp bị nhiễm liên cầu khuẩn, trung bình mỗi tháng có khoảng 10 bệnh nhân. 70% số bệnh nhân đã ăn tiết canh lợn, 30% còn lại đều do ăn thịt lợn chế biến không kỹ, ăn nem chua hoặc trực tiếp giết mổ thịt lợn bệnh. Tuy đã được tuyên truyền nhiều nhưng dường như người dân vẫn “điếc không sợ súng”, vẫn tiếp tục ăn tiết canh, ăn thịt sống và tham gia giết mổ lợn ốm.
Theo bác sĩ Hà, các ca điều trị bệnh liên cầu khuẩn lợn đều rất tốn kém, bệnh nặng có thể mất hàng chục triệu đồng. Ngoài ra, bệnh còn để lại nhiều biến chứng như gây điếc, giảm trí nhớ, động kinh, co giật, bị cắt cụt chân tay do hoại tử…
Tuấn Kiệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.