Thêm vốn, thêm việc làm

Lan Dương Thứ tư, ngày 11/06/2014 13:35 PM (GMT+7)
Chương trình tín dụng ưu đãi cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH tỉnh Nam Định đang giúp hàng ngàn hộ ND có vốn phát triển nghề may mặc, nuôi trồng thủy sản...
Bình luận 0

Yên tâm kinh doanh

Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi thủy sản của gia đình ông Nguyễn Ngọc Khảm (xóm 1, Giao Long, huyện Giao Thủy) khi những lứa tôm thẻ chân trắng đang trong thời kỳ cho thu hoạch.

Ông Khảm cho biết: “Năm 2009, tôi được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 20 triệu đồng thuộc Chương trình giải quyết việc làm (GQVL) theo hình thức hộ gia đình. Tôi đầu tư nuôi cá vược. Làm ăn có hiệu quả, sau 2 năm tôi đã trả hết nợ cho ngân hàng”.

Cuối năm 2012, thấy nhiều mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong tỉnh có hiệu quả, ông Khảm có ý định chuyển sang nuôi tôm, nhưng vốn đầu tư nuôi tôm tương đối lớn. Chưa biết xoay xở thế nào, ông tiếp tục được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 100 triệu đồng Chương trình GQVL theo hình thức hộ kinh doanh.

“Gánh nặng về đồng vốn bấy lâu được ngân hàng san sẻ, tôi hoàn toàn yên tâm đầu tư vào giống tôm mới này. Tôm nuôi đúng kỹ thuật, được chăm sóc tốt, năm đầu tiên tôi thu lãi 600 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn tạo việc làm cho 6 lao động tại địa phương với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng. Dự kiến tháng 10 năm nay tôi sẽ trả hết nợ ngân hàng” - ông Khảm chia sẻ.

Cũng được ngân hàng cho vay vốn Chương trình GQVL hai lần, vợ chồng anh Nguyễn Văn Đông và chị Nguyễn Thị Thơm ở xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng đầu tư 80 triệu đồng phát triển nghề may mặc. Lần đầu (năm 2011) chị Thơm đầu tư mua dây chuyền, máy móc. “Khi công việc đã đi vào ổn định và trả hết nợ ngân hàng, tôi vẫn mong muốn được vay thêm vốn để mở rộng cơ sở sản xuất vốn chật hẹp của gia đình (hơn 100m2 lên 200m2) để hạn chế các sự cố trong quá trình sản xuất như cháy vải vóc...”- chị Thơm kể.

Nguyện vọng của gia đình chị được đáp ứng khi cuối năm 2013, chị Thơm tiếp tục được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 80 triệu đồng để sửa sang, nâng cấp nhà xưởng. Chị khoe: “Cứ cái đà này, việc hoàn trả nợ cho ngân hàng trước hạn là điều dễ dàng”.

Ngân hàng CSXH là cầu nối

Ông Phạm Văn Thiêm - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Nam Định cho biết: “Tính đến tháng 4.2013, dư nợ Chương trình cho vay GQVL của Ngân hàng CSXH tỉnh là 69,230 tỷ đồng, cho 136.000 khách hàng vay. Đối tượng được vay vốn Chương trình GQVL bao gồm hộ gia đình và các cơ sở kinh doanh. Riêng năm 2013, tín dụng ưu đãi đã góp phần giải quyết việc làm cho 40.583 lao động, giúp họ có thêm thu nhập, giảm bớt khó khăn, ổn định đời sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo” - ông Thiêm khẳng định.

"Tổng dư nợ chương trình GQVL của Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hưng tính đến tháng 4.2014 là 8,121 tỷ đồng, với 289 khách hàng dư nợ”.
Anh Đào Đức Cương - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hưng
Anh Lưu Văn Hưng- Giám đốc phòng giao dịch huyện Giao Thủy cho biết: “Qua 11 năm thực hiện ủy thác cho ND vay vốn tín dụng ưu đãi Chương trình GQVL, Ngân hàng CSXH huyện đã giúp người ND được tiếp cận với nguồn vốn lãi suất thấp”.

 

Đóng trên địa bàn có 22 xã và 2 thị trấn, bao gồm hơn 32km đường biển, ngay từ khi giải ngân cho ND vay vốn, Ngân hàng CSXH huyện Giao Thủy đã định hướng ND tập trung vào phát triển nuôi trồng thủy hải sản. “Từ vốn GQVL, nhiều gia đình có thu nhập từ 200 triệu đồng trở lên. Thông qua 2 hình thức cho vay GQVL của Ngân hàng CSXH tỉnh, tính đến cuối tháng 4.2014, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH huyện là 6,416 tỷ đồng với 317 khách hàng” - anh Hưng thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem