Sự khởi đầu nhiều hi vọng
Một ngày giữa tháng 3.2015, trên đường dẫn ra thăm lại một trong ba nơi đã trồng thí điểm loại cây này ở khu vực rừng tại xã Sơn Liên, ông Trần Quý - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây nhẩm tính: “Đến thời điểm này, cây mắc ca đã bén rễ ở đây đã được tròn nửa năm. Khoảng hơn 3 năm nữa lứa mắc ca này mới đến kỳ hái quả đầu tiên, cho nên còn quá sớm để nói đến chuyện thành, bại của mô hình này”.
Cán bộ trạm khuyến nông Sơn Tây chăm sóc cho mắc ca trồng tại xã Sơn Liên.
“Không riêng gì Quảng Ngãi, mắc ca là loại cây trồng mới đối với nhiều tỉnh thành khác trong cả nước. Vì vậy trong quá trình đề xuất và triển khai thực hiện, lãnh đạo chính quyền Sơn Tây đã vấp không ít sự trở ngại, can ngăn từ nhiều phía. Thế nhưng vượt lên tất cả, Sơn Tây vẫn quyết định triển khai” - ông Quý cho biết. Theo ông, cơ hội lớn bao giờ cũng ẩn chứa trong nó những trở ngại khó khăn cần vượt qua.
Theo đó mô hình thí điểm trồng cây mắc ca ở Sơn Tây thực hiện từ khoảng đầu tháng 9.2014, tại 3 địa điểm ở 3 xã là: Sơn Bua, Sơn Liên và Sơn Long, với diện tích là 2ha/điểm, tổng kinh phí lên đến 1,29 tỷ đồng.
Cơ hội làm giàu cho nông dân
Ông Lê Văn Tùng - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết: “Sau khi chỉ đạo và được bộ phận chuyên môn của huyện tiến hành khảo sát, đánh giá báo cáo kết quả cho thấy điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Sơn Tây hoàn toàn phù hợp với loại cây này. Rồi hàng chục lần đi kiểm tra, tìm hiểu thực tế, bàn bạc trong các cuộc họp với cấp ngành của huyện... Cuối cùng chúng tôi mới đi đến quyết định giúp nông dân trồng mắc ca”.
Ông Lê Văn Tùng - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi)
Sau hàng chục lần đi kiểm tra, tìm hiểu thực tế, bàn bạc trong các cuộc họp với cấp ngành của huyện... Cuối cùng chúng tôi mới đi đến quyết định giúp nông dân trồng mắc ca.
Số tiền đầu tư tính bằng tỷ đồng là rất lớn so với điều kiện thực tế ngân sách của Sơn Tây, vậy nhưng đây là hướng đi mới cần được đầu tư để phát triển. “Bao năm qua, người dân cũng chỉ quanh đi quẩn lại với các cây trồng truyền thống, quen thuộc chỉ có một ít là khá lên; đại đa số gia đình còn lại nơi đây cũng chỉ đủ ăn. Với giá trị lợi nhuận kinh tế mà cây mắc ca mang lại chỉ cần ở mức khoảng 100 triệu đồng/ha/năm, thì đã thành công rồi. Lúc đó không cần ai khuyến khích, hay hỗ trợ thì hàng loạt cây trồng kém, ít giá trị sẽ được người dân tự thay thế bằng mắc ca. Và Sơn Tây sẽ được biết đến là thủ phủ của mắc ca, với thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ” - ông Tùng bộc bạch.
Tại lần đi kiểm tra thực tế trồng cây mắc ca ở Sơn Tây vào tháng 1.2015, ông Lê Viết Chữ - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đánh giá cao sự năng động của Sơn Tây trong việc đưa các mô hình mới vào thực hiện. Đồng thời, ông Chữ chỉ đạo cho Sơn Tây cần phối hợp với các cấp ngành chuyên môn của tỉnh, tham khảo ý kiến của các nhà khoa học... để có sự hỗ trợ, đánh giá khoa học. Trên cơ sở đó có đề xuất để phát triển, nhân rộng kịp thời khi mô hình thành công.
Công Xuân (Trang Trại Việt)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.