Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ôi Thiên Trường - Nam Định! Nam Định - Thiên Trường là duyên người thiện sinh tình, là đất văn chương sinh chí, lưu thắng tích muôn đời. Con trai Nam Định ánh mắt lấp lánh lửa, con gái Nam Định khuôn mặt ngời ngời xinh, nhất tâm làm theo lời Bác, tiếp nối tiền nhân phò xã tắc, giữ non sông để khai nghiệp lớn.
Kỷ niệm 761 năm (1262-2023) Thiên Trường - Nam Định, chúng ta nhớ về Vương triều Trần, về người anh hùng cứu nước, văn chương cái thế, võ lực siêu quần - Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn với Hịch Tướng Sĩ - văn(**) sáng ngời hào khí Đông A, danh lưu thiên cổ, chữ để muôn đời.
Kỷ niệm 761 năm Thiên Trường Nam Định, đứng dưới tượng đài uy phong Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn bên hồ Vị Xuyên, tôi cứ muốn đọc to lên, đọc mãi lên Hịch tướng sĩ viết cách đây 739 năm (tháng 9-1284) cho thế giới cùng nghe, cho Biển Đông thời nay cảm hiểu: “Ngó thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, lại thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, giả hiệu Vân Nam Vương để vét bạc vàng của kho có hạn, thật khác nào đem thịt mà nuôi hổ đói, sao cho khỏi gây vạ về sau”.
Bộ mặt của kẻ xâm lược đã tự phơi bày ra đó? Thái độ thì nhâng nháo, miệng lưỡi chúng thì hỗn láo tanh hôi, hành động của chúng thì tham lam tàn bạo.
Với lòng tự tôn dân tộc, Trần Quốc Tuấn đã gọi chúng là cú diều, là dê chó, là hổ đói và tỏ thái độ thẳng băng: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức rằng chưa được xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng nguyện xin làm”.
Đọc đoạn văn ta như thấy đôi mắt Trần Quốc Tuấn có lửa, ngực có ngọc châu, đầu có gương báu nên xuống bút là sấm vang chớp giật, là bão nổi sóng cồn làm gương cho tướng lĩnh, khích lệ ba quân tay nắm chí quyết mà vùng lên giữ nước.
Nhìn thấy trước nguy cơ Tổ quốc bị giặc Nguyên Mông xâm lược lần thứ 2 nên Trần Quốc Tuấn viết Hịch. Thiên chức của Hịch là kêu gọi khi đất nước lâm nguy. Nếu như sông núi là sự huyền diệu của đất trời dành cho mỗi quốc gia thì con người là khí thiêng của quốc gia đó mà tạo hóa đã ban cho. Kẻ thù mưu toan xâm lấn núi sông, biển trời của ta thì ta phải đánh đó là lẽ đương nhiên.
Là vị chủ soái thống lĩnh toàn quân vừa có tài cao, vừa có đức lớn nên Trần Quốc Tuấn rất mẫn cảm về hoàn cảnh của quốc gia, về mưu đồ của quân xâm lược? Thông qua lời Hịch, Trần Quốc Tuấn đã bày tỏ tâm nguyện chủ quan của mình trước đất trời sông núi, trước vua cha thà chết vinh chứ không thèm sống nhục để làm gương cho tướng lĩnh rèn luyện ba quân.
Bằng phong cách chính luận uyên thâm và sắc sảo, Trần Quốc Tuấn đã dựng lên hai bức tranh hiện thực đối lập nhau như một cặp mâu thuẫn sáng - tối, mất - còn, thắng - thua, vinh - nhục. Bức tranh trong hiện tại đất nước đang mất dần chủ quyền, triều đình bị sỉ mắng, tể phụ bị bắt nạt.
Vậy mà tướng lĩnh không biết lo, biết thẹn, không biết nhục, biết căm, đã thế lại còn vui chơi hưởng lạc, lo làm giàu, ham săn bắn, thích rượu ngon, mê tiếng hát dẫn đến nguy cơ là thái ấp không còn, bổng lộc cũng mất, gia quyến bị tan, vợ con khốn đốn.
Còn đây là bức tranh hiện thực trong tương lai. “Nay ta chọn binh pháp các nhà hợp làm một quyển gọi là Binh thư yếu lược, nếu các người biết chuyển tập sách này theo lời dạy bảo thì mới phải đạo thân chủ.
Huấn luyện quân sĩ, tập luyện cung tên khiến cho người người đều là Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ để có thể bêu đầu Hốt Tất Liệt ở cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhai... chẳng những thái ấp của ta mãi mãi vững bền mà bổng lộc các người cùng đời đời hưởng thụ... sử sách lưu thơm”.
Cao minh lắm mới viết được những câu văn mạnh như sấm sét. Sức thuyết phục lớn lao của bài Hịch là tính hùng biện. Giữa hai con đường, hai cuộc sống phải chọn lấy một. Cách lập luận lúc song hành, lúc tương phản trên hai tọa độ không gian và thời gian nhưng ở tọa độ nào cũng thấu tình đạt lý nên sức cảm hóa vừa nhanh lại vừa bền.
Ngọn nguồn của những so sánh giữa mất còn, thua thắng, nhục vinh là những cặp mâu thuẫn nằm trong vòng kiểm soát của ý thức trước hoàn cảnh lịch sử. Bỏ đi cái thú ham chơi, hoãn lại cái lo làm giàu nhưng lại được thụ hưởng bổng lộc đời đời, được sử sách lưu thơm.
Đúng như Bác Hồ đã dạy: Không có gì quý hơn độc lập tự do! Mất độc lập tự do là mất tất cả. Có độc lập tự do là có tất cả. Những gì hôm nay chưa có thì ngày mai sẽ có. Những gì đời ta chưa có thì đời con cháu ta sẽ có. Vì độc lập tự do của quốc gia đang bị đe dọa nên “triều đình” mới bị chúng “sỉ mắng”, “tể phụ” mới bị chúng “bắt nạt”.
Trần Quốc Tuấn tháng ngày suy nghĩ luyện tâm can, rèn binh pháp, viết Hịch văn. Những câu văn như gió tuyết, luyện tinh thần cho tướng lĩnh đẩy lùi bến mê cờ bạc, rượu chè, khai thông bến tỉnh, học tập binh thư. Thần khí của Hịch cảm hóa người nghe, thôi miên người đọc khắc sâu trong dạ, từ bỏ ham chơi, xả thân cứu nước.
Trần Quốc Tuấn đã sử dụng linh hoạt những câu văn biền ngẫu để lập luận khúc chiết. Trần Quốc Tuấn lấy bản thân mình để răn dạy tướng lĩnh, lấy hành động của mình để làm gương cho tướng dưới quyền, chứ không phải chỉ là thuyết giáo và pháp giáo, vì thế lời Hịch được cảm hóa bằng chân tâm, tự nguyện.
Trần Quốc Tuấn bày trận thì giỏi quyền biến, làm Hịch thì giỏi điều động ba quân, khai thông tướng lĩnh. Tình nào thì giọng ấy, vừa hô ứng, vừa cân xứng.
Giọng văn có lúc dập dồn như sóng, vỗ mãi ở bên lòng. Ôi xúc động thay! Lời Hịch mắng mỏ tướng lĩnh dưới quyền: “Nay các người nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn, làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức nghe nhạc thái thường để đãi yến ngụy sứ mà không biết căm”. Giận mà không ghét, mắng nhiếc mà vẫn thương.
Lời mắng mỏ đó cao đẹp biết bao, vì nó không riêng tư mà thấm tình nghĩa lớn của cả một quốc gia. Ý văn cuồn cuộn như suối chảy trong rừng. Thần văn tráng trí như thông gieo gió ngàn, như Biển Đông cuộn sóng.
Cái bại của kẻ xâm lược đã nằm trong tầm nhìn chiến lược của Hịch văn? Câu chữ của bài Hịch không giáo huấn ở bên ngoài mà đi vào thần thái ở bên trong, cũng không thuyết giáo cao đàm, mà ngòi bút của tác giả cứ rung lên nỗi nhục mất nước để khích lệ lòng tự tôn dân tộc.
Trong lịch sử Hán văn hàng nghìn năm nay của cả phương Bắc và Việt Nam ta chưa có một tác phẩm “văn dĩ tải đạo” nào hay - đẹp - như Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn đã đánh bại cuộc xâm lược lần thứ hai và lần thứ ba của giặc Nguyên Mông.
Hịch tướng sĩ - Bản trường thiên đại luận - một luận văn hay bậc nhất cho những ai được đứng trong hàng binh nghiệp? Kỷ niệm 761 năm Thiên Trường - Nam Định, chúng ta hãy đọc to lên Hịch tướng sĩ để ngắm vẻ đẹp của lịch sử và chiêm ngưỡng hào khí Đông A, sáng đức tiền nhân, sáng tâm hậu thế.
---------------------------
(*) Thánh Cha Hưng Đạo Đại Vương theo dân gian “Tháng 8 giỗ cha, tháng 3 giỗ mẹ” (Thánh Mẫu Liễu Hạnh).
(**) Tên bài Hịch tướng sĩ nhưng trong bài chỉ là Hịch tướng dưới quyền chứ không có sĩ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.