“Thiếu bữa sum họp, tết sẽ ngày càng nhạt”

Thứ ba, ngày 12/02/2013 08:46 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cuộc sống nhanh đang xóa nhòa dư vị tết trong lòng mỗi người. Chỉ còn sự màu mè, ồn ào và phiên phiến. Đối với Nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết (Hà Nội), muốn cảm nhận được sự ấm áp, thiêng liêng của ngày tết, người ta cần phải mong chờ, đón đợi và dày công chuẩn bị.
Bình luận 0

Tết trong sự chuẩn bị

Ngày tết xưa chỉ “nhõn” có 3 ngày, từ 30 đến hết mùng 2, sang đến mùng 3 là mọi người đã tất tưởi đi làm. Nhưng ai cũng chăm chú chờ đợi đến ngày tết. Không khí tết không chỉ ở 3 ngày mà nằm trong cả quá trình chuẩn bị đón tết từ trước đó cả tháng trời. Nhà cưả, đồ đạc chỗ nào sứt sẹo, xấu xí thì đều phải mang ra sửa sang lại cho đẹp đẽ, ngay ngắn...

img
Nghệ nhân Ánh Tuyết trong giờ dạy nấu ăn.

Đến khi mua thực phẩm chuẩn bị cho ngày tết cũng chỉn chu, cẩn thận. Nhà nào cũng kén cành đào tán tròn đầy, nhiều nụ, nhiều lộc, lá dong chọn gói bánh chưng cũng từng lá thật xanh, thật rộng. Gạo nếp, đỗ, thịt, dưa hành đều lựa chọn và chuẩn bị. Gà lễ cũng phải tự tay chọn những con gà ri, mào cờ, chân vàng, lông đuôi màu lửa. Xôi gấc cũng chọn gấc nếp để khi nấu xôi có màu đỏ đều, đẹp. Nguyên nồi măng ăn tết cũng phải ngâm trước nửa tháng, đun hàng chục lần cho măng nở đều, mềm oặt mới thôi…

Khi tết đến, những bà mẹ còn nắn nót từng chi tiết như cái chân gà để xem may mắn cho gia đình, nấu nồi lá thơm để mọi người tắm cho sạch hết bụi bặm, đen đủi của năm cũ, kiêng quét nhà mùng 1, kiêng nổi nóng...

Bữa cơm chiều 30 tết cũng đề cao ý nghĩa sum họp, nên các thành viên trong gia đình, dù đi xa đến đâu, dù đã sống riêng đều quây quần về bên gia đình lớn – nơi có bàn thờ tổ tiên để cùng ôn lại vui buồn năm cũ và chúc nhau một năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc.

Còn mâm cỗ sáng mùng 1 mới thật sự đầy đủ, sum xuê vì năm mới cần diện mạo mới, tượng trưng cho sự thịnh vượng, sung túc, tròn đầy nên mọi người thường chuẩn bị tỉ mỉ 4 bát, 6 đĩa như: Canh bóng, canh măng, thịt đông, giò nạc hoặc giò lưỡi tai, chả, gà luộc, bánh trưng, dưa hành, cá trắm đen kho giềng, canh miến, giò mỡ, thịt kho tàu…

Cỗ nấu ngon đã đành, việc bài trí cũng hết sức cẩn trọng, để ý đến sự cân đối màu sắc của từng món và giữa các món. Canh bóng thì có màu xanh của rau, màu trắng của bóng, điểm xuyết mọc nhĩ và mấy bông hoa tỉa cà rốt. Chả quế cắt hình thoi, bày chéo, giò cũng bày đối xứng tạo thành một cánh hoa cân đối, món nộm cũng đủ màu và đủ vị… Nếu chỉ ngon mà bày biện thiếu thẩm mỹ thì cũng mất điểm.

Buồn vì “tất yếu”

Ngày nay, nhiều người chỉ đợi chiều 30 tết, đi một vòng quanh chợ là mua đầy đủ hết các món ăn đã được làm sẵn. Rất ít người cất công để chuẩn bị tỉ mỉ cho ngày tết. Cũng khó trách khi ai cũng tất tả, bươn chải vì công việc đến tận ngày giáp tết. Vì thế, cái tết cứ trôi qua đầy màu sắc nhưng ào ào, nhạt nhạt.

Nhưng như thế, cái hồn của ngày tết đã mất đi nhiều. Sự thiêng liêng của năm mới cũng phai nhạt. Nhiều người không thích rồng rắn qua nhà họ hàng, bạn bè chúc tết mà đi du lịch bên Tây, bên Tàu với những lý do xác đáng: “ở nhà tiêu tết, biếu tết cũng mất bằng đấy tiền mà còn bận rộn, vất vả”. Như thế, tình nghĩa gia đình, chòm xóm cũng ngày càng nhạt. Lại khi người ta không còn tâm niệm ý nghĩ “cuối năm phải báo cáo với Tổ tiên” thì có thể, trong cuộc sống hàng ngày, họ cũng không lo giữ lễ tiết, sống bản năng hơn.

Sự mất đi của không khí tết trong mỗi gia đình nó có ý nghĩa sâu xa như vậy, chứ không chỉ là chuyện gói bánh chưng, lo gà tết nữa.

Việc chuẩn bị cỗ tết cũng không chỉ là bày biện “thỉnh các cụ xơi” mà là dịp để mẹ trổ tài nấu nướng và dạy con cái trong nhà.

Các cụ ngày xưa không đơn giản dạy nấu ăn, dạy may vá, thêu thùa đến cách nói, cách ăn, cách đi đứng để cho “đẹp” hay “hữu dụng” mà nết ăn, nết mặc cũng sẽ tạo ra tính cách con người. Một người kỹ tính trong nấu ăn, biết bày biện cho đẹp chính là biết cách trân trọng người thân yêu của mình. Khi đi đứng nhẹ nhàng, ăn uống thanh lịch thì tính cách cũng như vậy. Nấu ăn phiên phiến, tra mắm muối tùy tiện, ăn uống ào ào thì cuộc sống cũng vô duyên, phiên phiến như vậy mà thôi. “Nết ăn – nết người” là vậy!

Rất vui là lớp học nấu ăn của tôi hiện vẫn có nhiều học sinh khá trẻ. Họ ý thức được rằng, ăn uống cũng là cách giữ gìn hạnh phúc và niềm vui trong cuộc sống. Trước hết là cho chính mình rồi mới cho gia đình. Có cô gái trước khi đi du học đã dồn hết tâm ý để học một khóa nấu ăn. Hiện tại, cháu liên tục gửi thư cho tôi để khoe rằng trường học bên Anh thường có buổi ngoại khóa mà các học sinh du học thay nhau trổ tài nấu nướng. Nhờ khóa học mà cháu đã nấu được nhiều món ăn đặc trưng của Việt Nam như bún chả, phở, nem… khiến bạn bè năm châu đều thích. Cháu cảm thấy rất tự hào vì là người Việt Nam. Đồng thời, chính tài nấu ăn mà một cô bé nhút nhát có thể hoạt bát và dễ giao lưu với các bạn hơn.

Những kỷ niệm vui như vậy khiến tôi tin rằng, văn hóa ẩm thực nói chung hay bữa cỗ tết nói riêng, vẫn luôn có chỗ đứng trong lòng mỗi người.

(ghi theo lời kể của Nghệ nhân Ánh Tuyết) 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem