Thiếu “phao cứu sinh” cho lao động trong dịch bệnh

Nguyệt Tạ Thứ hai, ngày 31/05/2021 06:00 AM (GMT+7)
Từ đầu năm tới nay, đã có hơn 9,1 triệu lao động trong cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đời sống lao động gặp nhiều khó khăn. Trước hoàn cảnh đó, Bộ LĐTBXH tiếp tục đề xuất những chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp (DN) chịu ảnh hưởng.
Bình luận 0

Lương thấp, nhiều lao động nghỉ việc

Anh Trần Duy Đức - lái xe taxi cho Hãng G7 (Cổ Nhuế, Hà Nội) cho biết, do tác động của dịch Covid-19, công việc của anh gặp nhiều khó khăn. Có những thời điểm thu nhập của anh giảm còn 1/3.

Anh Đức tâm sự: "Trước đây, mỗi tháng, tôi kiếm được 15 - 16 triệu đồng nhưng từ đầu năm tới nay thu nhập giảm 80%. Tháng 4 vừa rồi chỉ được 3 triệu đồng. Tiền lương không đủ tiền sinh hoạt nên đành phải nghỉ việc".

Hiện tại, anh Đức vẫn chưa xin được công việc mới. Vợ anh lao động tự do làm việc cho quán cà phê nay cũng tạm ngừng việc và chuyển sang buôn bán rau ngoài chợ, nhưng lúc bán được, lúc không.

Thiếu “phao cứu sinh” cho lao động trong dịch bệnh - Ảnh 1.

Lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Nguyệt Tạ

Theo Bộ LĐTBXH, chỉ riêng trong quý I/2021, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên, trong đó có 540.000 người bị mất việc và hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc, giảm thu nhập.

Cùng chung hoàn cảnh, anh Nguyễn Văn Thông (39 tuổi, Linh Đàm, Hà Nội) cũng đang đối mặt với muôn vàn khó khăn. Anh Thông tâm sự: "Mảng mình làm là quản trị dự án... Thời gian vừa rồi, công việc khó khăn, thu nhập giảm sâu, chỉ còn không đầy 5 triệu đồng/tháng, vì thế mình quyết định nghỉ việc. Nhưng nghỉ việc được 2-3 tháng rồi vẫn chưa tìm được việc mới nên mình đi làm thủ tục hưởng BHTN"- anh Thông chia sẻ.

Ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2021 tới nay, trung tâm tiếp nhận khoảng 24.000 người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. So với cùng kỳ đầu năm 2020, số người đăng ký hưởng BHTN giảm 100%, so với 5 tháng cuối năm 2020 thì giảm 32%.

"Nguyên nhân do ảnh hưởng dịch bệnh, nên người sử dụng lao động cũng có những chính sách, ứng xử phù hợp tránh việc doanh nghiệp xáo trộn.

Bên cạnh đó, lao động cũng không còn tâm lý nhảy việc nhiều do lo ngại sẽ khó có khả năng tìm kiếm việc làm mới nếu nghỉ việc. Cá biệt có một số lao động thu nhập giảm sâu, không đủ lo cho cuộc sống thì buộc phải nghỉ việc" - ông Thảo nhận định.

Tiếp tục đề xuất hỗ trợ

Thiếu “phao cứu sinh” cho lao động trong dịch bệnh - Ảnh 3.

Theo Bộ LĐTBXH, chỉ riêng trong quý I/2021, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên, trong đó có 540.000 người bị mất việc và hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc, giảm thu nhập.

Xuất phát từ tình hình đó, Bộ LĐTBXH đang xin ý kiến các bộ, ngành để trình Chính phủ dự thảo về việc hỗ trợ đối với người lao động bị mất việc làm và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, Bộ LĐTBXH đề xuất dùng một phần ngân sách hỗ trợ trả lương ngừng việc, đóng BHXH cho người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp. Ví dụ như cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập ở tất cả các cấp... bị tạm dừng hoạt động hoặc giảm hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đề xuất ngân sách nhà nước hỗ trợ cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19. Đề nghị hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn.

Ví dụ như: Người lao động đang phải thuê nhà, người lao động đang thuê nhà có nuôi con dưới 6 tuổi bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, nghỉ việc không hưởng lương tại các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục dân lập tự đảm bảo chi thường xuyên ngừng hoạt động do yêu cầu của chính quyền để phòng dịch Covid-19.

Thực hiện chính sách cho vay không có tài sản bảo đảm với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động; hỗ trợ dòng tiền cho các doanh nghiệp, vừa để đảm bảo việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH cũng đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ một phần kinh phí và vận động nguồn đóng góp của các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương để triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp nhằm bảo đảm an toàn cho nguồn nhân lực sản xuất. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem