Thỏa thuận Iran: Từ “Nước Mỹ trên hết” đến “Nước Mỹ cô độc”

Tiểu Đào Thứ ba, ngày 15/05/2018 14:31 PM (GMT+7)
Từ khi quyết định đơn phương rút khỏi "Kế hoạch Hành động Toàn diện chung" (JCPOA) trong - hay còn được biết đến với cái tên Thỏa thuận hạt nhân Iran P5+1, nước Mỹ đã tự cô lập mình với các đồng minh châu Âu.
Bình luận 0

“Nước Mỹ cô độc”

img

Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: AP.

Vào ngày 8.5.2018 (theo giờ Mỹ), lờ đi lời can gián, khuyên ngăn của các nước, trong đó cả đồng minh thân cận là Anh, Pháp và Đức, Tổng thống Donald Trump vẫn quyết định rút nước này ra khỏi JCPOA.

“Lịch sử sẽ nhớ đây là ngày mà Mỹ bỏ rơi niềm tin của mình vào đồng minh… Lần đầu tiên trong hàng thập kỷ, nước Mỹ hành động mà không có đồng minh châu Âu hỗ trợ”, cây bút Edward Luce của tờ Financial Times nổi tiếng nhận xét.

Trong quá khứ, dù có nhiều lục đục, mâu thuẫn, nước Mỹ và châu Âu vẫn duy trì được mối quan hệ đồng minh chiến lược, vẫn đứng về một phía. Thế nhưng, quyết định về thỏa thuận Iran đã thay đổi tất cả. Dường như, “nỗi ám ảnh” – cách mà tờ Le Monde (Pháp) miêu tả về hành động của Tổng thống Trump – phải hủy bỏ toàn bộ thành quả người tiền nhiệm Barack Obama đã khiến vị Tổng thống thứ 45 bỏ ngoài tai lời cầu khẩn của các đồng minh, tự mình đánh ván cờ Iran vốn chứa đầy rủi ro.

Kiểu tiếp cận vấn đề quốc tế mà không tham vấn đồng minh này của Washington đã trở thành một giọt nước tràn li, nhất là sau khi Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố nước này sẵn sàng trừng phạt cả những công ty châu Âu dám làm ăn với những cá nhân, thực thể bị trừng phạt của Iran.

Chỉ trong chưa đến 2 năm, nước Mỹ đã đánh mất niềm tin và sự yêu mến của đồng minh châu Âu, khiến cho cái khối “phương Tây” giờ khó có thể đoàn kết làm một như trước. Chỉ trong chưa đến 2 năm, “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump dường như đã trở thành “Nước Mỹ cô độc”.

Niềm an ủi Triều Tiên

img

Tổng thống Donald Trump sẽ gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào 12.6 tại Singapore. Ảnh: AP.

Dù không có đồng minh, thế nhưng có lẽ Tổng thống Donald Trump vẫn có thể tự hào về tiến trình tiếp cận với Triều Tiên của mình. Trái ngược với nỗi lo ngại rằng quyết định liên quan tới thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ ảnh hưởng tới cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Singapore vào 12.6 tới, theo bà Katharine H.S. Moon – giáo sư môn Khoa học Chính trị tại trường Đại học Wellesley (Mỹ), JCPOA sẽ không là vật cản trong cuộc nói chuyện giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Lý do là Iran và Triều Tiên có đặc điểm địa chính trị khác biệt, dẫn tới cách tiếp cận, đàm phán và có thể là kết quả sẽ khác nhau.

Cụ thể, Iran nằm tại khu vực Trung Đông vốn đầy bất ổn và đầy thế lực đối địch. Ngoài ra, nội bộ nước này cũng bị chia rẽ, nhất là về vấn đề thỏa thuận hạt nhân Iran. Sẽ có rất nhiều thực thể, quốc gia - cả trong nước lẫn ngoài nước - muốn nhìn thấy Tổng thống Hassan Rouhani thất bại với JCPOA, với quan hệ với phương Tây và thậm chí là muốn Iran bị “vùi dập”.

Trong khi đó, nội bộ của Triều Tiên rất thống nhất, ổn định và đều hướng tới một mục tiêu chung mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đồng ý với cả Mỹ và Hàn Quốc là “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, việc Bình Nhưỡng đối thoại với Washington còn nhận được sự ủng hộ đầy tích cực của không chỉ khu vực Đông Á mà còn cả thế giới. Trong đó, đặc biệt nhất là “cựu thù” một thời “không đội trời chung” Hàn Quốc mà đứng đầu là Tổng thống Moon Jae-in đã rất năng nổ kéo Triều Tiên và Mỹ lại gần nhau hơn, trái ngược hoàn toàn Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu – người chỉ muốn Iran bị hạ bệ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem