|
Trạm nuôi trâu, bò cách ly ở Cha Lo chỉ còn có vài con… làm phép. |
Trâu, bò "lọt lưới" như thế nào?
Nếu theo đúng quy trình kiểm dịch, trâu, bò từ Thái Lan muốn vào Việt Nam phải qua khâu kiểm tra xuất xứ, mở tờ khai hải quan, kiểm tra lâm sàng, lấy mẫu máu… cho đến tiêm phòng, xét nghiệm dịch bệnh và cuối cùng là giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển gia súc ra ngoài tỉnh. Tính ra, cả thảy có đến 7 khâu, được thực hiện bởi 3 cơ quan chuyên môn: Chi cục Hải quan cửa khẩu Cha Lo, Cơ quan Thú y vùng III, thuộc Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) và Chi cục Thú y tỉnh Quảng Bình.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trâu, bò sau khi đưa về khu cách ly sẽ được các kiểm dịch viên của Cơ quan Thú y vùng III tiến hành tiêm phòng đồng thời các loại vaccin phòng bệnh như lở mồm long móng, tụ huyết trùng… Sau đó phải đợi ít nhất 15 ngày nếu trâu, bò không phát bệnh, Cơ quan Thú y vùng III sẽ gửi thông báo kết quả (kèm phụ lục) đến Chi cục Thú y tỉnh Quảng Bình.
Căn cứ thông báo đó, Chi cục Thú y Quảng Bình sẽ cấp "Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra ngoài tỉnh", khi đó trâu, bò mới được lưu thông trên thị trường và chỉ được đến địa chỉ cuối cùng ghi trên giấy này.
Tuy nhiên, theo điều tra của chúng tôi, việc ban hành văn bản thông báo của Cơ quan Thú y vùng III và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch của Chi cục Thú y Quảng Bình được làm khá "đại trà". Liên tiếp trong các ngày từ 5 đến 7-8, Chi cục này đã cấp tới 26 giấy kiểm dịch, trung bình mỗi giấy cấp cho từ 20-30 con, tức trong khoảng 3 ngày đó có tới 600-700 con trâu, bò được đưa vào Việt Nam.
Ngày 7-8 kiểm dịch viên của Chi cục cấp giấy chứng nhận số 698 cho một lô hàng gồm 33 con bò thịt với điểm đến Sơn La mà không có thông báo của Cơ quan Thú y vùng III, trên giấy cũng không đề ngày tiêm phòng, mà chỉ ghi sẵn là năm 2010...
Cơ quan của Bộ cũng làm sai
Theo thống kê của Chi cục Thú y Quảng Bình, trong hơn 7 tháng đầu năm nay đã có hơn 10.0000 con trâu, bò được nhập về và sẽ còn tiếp tục tăng trong những tháng tới. Hầu hết trâu, bò được nhập khẩu từ Thái Lan về để giết thịt.
Không chỉ Chi cục Thú y tỉnh Quảng Bình làm sai, mà ngay cả Cơ quan Thú y vùng III cũng tiếp tay cho việc làm sai đó. Hầu hết các thông báo của cơ quan này đã được soạn theo mẫu sẵn, đơn cử là 27 thông báo của Cơ quan Thú y vùng III mà phóng viên thu thập được đều do ông Dương Văn Tri- Phó Giám đốc Cơ quan ký cùng có phần kết luận y chang nhau: "Trong thời gian cách ly kiểm dịch, đàn trâu bò đều khoẻ mạnh, bình thường, được tiêm phòng các bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng…".
Thậm chí, có bản thông báo còn được cấp và gửi đến Chi cục Thú y Quảng Bình trước khi trâu, bò được… nhập khẩu về. Cụ thể, trong 2 thông báo 653 và 654 ngày 9-8 do ông Tri ký cho 2 lô trâu, bò thịt cùng được đưa vào lưu hành ngày 10-8. Trong đó, theo thông báo 653 cấp cho một lô trâu, bò thịt với 247 con của một doanh nghiệp nhập khẩu về ngày 21-7; thông báo 654 cấp cho một lô hàng 302 con nhập khẩu về ngày 20-7. Tổng cộng, riêng 2 lô này là 549 con.
Tuy nhiên, như đã đề cập ở bài trước, thời điểm chúng tôi có mặt ở trạm cách ly này, chỉ có chừng 24-25 con bò, không có trâu đang được nhốt ở đây. Điều đó, có nghĩa là có tới trên 520 con bò đã được thông báo kiểm dịch ngay cả khi chưa "có mặt" ở Việt Nam.
Làm việc với chúng tôi, ông Dương Văn Tri nói: "Trạm cách ly này chỉ nuôi nhốt tối đa được 450 con". Song chính ông Tri lại ký thông báo kết quả kiểm tra của 549 con, như vậy 100 con thừa ra được nuôi ở đâu (?!). Lý giải vấn đề này, ông Tri nói: "Tôi ký thông báo dựa trên kết quả do các kiểm dịch viên ở cửa khẩu gửi về.
Hơn nữa, chúng tôi chỉ có 3 kiểm dịch viên ở trên đó, trong đó có 1 người thường xuyên phải trực ở cửa khẩu, nên không thể giữ được bò, có thể doanh nghiệp đã vận chuyển đi trước đó hoặc trong đêm". Trong khi đó, ông Đinh Thế Hùng- kiểm dịch viên tại cửa khẩu Cha Lo cho rằng: "Do chúng tôi ít người, nên 3-5 ngày mới có thể xuống kiểm tra một lần tại các trạm cách ly được".
"Chúng tôi chỉ biết cấp"
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hồng Sơn- Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Bình cho biết: "Năm 2009, tình hình nhập lậu trâu, bò diễn ra khá phức tạp, không kiểm soát được. Vì vậy, từ cuối năm ngoái, tỉnh Quảng Bình và cơ quan thú y đã có yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu bắt buộc phải xây dựng các trạm cách ly để gom bò vào đây, từ đó đã hạn chế được hẳn nguồn trâu, bò nhập lậu, từng bước đưa vào quản lý theo đường chính ngạch".
Tuy nhiên, theo ông Sơn: "Toàn bộ các khu cách ly là do Cơ quan Thú y vùng III cấp phép, quản lý, việc tiêm phòng, theo dõi dịch bệnh trong đó như thế nào là do cơ quan này chịu trách nhiệm hoàn toàn. Chúng tôi chỉ cấp giấy kiểm dịch khi có đủ hồ sơ của Cơ quan Thú y vùng III. Cũng không loại trừ, trước khi cấp giấy, doanh nghiệp đã tự ý cho trâu, bò đi hoặc trốn".
Hiện tại, toàn bộ việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch đã được Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Bình uỷ quyền cho 2 kiểm dịch viên ký giấy chứng nhận. Ông Nguyễn Minh Toàn - kiểm dịch viên cho biết: "Chúng tôi cấp giấy cũng chỉ căn cứ vào thông báo tình hình dịch bệnh của bên Cơ quan Thú y vùng III, còn việc kiểm tra thẻ tai, chúng tôi không đủ thẩm quyền, mà chỉ căn cứ vào số lượng từng lô hàng để kiểm đếm. Hơn nữa, việc kiểm dịch của Chi cục Thú y Quảng Bình, chỉ có 2 người, nhưng thực tế số lượng trâu, bò nhập khẩu về ngày một lớn, nên chúng tôi kiểm soát không xuể”.
Thực tế các trạm cách ly hiện nay được xây dựng hơi xa, điều này khiến cho cả doanh nghiệp và cơ quan kiểm dịch đều gặp khó khăn trong việc nuôi dưỡng bò, bởi chi phí thức ăn và vận chuyển lên Cha Lo rất tốn kém. Các cơ quan kiểm dịch cũng gặp khó khăn, do mỗi lần cấp giấy, cán bộ kiểm dịch lại phải trực tiếp lên đó để kiểm tra, nên cũng đã phần nào tạo ra các kẽ hở. Chúng tôi đang đề nghị với Bộ NN&PTNT xây dựng trạm cách ly tập trung ở khu vực Khe Ve, huyện Minh Hoá để quản lý tốt hơn nguồn trâu, bò nhập khẩu.
Ông Phạm Hồng Sơn- Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Bình
Lê Hân- Sỹ Lực
Vui lòng nhập nội dung bình luận.