Tại cuộc họp do Thủ tướng chủ trì, Bộ Y tế đã Báo cáo về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola đang diễn biến nghiêm trọng tại một số quốc gia Tây Phi; các đánh giá, nhận định, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như các biện pháp ứng phó của các quốc gia trên thế giới; nhận định tình hình dịch bệnh và khả năng lây lan vào Việt Nam và các hoạt động của Việt Nam đã và tiếp tục triển khai để phòng chống dịch bệnh.
Theo nhận định của Bộ Y tế, mặc dù đến nay chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virus Ebola tại Việt Nam, nhưng nguy cơ dịch bệnh lây lan vào Việt Nam là hoàn toàn có thể. Do đó, để chủ động phòng chống dịch, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đưa ra các phương án với 8 nhóm giải pháp quan trọng, trong đó đã có các chỉ đạo cần thiết về cơ chế điều hành, chuyên môn, kỹ thuật, truyền thông, hậu cần triển khai trên toàn quốc. Hiện việc kiểm soát y tế đã được triển khai ở tất cả 5 cửa khẩu hàng không quốc tế và sẽ tiếp tục triển khai tại các cửa khẩu đường bộ và đường biển.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng các phương án và kế hoạch phòng chống dịch bệnh ngay từ khi có thông tin và khuyến cáo của WHO.
Với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn, sức khỏe của nhân dân, chủ động phòng chống dịch bệnh, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương, bằng mọi biện pháp cần thiết nhằm đạt yêu cầu cao nhất là ngăn chặn bệnh dịch lây lan vào Việt Nam; đồng thời chủ động các phương án, kế hoạch phòng chống, dập dịch trong trường hợp dịch bệnh được phát hiện và có nguy cơ lây lan trong nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với WHO để nắm chắc diễn biến dịch bệnh; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai các kế hoạch, biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào Việt Nam.
Các Bộ Y tế, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Công an phối hợp thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả tại các cửa khẩu hàng không, đường bộ và đường biển quốc tế; đồng thời Bộ Ngoại giao có khuyến cáo phù hợp về hạn chế công dân Việt Nam đi làm việc, du lịch tại các nước có dịch hoặc nguy cơ cao về dịch bệnh.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm xây dựng phương án, kế hoạch, hướng dẫn về mặt chuyên môn, hậu cầu nhằm chủ động dập dịch trong trường hợp bệnh dịch được phát hiện và lây lan trong nội địa.
Về công tác truyền thông, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương chủ động thông tin đầy đủ, kịp thời cho nhân dân về tình hình, diễn biến dịch bệnh, các biện pháp ứng phó, cách thức phòng tránh để người dân nắm bắt, chủ động tự phòng tránh, tự bảo vệ; đồng thời không tạo tâm lý chủ quan trước dịch bệnh cũng như không gây hoang mang, lo lắng không cần thiết.
Theo Bộ Y tế, bệnh do virus Ebola là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thuộc nhóm A, có lan năng lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong cao (lên đến 90%).
Virus gây bệnh năm 2014 là chủng Zaire ebolavirus, là loài gây bệnh nguy hiểm nhất trong 5 chủng virus Ebola.
Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường, dụng cụ bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh.
Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và phương pháp điều trị đặc hiệu, tuy nhiên bệnh dịch có thể được khống chế nếu phát hiện sớm, cách ly bệnh nhân, theo dõi và giám sát người tiếp xúc gần với người mắc bệnh và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.
Trước tình hình dịch bệnh ở các nước Tây Phi, Tổng Giám đốc WHO đã gọi đây là vụ dịch lớn nhất của căn bệnh này trong lịch sử gần 4 thập kỷ qua. WHO cũng đã tuyên bố về tình trạng khẩn cấp, cần được cộng đồng quốc tế quan tâm và ưu tiên triển khai khẩn cấp ở cả cấp quốc gia và quốc tế.
Theo khuyến cáo của WHO, đối với các quốc gia chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh, cần có kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện và khả năng để phát hiện sớm, điều tra và quản lý những người nhiễm virus Ebola cũng như chuẩn bị các điều kiện để sơ tán và rút công dân đã bị phơi nhiễm với virus Ebola từ các quốc gia có dịch bệnh về nước.
Cũng theo WHO, đối với các trường hợp đã xác định lây nhiễm virus Ebola cần được cách ly và điều trị kịp thời tại cơ sở y tế và không cho phép đi lại trong nước cũng như quốc tế đến khi xác định âm tính với virus Ebola sau 2 lần xét nghiệm.
Đối với trường hợp tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh cũng cần được giám sát hàng ngày và hạn chế đi lại trong nước và quốc tế trong vòng 21 ngày.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.