Thú vị chuyện thú phạt trong tục cưới

Hai Miệt Vườn Thứ ba, ngày 07/04/2015 12:00 PM (GMT+7)
Xưa kia phong kiến, chuyện mai mốt ở nhiều vùng quê thường trọng câu “môn đăng hộ đối” hơn là tình cảm yêu thương của đôi trai – gái.
Bình luận 0
Có lẽ miền Tây Nam bộ là nơi phổ biến hơn với quan niệm "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó" trong chuyện hôn nhân. Trai gái lớn lên, nhất nhất phải nghe lời cha mẹ đi lấy vợ lấy chồng nơi gia đình đã định, dù rằng có khi cái mối duyên ấy chỉ là do hai người cha nổi hứng hứa gả con cho nhau...!
img
Rạp đám cưới ở miền Tây (ảnh sưu tầm; Nguồn: Internet)

Và cũng chính từ đó sinh ra nhiều hệ lụy rơi nước mắt. Có khi trai đi phát cỏ gặp cô gái cấy giỏi họ phải lòng, yêu nhau thắm thiết nhưng đâu dễ gì được cha mẹ hai bên chấp nhận. Thế là họ chấp nhận làm liều theo kiểu “vợ nhặt”. Cô gái bằng lòng về nhà chàng trai để làm vợ, làm dâu. Nhà trai quở trách nhưng cũng rộng lượng tha thứ. Bên nhà gái dù có bẽ mặt nhưng trước “việc đã rồi” … cũng tìm cách thu xếp để cứu vớt chút danh dự.

Một lễ nhỏ được tổ chức, người ta gọi là “thú phạt”. Khi ấy, nhà trai mượn người đứng tuổi biết nghi lễ và ăn nói làm chủ lễ rồi chuẩn bị cặp vịt, mâm trầu rượu, đôi bông tai, cùng cô dâu, chú rễ sang nhà gái. Xin nói thêm, nhiều gia đình nghèo quá không có đủ tiền cưới vợ, không có tiền sắm được đôi bông thì cũng cố gắng chạy hỏi, vay mượn mua cho cô dâu đôi bông vàng 18, vài phân cũng được. Bởi theo quan niệm, bông tai là duyên con gái, không thể bỏ qua được. Đến nhà gái, chủ lễ rót trầu rượu tạ lỗi, nói chuyện xin nhà gái bỏ cho lỗi lầm mà bọn trẻ đã trót gây ra. Có thể không ưa nhau, nhưng bây giờ chuyển đã lỡ, nên nhiều người nhắm mắt tặc lưỡi cho qua.

Sau nghi lễ trà rượu, người ta làm thịt cặp vịt nấu cháo, rồi mời vài ba bà con láng giềng đến uống chung rượu mừng cho đôi trẻ.

Xế chiều, khi mọi người ngà say thì nhà trai xin phép ra về. Thế là hai trẻ chính thức nên vợ, nên chồng.
img
Mọi người chia vui cho đôi trẻ (ảnh chỉ mang tính minh hoạ - Nguồn: Minh Thương)
Lễ thú phạt thể hiện sự linh hoạt và lòng nhân ái dành cho những người vì quá yêu thương nhau, muốn có nhau nhưng do hoàn cảnh nào đó nên chuyện cưới gả không thể diễn ra. Và cũng có lẽ từ đó mà dân gian miệt này có câu ca hết sức ý nghĩa, thế này:

"Người ta giàu thì đầu heo nọng thịt
Tụi mình nghèo thì cặp vịt đôi bông".

Đầu heo là sính lễ mà đôi vợ chồng trẻ mang tạ ơn cho ông mai, bà mối. Như vậy, nhà giàu mới diễn ra lễ cưới sang trọng, còn phận gái nhà nghèo thì… cặp vịt, đôi bông thú phạt cũng đủ.

Vấn đề là chuyện ăn đời ở kiếp cùng nhau chứ không phải quá câu nệ với các nghi thức rình rang. Nét đẹp chân tình chốn miền quê sông nước là như vậy đó.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem