Nghĩa của từ phản bái được các cụ cao niên miền Tây sông nước lí giải là nghi thức lạy lại cha mẹ cô gái lần nữa để chú rể tạ ơn.
Nghi thức lễ phản bái cũng không có gì quá rườm rà. Mâm trầu rượu đứng trong khay hộp để trình lễ tất nhiên là không thể thiếu. Ngoài ra, người ta còn chuẩn bị thêm cặp vịt trống lớn để mang sang nhà gái. Sau nghi thức nhang đèn để cho cặp uyên ương lạy bàn thờ, xá cha mẹ nhà gái, người ta sẽ làm thịt cặp vịt nấu cháo, mời thêm vài bà con lân cận để cùng chung vui.
Đám cưới ở miền quê (ảnh minh hoạ. Nguồn: Hồng Thúy)
Đám phản bái (ảnh minh hoạ. Nguồn: Hồng Thúy)
Tận cùng chiều sâu, cũng các lễ vật mang sang nhà gái cũng có những hàm ý. Xưa, nhà giàu, điền chủ, hội đồng cưới dâu thì quan niệm trong chữ trinh tiết đến mức cực đoan. Đêm động phòng của đôi uyên ương được bà mẹ chồng bằng nhiều hình thức bí mật giám sát gắt gao. Và nếu chẳng may, vì một lí do gì đó cô gái không chứng minh được sự trinh trắng của mình và nhà chồng cũng hẹp lượng không muốn bỏ qua thì lễ vật mang sang nhà gái là những lá trầu úa, khô, hoặc con vịt rằng (vịt tàu màu lông trắng xám chen lẫn) chứ không phải hai con vịt ta lông trắng phau. Hàm ý họ đã cưới phải cô dâu úa hôi, vằn vện không ra gì. Nhìn vào đó, cha mẹ nhà gái cũng đủ đoán biết thái độ của nhà trai, và tất nhiên là kéo theo nhiều nỗi bất hạnh dành cho phận gái làm dâu sau đó.
Tất nhiên, những chuyện xa xưa ấy ngày nay, không mấy ai lưu tâm, có điều đám phản bái vẫn còn được duy trì. Có thể xem đây là nơi sui gia gặp gỡ lại nhau sau những ngày tất bật lo cho hôn lễ của đôi uyên ương. Họ chia sẻ, bàn bạc nhiều chuyện tương lai như chuyện ra riêng, chuyện chia phần ruộng vườn để con cái lập một gia đình mới chan hòa, đầm ấm và hạnh phúc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.