Ở miền quê Tây Nam bộ có một loài bò sát bốn chân gần giống tắc kè, đó là rắn mối. Rắn mối có lớp vảy đen óng ánh trên mình, bình thường chúng rất dạn bò dọc theo vách lá trong nhà hay nền đất ngoài vườn tạp. Da rắn mối không đổi màu như tắc kè. Chúng chạy rất nhanh khi gặp nguy hiểm. Đặc biệt loài vật này cũng sẵn sàng tự “cắt” bỏ đuôi để thoát thân. Rắn mối cũng là loài nhạy bén trong cách săn mồi, vì chúng có cái mũi và lưỡi rất thính. Gọi là rắn mối vì thức ăn khoái khẩu của chúng là những con mối sống trong các tổ mối và gốc cây mục.
Con rắn mối quanh sân nhà.
Dựa vào đặc tính này, nên bọn trẻ sau những giờ chạy nhảy đùa vui thưởng rủ nhau đi... câu rắn mối. Câu rắn mối chỉ cần vài sợi chỉ se săn lại, tóm lưỡi câu cỡ nhỏ rồi xách rổ lớn ra ao đìa xúc vài con tép rong, tép trấu làm mồi... nhử chúng.
Lội dọc theo đường mòn, lựa những chỗ gốc cây mục là chùm lá khô phủ là đà mặt đất để cột nhợ câu. Tóm mồi xong, bỏ đi đến chỗ khác. Cứ vậy, mỗi em giành phần cho mình chừng chục chỗ đặt câu. Chừng lát sau quay lại, rắn mối đánh hơi tép bò ra... cắn câu và chịu trận.
Nhiều khi các em cũng dùng mồi trùn, thậm chí là mấy hột cơm để câu loại con vật này.
Nướng rắn mối.
Bắt rắn mối đem về dùng nhánh tre, trúc cặp lại hoặc đập chết rồi bỏ vào bếp than của bà, của má đang nấu cơm chiều, còn đỏ rực. Chờ một chút, vẩy rắn cháy sém, mỡ tươm vàng ươm. Khều ra, dùng cây cạo sạch lớp vẩy cháy, bẻ từng khúc ăn nóng với muối hột. Món thịt rắn mối nướng ngọt lịm vừa ngon, vừa là niềm vui đầy phấn khích của tụi nhỏ miền quê. Mùi thơm ngào ngạt bốc lên, nhiều khi các bậc cha chú đang chén tạc chén thù với hàng xóm còn "xin" các cháu mấy con để nhâm nhi nữa,...
Một thú vui nhẹ nhàng mà hiệu quả bởi chất bổ dưỡng từ loài thịt này không chỉ giúp tăng cường sức khỏe mà nó còn ít nhiều tác dụng cho những đứa bé khò khè, bụng ỏng, da nổi gân xanh xao.
Ký ức miền quê như vẫn vấn vương biết bao kỉ niệm từ những trò chơi tuổi ấu thơ ấy...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.