Thừa trói buộc, thiếu hỗ trợ nông dân

Lê Hân - Lương Kết Thứ sáu, ngày 31/10/2014 06:26 AM (GMT+7)
Ngày 30.10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội 2014-2015. Rất nhiều đại biểu đã bày tỏ sự lo ngại khi tăng trưởng trong nông nghiệp đang chững lại trong thời gian gần đây.
Bình luận 0

Trụ đỡ nền kinh tế lung lay

Theo ĐB Nguyễn Thị Huệ (Đăk Lăk), Việt Nam hiện đứng nhất nhì thế giới về xuất khẩu các mặt hàng nông sản có giá trị cao, trong đó có hồ tiêu, gạo và cà phê với kim ngạch 3 mặt hàng là 6,3 tỷ USD- đó là con số không nhỏ, song trừ hồ tiêu, những năm qua người nông dân đã phần nào quyết định được giá cả hợp lý cho sản phẩm của mình, còn lại gạo và cà phê cùng nhiều mặt hàng nông sản khác vẫn nằm trong thế bấp bênh. Bấp bênh không chỉ do thiếu tính ổn định giá cả từ bên ngoài thị trường mà còn do các định chế”.

img ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang): “...chính sách khuyến khích cho DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều bất cập.” 

Phân tích sâu hơn, ĐB Huệ cho rằng: Trên thị trường hiện nay, đang thừa những quy định mang tính tự trói buộc, nhưng thiếu những biện pháp hỗ trợ người nông dân tham gia và quyết định thành quả của họ. Như với gạo, nhiều cơ quan truyền thông đã phản ánh về việc tạo cơ chế cho sự độc quyền xuất khẩu phát triển nhưng chưa có biện pháp khả dĩ nào khống chế điều này.

Cùng chung nhận định, ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) nêu ý kiến, ĐBSCL có vai trò quan trọng trong ổn định nông nghiệp và an ninh lương thực nhưng hiện đang đối diện khó khăn, đó là: Điệp khúc được mùa mất giá do thiếu liên kết, nhất là liên kết vùng, chưa có dự báo cung- cầu hợp lý, chưa phát huy lợi thế so sánh giữa các địa phương, thiếu liên kết giữa nông dân-nông dân, nông dân- doanh nghiệp (DN). Do đó, ĐB Phương Lan cho rằng, cần có giải pháp thật căn cơ, tăng liên kết vùng và lãnh thổ, phát huy vai trò động lực và lợi thế của các địa phương cũng như công tác dự báo thị trường.

Trong khi đó, ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) thì cho rằng, nông nghiệp được coi là trụ đỡ của nền kinh tế, nhưng nếu không có chính sách kịp thời, trụ đỡ đó sẽ bị lung lay, chúng ta cần phải làm nhiều việc để tránh điều đó, trong đó phải làm để cho người nông dân tăng thêm thu nhập ngay trên chính mảnh đất mà mình sinh sống, bằng cách phải tăng đầu tư, KHCN…

Làm ra 70%, hưởng 25%



Bà Nguyễn Thị HuệĐB Quốc hội
 Trên thị trường hiện nay đang thừa những quy định mang tính tự trói buộc, nhưng thiếu những biện pháp hỗ trợ người nông dân tham gia và quyết định thành quả của họ.
“Điệp khúc được mùa mất giá được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần do thiếu sự liên kết, đặc biệt là liên kết vùng, nên dù vùng cung nguyên liệu dồi dào nhưng phân tán nhỏ lẻ, điều tiết không hợp lý, công tác dự báo thị trường còn hạn chế nên dẫn đến sản phẩm làm ra khi thừa khi thiếu”- ĐB Đinh Thị Phương Khanh (Long An) mở màn bài phát biểu, sau đó phân tích: Vấn đề thất thoát trong thu hoạch nông sản của nước ta còn cao, dự kiến riêng trong khâu sau thu hoạch lúa hằng năm chúng ta đã mất đi 600 triệu USD, tương đương mất trung bình 87,5 USD/tấn gạo xuất khẩu. "Hiện nay hàng hóa nông sản xuất khẩu chủ yếu ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng thấp. Thời gian tới Chính phủ cần phải dành khoản ngân sách thích đáng cho công tác giống và nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ" - ĐB Khanh đề nghị.

Bà Khanh dẫn chứng về một nghiên cứu về chuỗi giá trị ngành hàng ở một tỉnh ĐBSCL cho thấy, người nông dân làm ra 70% giá trị hàng hóa nhưng chỉ được hưởng mức lợi nhuận 25% trong tổng lợi nhuận. Còn khâu trung gian tạo thêm ra 30% giá trị lại được hưởng lợi nhuận 75%. Trong quá trình sản xuất người nông dân còn gặp nhiều rủi ro, dễ bị tổn thương do nguồn vốn không có phải đi vay ngân hàng, đến mùa thu hoạch lại lệ thuộc vào thương lái.

Đánh giá cao về vai trò của doanh nghiệp trong khâu sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân, nhưng theo ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), chính sách khuyến khích cho DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều bất cập. Chính vì thế DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn tỷ lệ nhỏ ngày càng có xu hướng sụt giảm. Cả nước hiện có 3.500 DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chiếm 1,6% trong tổng số DN cả nước, đa số là những DN nhỏ và vừa. "Năm 2013 có 1020 DN thành lập mới, giảm 14% so với năm 2012, nhưng giải thể và ngừng hoạt động lên đến 1.332 DN" - ĐB Ánh Tuyết cho hay.

ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi): Dành ngân sách thỏa đáng 
cho KHCN

Chính phủ cần dành khoản ngân sách thỏa đáng để nghiên cứu về giống và chuyển đổi khoa học công nghệ (KHCN), đặc biệt là sau thu hoạch; cần có giải pháp mạnh tay hơn trong khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn và nông nghiệp. Một thực tế là đời sống nông dân còn nhiều khó khăn, việc điều hòa lợi ích trong chuỗi còn hạn chế vì người dân chưa được coi là gốc của chuỗi, trong khi họ gặp nhiều rủi ro, thiệt thòi. Cần xem xét nông dân là cái gốc trong chuỗi cung ứng của từng ngành hàng để từ đó có các chính sách tác động thích hợp, hiệu quả. Cùng với đó là công tác đào tạo nghề theo hướng chọn ngành nghề trọng điểm phù hợp với vùng.

ĐB Nguyễn Thị Huệ  (Đăk Lăk): Đứng đầu thế giới cũng là vô nghĩa, nếu…

Đã đến lúc tìm kiếm những chuyên gia giỏi trong lĩnh vực sàn giao dịch nông sản để tư vấn cho cơ quan có thẩm quyền ban hành những quy định phù hợp. Chúng ta tự hào về xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới nhưng thực chất giá trị lợi nhuận mang lại không lớn; người nông dân làm ra những mặt hàng nông sản còn gặp nhiều khó khăn; tham gia kết nối cung cầu yếu kém thì việc đứng đầu thế giới không có ý nghĩa gì.

Ngọc Lê (ghi)



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem