Cám công nghiệp tăng, nuôi cá ở Bắc Ninh dù sản lượng cao 3-4 lần, tiền lời của nông dân lại "teo dần"-cám cảnh!

Khương Lực Thứ tư, ngày 16/03/2022 06:25 AM (GMT+7)
Một kỳ tích mà Chi hội nông dân nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản thôn Xuân Lai, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh tạo ra là tăng sản lượng cá nuôi trong ao lên gấp 3-4 lần. Tưởng đây sẽ là niềm vui, nhưng khi đủ thứ tăng trong khi giá bán cá lại giảm, khiến lợi nhuận của nông dân thu không còn là bao.
Bình luận 0

CLIP: Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Lai (Gia Bình, Bắc Ninh) nói về nghịch lý giá đầu vào như thức ăn chăn nuôi, xăng dầu tăng, nhưng giá bán cá giảm, khiến lợi nhuận nông dân thu được không tương xứng.

Lập chi hội nghề nghiệp, hỗ trợ nông dân chuyển đổi số

Xuân Lai vốn nổi tiếng với nghề mây tre đan, cho thu nhập lớn hơn rất nhiều so với làm ruộng hay nuôi trồng thủy hải sản. 

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và có diễn biến phức tạp, người dân trong xã Xuân Lai lại có thêm nghề mới là làm khẩu trang y tế. Những công nhân, lao động làm việc trong các xưởng sản xuất khẩu trang có mức lương khá cao, có người được trả 8 - 10 triệu đồng/tháng.

Bắc Ninh: Cá nuôi tăng 3-4 lần về sản lượng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Lai vẫn lo vì điều này - Ảnh 2.

Nhờ có mạng internet, ông Nguyễn Văn Hiến cùng các hội viên Chi Hội nông nghiệp nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản thôn Xuân Lai, xã Xuân Lai (Gia Bình, Bắc Ninh) đã lắp đặt và vận hành hệ thống điều khiển tự động cho cá ăn và sục khí chống ngạt cho cá thông qua hệ thống camera giám sát và điều khiển từ xa, điều hành rất hiệu quả. Ảnh: Khương Lực.

Bắc Ninh: Cá nuôi tăng 3-4 lần về sản lượng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Lai vẫn lo vì điều này - Ảnh 3.

Do môi trường nuôi đảm bảo và cá nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP nên chất lượng cá rất thơm, ngon. Ảnh: Khương Lực.

Với đặc thù đó, những nông dân đam mê, gắn với đồng ruộng ở xã Xuân Lai không còn nhiều. Nhận thầu 19 mẫu ao của xã Xuân Lai từ nhiều năm trước, năm 2020 ông Nguyễn Văn Hiến đã tham gia vào Chi Hội nông nghiệp nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản với tổng số 37 hội viên.

Một trong những lợi ích mà ông Hiến nhận được khi tham gia vào Chi Hội nông nghiệp nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản là được các cấp Hội Nông dân tập huấn 3 tháng nghề nghiệp với hình thức cầm tay chỉ việc để tiếp cận với khoa học công nghệ mới về nuôi trồng thủy sản.

"Từ khi được tiếp cận với khoa học công nghệ, sản phẩm của các hội viên hàng năm nâng lên gấp 3-4 lần nuôi cá truyền thống. Đặc biệt, các hội viên đã tiếp cận xử lý môi trường ao nuôi bằng các chế phẩm sinh học nên cá rất khỏe mạnh, chất lượng của con cá cũng được nâng lên theo tiêu chuẩn VietGAP" – ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh nói.

Theo ông Đức, trong bối cảnh dịch Covid-19, Hội Nông dân xã Xuân Lai đã phối hợp với Công ty viễn thông kết nối mạng internet tới từng ao nuôi cá cho các hội viên Chi Hội nông nghiệp nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản thôn Xuân Lai.

Nhờ có mạng internet, các hội viên đã lắp đặt và vận hành hệ thống điều khiển tự động cho cá ăn và sục khí chống ngạt cho cá thông qua hệ thống camera giám sát và điều khiển từ xa, điều hành rất hiệu quả. Thay vì phải vất vả rải cám xuống ao cho cá ăn, các hộ dân chỉ việc mang cám đổ vào thùng và đặt chế độ ăn tự động.

Sản lượng cá tăng gấp 3-4 lần, lợi nhuận vẫn không cao

Trực tiếp đến khu nuôi cá của gia đình ông Hiến, ông vừa thu hoạch xong ao cá rộng 2 mẫu (7.200m2) được 13 tấn cá, bán thu được khoảng 350 triệu đồng.

"Để thu hoạch được ao cá nuôi 8 tháng này, tôi đã phải chi phí hết 200 triệu đồng tiền cám, 100 triệu đồng tiền giống, chưa tính tiền sản, điện, nước… Trừ chi phí, lãi suất cũng không được cao, khoảng vài chục triệu đồng" – ông Hiến bộc bạch.

"Những năm trước nuôi theo cách truyền thống, ao cá rộng 2 mẫu thu hoạch khoảng 3 tấn cá, giờ áp dụng khoa học công nghệ mới vào nuôi cá, sản lượng cá đã tăng lên gấp 3-4 lần. Tuy nhiên, lãi suất lại không cao, thậm chí đầu vào tăng mà đầu ra lại không bán được" – ông Hiến thổ lộ trong tâm trạng không được vui.

Theo ông Hiến, trong năm 2021 giá cám cho cá ăn đã tăng từ 25-30% (tương đương khoảng 60.000 đồng/bao), nhưng giá cá lại giảm 12%. Với "đầu vào tăng, đầu ra giảm" như vậy, thu nhập của người nuôi cá bị ảnh hưởng rất lớn. "Thả nuôi 10 ao thì có tới 50% ao hòa vốn, 30% ao lỗ và 30% ao có lãi một chút nên tâm trạng bà con không được vui" – ông Hiến chia sẻ.

Lý giải câu chuyện sản phẩm của bà con tăng lên gấp 3 - 4 lần nhưng lãi suất rất hạn chế, thậm chí có người bị thua lỗ, ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Lai cho rằng, có hai nguyên nhân chính: Do tình hình dịch Covid-19 nên nhiều cái cộng hưởng làm tăng chi phí đầu vào của bà con nông dân trong khi sản phẩm thu hoạch tiêu thụ rất khó khăn, thậm chí nhiều lúc không tiêu thụ được, phải yêu cầu Hội Nông dân các cấp, các ngành vào tinh thần giải cứu nông dân.

"Sản phẩm đầu vào tăng, sản phẩm đầu ra của bà con thậm chí không tiêu thụ được, cho nên thu nhập giảm xuống, lãi suất, lợi nhuận của bà con vô cùng khó khăn"- ông Đức nhấn mạnh và cho biết trong bối cảnh đó, Hội Nông dân xã Xuân Lai đã quan tâm vận động nông dân tham gia vào các Chi, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp để tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ của Trung ương và tỉnh.

"Sau khi thành lập được chi hội, để động viên cho các hội viên phát triển kinh tế, đối với nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương đã quan tâm hỗ trợ được 400 triệu đồng và nguồn hỗ trợ của tỉnh Bắc Ninh là 500 triệu đồng cho 2 dự án" – ông Đức thông tin.

Theo ông Đức, trước tác động khó khăn của dịch Covid-19, các cấp chính quyền đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đường điện, hệ thống mạng để các hội viên tiếp cận với khoa học, kỹ thuật và chia sẻ. 

Đồng thời, lắp đặt các hệ thống sục khí, máy bơm, máy cho ăn, cài đặt chế độ tự động hoàn toàn để nâng cao chất lượng, phục vụ đời sống của bà con, để giảm cường độ lao động, giảm tối đa đầu vào cho bà con.

"Vừa qua, một số ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay, phí điện lực cũng giảm giá điện để động viên cho bà con nông dân. Chính vì thế, ông kiến nghị lãi suất của Hội Nông dân Trung ương và tỉnh có thể tính toán giảm xuống một phần hoặc gia hạn thêm thời gian cho bà con nông dân, để tạo điều kiện cho bà con nông dân khắc phục trong thời điểm Covid-19" – ông Đức nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem