Tiếng rao "ai... hôn" thời @

Bài, ảnh: Phúc Lộc Thứ sáu, ngày 03/07/2015 11:59 AM (GMT+7)
Một buổi trưa hè oi ả, tôi đang nằm thỉu thỉu ngủ bỗng đâu từ ngoài ngõ có tiếng cất lên “Sương sáo đây… Sương sáo đây…” Nhiều lần khác tôi lại nghe bên tai “Bánh lá dừa đây”; “Bánh bao đây”; “Ai ăn xôi vò, xôi bắp hôn …” Những tiếng rao ấy cứ lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng nghe sao thấy nó vô hồn. Thì ra đó là tiếng rao phát ra từ máy casette.
Bình luận 0
Đại loại như thế. Ngẫm thấy đúng. Trong cái âm thanh rộn rã của nhịp sống sôi động hiện nay, thỉnh thoảng chúng ta vẫn còn nghe tiếng rao “Tàu hủ …hôn” hoặc “Ai ăn cơm rượu…hôn ” nhưng thang âm sao mà đơn điệu không còn truyền cảm và trầm ấm như tiếng rao của các bà, các chị giữa đêm hôm khuya khoắc trên hè phố vắng năm nào.  
        

Đã lâu lắm rồi, tôi không còn nghe tiếng rao thánh thót “Ai ăn chè bột khoai, đậu xanh, nước dừa, đường cát hô…ôn…”; hoặc “Ai ăn chè thưng, nước dừa, đường cát hô…ôn…”. Tiếng hôn kéo dài, ngọt ngào, ngân nga như một làn điệu buồn da diết khiến ai nấy cũng chạnh lòng xao xuyến.

Đó là tiếng rao như tiếng hát, âm điệu ngọt ngào, êm ái mà cho tới nay nó vẫn còn đọng lại trong ký ức của nhiều người. Càng đi xa, càng lớn lên, chúng ta càng nhớ tiếng rao sáng-trưa-chiều-tối như một cung điệu trầm buồn không bao giờ phai nhạt.

img
Tiếng rao ngọt ngào cất lên của người phụ nữ vừa gánh hàng vừa rao mời khách.

Có những buổi trưa hè, chúng ta chỉ cần nghe tiếng rao chè hay tàu hủ bụng cũng cảm thấy thèm ăn. Chính tiếng rao đó đã gợi lại trong ta bao hoài niệm về một thời thơ ấu. Hiện nay, chúng ta vẫn còn nghe những tiếng rao hàng, tiếng hủ tiếu gõ, tiếng chuông leng keng, tiếng rao bằng máy casette hoặc tiếng rao dài lê thê của các anh chàng mua bán đồ phế liệu. Tất cả những thứ âm thanh đó sao mà trầm đục phản cảm và lạc lỏng quá, không có một chút gì truyền cảm như tiếng rao hàng của các bà, các chị năm xưa mà từ lâu nó đã đi vào hồn, vào tâm cảm của người dân phố thị.
img
Những người phụ nữ miền quê tần tảo sớm hôm.
Với tôi, không những chỉ thích thưởng thức mùi vị thơm ngon ngọt bùi của món ăn mà còn ghiền cả tiếng rao, say mê cái âm điệu duyên dáng, mượt mà, văng vẳng từ đầu thôn đến cuối xóm. Chính cái chất giọng ngân vang, trầm bổng đó đã làm xao động cái không gian êm ả lúc đêm về khiến cho tâm hồn ai nấy như có chút gì bâng khuâng, xao động. Tiếng rao còn gợi lên một miền ký ức tuổi thơ và một tình quê êm ả mà cuộc sống hôm nay đã dần dần đánh mất nhiều cái quý giá, trong đó có tiếng rao hàng và hình ảnh của những mẹ già còm cõi, một nắng hai sương.

        “Em đi bán chè thưng.
         Nặng lo chữ hiếu cho tròn.
         Cho tròn nợ áo cơm …”

Đó là âm điệu buồn được thể hiện qua tiếng hát của nghệ sĩ Út Trà Ôn và Út Bạch Lan trong một vở cải lương.

Thời gian lặng lẽ trôi đi. Quê hương với những tiếng rao hàng vẫn còn đó, nhưng những tiếng rao buồn dìu dặt, tha thiết đã dần dần chìm khuất vào quá khứ xa xăm để nhường lại cho những tiếng rao thời @. Đó là tiếng rao rộn ràng, hối hả nhưng vô hồn trong các ngõ hẻm và các dãy phố chiều lao xao.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem