Tiếp vốn cho đồng bào Mường nuôi bò

Lan Dương - Thu Hà Thứ năm, ngày 04/09/2014 08:04 AM (GMT+7)
“Được vay 20 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), gia đình tôi có điều kiện đầu tư mua thêm bò, mở rộng chăn nuôi, tăng thu nhập cho gia đình”. Đó là tâm sự của chị Đinh Thị Hà, người Mường ở xóm Rỗng Tằm, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn (Hòa Bình).
Bình luận 0

Tiếp vốn mở rộng sản xuất

Được sự giới thiệu của Hội ND xã, chúng tôi tìm đến gia đình chị Hà giữa trưa nắng oi ả. Thường ngày vào giờ này đàn bò đã được gia đình cho lên ăn cỏ ở bãi chăn thả (là những quả đồi trồng rừng của người dân) cách nhà chừng vài km. Nhưng vì hôm nay gia đình chị bận việc nên đàn bò vẫn nhốt và cho ăn tại chuồng. Chị Hà cho hay: “Gia đình tôi nuôi bò được 6 năm. Trước đó, tôi nuôi trâu nhưng lời lãi chẳng được là bao. Khi xã có chủ trương nuôi bò trên những dãy đồi trồng rừng, gia đình lại “dồn vốn” mua 4 con cái về nuôi bò sinh sản”.

Cũng theo chị Hà, nuôi bò không mất nhiều công chăm sóc mà hiệu quả kinh tế lại cao. Tuy nhiên, cái khó mà chị cũng như nhiều hộ trong xã gặp phải là việc nuôi bò sinh sản cần con đực để phối giống. Mỗi lần phối giống, gia đình chị phải đưa bò cái đi bộ, leo đồi hơn 4km, đường sá đi lại vất vả, có những lần phải đi 2 ngày mới xong việc. “Tháng 9.2013, gia đình tôi được vay nguồn Quỹ HTND (T.Ư Hội NDVN), tôi dùng số tiền đó mua một con bò đực để vừa có sức kéo vừa để phối giống cho bò cái của nhà, mở rộng sản xuất” - chị Hà chia sẻ.

Từ khi có bò đực phối giống, đàn bò cái đã đẻ thêm được 3 con bê con, nâng tổng số bò hiện có trong đàn lên 11 con. Đàn bò đó, chị Hà cho biết sẽ nuôi cho lớn và bán lấy tiền trang trải chi tiêu trong gia đình, nuôi 2 đứa con ăn học. Trung bình mỗi con bò khi có trọng lượng 2 tạ trở lên, có thể bán được 20-25 triệu đồng.

Bên cạnh việc nuôi bò, gia đình chị Hà còn nhận trồng khoán thêm 2ha keo cho xã (năm 2012). Dự tính sau 10 năm, keo sẽ cho thu hoạch, nhưng điều quan trọng là nhờ đó mà gia đình chị có địa điểm để chăn bò và tận dụng được nguồn cỏ tự nhiên.

Tương tự, gia đình ông Kiều Đăng Thích, xóm Kẽm cũng được vay 20 triệu đồng để nuôi bò sinh sản. Ông Thích cho hay: “Được Quỹ HTND tiếp sức, gia đình tôi có thêm “đồng ra đồng vào” mua thêm 2 con bò cái và sửa sang lại chuồng trại. Nuôi bò, quan trọng nhất là chuồng trại phải sạch sẽ, thoáng mát thì chúng mới không bị dịch bệnh và phát triển tốt được”.

Tận dụng lợi thế sẵn có

Ông Nguyễn Quang Hạnh - Phó Chủ tịch Hội ND xã Lâm Sơn cho biết: “Lâm Sơn là xã miền núi với 70% dân tộc Mường sinh sống và 60% diện tích đất lâm nghiệp. Do vậy, có thể tận dụng thành những bãi chăn thả và nguồn cỏ tự nhiên dưới những tán rừng để kết hợp nuôi bò, vừa giảm chi phí thức ăn mà hiệu quả kinh tế lại cao.

Từ nguồn vốn 400 triệu đồng Quỹ HTND (T.Ư Hội NDVN) cho vay thực hiện dự án nuôi bò sinh sản trong thời gian 3 năm, các hộ có thêm điều kiện đầu tư sửa sang chuồng trại, mua bò về nuôi, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Theo lời ông Hạnh, đàn bò cũng đang là vật nuôi giúp các hộ ND nơi đây có của ăn của để. Trong tổng số 20 hộ vay vốn có 3 hộ cận nghèo và 1 hộ nghèo, 13 hộ trong số đó là người dân tộc Mường, hiện các hộ này đã thoát nghèo bền vững, giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 0,17 %.

  Hằng năm, để giúp các hộ nuôi bò trong xã có kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, Hội ND xã Lâm Sơn thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn nuôi bò cho hội viên ND. Năm 2013, Hội đã tổ chức 1 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi bò cho hơn 100 hội viên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem