Chiều muộn ngày 8/3, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ KHCN) đã chủ trì buổi gặp gỡ báo chí để thông tin về tiêu chuẩn nước mắm, cũng như giải đáp các câu hỏi của các phóng viên báo, đài về vấn đề này.
Ông Nguyễn Hoàng Linh- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng phát biểu tại cuộc gặp gỡ báo chí để thông tin về tiêu chuẩn nước mắm chiều 8/3.
Đã chuẩn bị xây dựng tiêu chuẩn từ năm 2017
Mở đầu buổi thông tin đến các cơ quan báo chí về quá trình soạn thảo tiêu chuẩn quốc gia về nước mắm, ông Trần Văn Công- Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết lý do xây dựng TCVN 5107, đồng thời chỉ định TS. Đào Trọng Hiếu- Phó phòng Phát triển thị trường thủy sản của Cục thông tin chi tiết hơn về quá trình này.
Theo TS. Đào Trọng Hiếu, từ năm 2017, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã được Bộ NNPTNT giao nhiệm vụ biên soạn Dự thảo TCVN “Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm”. Qua 2 năm triển khai thực hiện, Cục đã hoàn thiện toàn bộ hồ sơ Dự thảo đảm bảo đầy đủ trình tự xây dựng TCVN.
“Để đảm bảo khách quan, trong quá trình soạn thảo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã tổ chức 5 hội nghị, hội thảo và gửi dự thảo xin ý kiến rộng rãi tới các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia của các Viện, Trường Đại học, các đơn vị kiểm nghiệm; đặc biệt là đông đủ các Hiệp hội, doanh nghiệp, như: Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam; Hiệp hội nước mắm Phú Quốc – Bà Hồ Kim Liên; Hội nước mắm Nha Trang – Bà Ngô Thị Kim Thọ; Hội Khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm; Hội Tiêu chuẩn và Chất lượng và đại diện Doanh nghiệp Chế biến nước mắm 584 Nha Trang, Doanh nghiệp Chín Tuy...”- ông Hiếu thông tin.
TS. Đào Trọng Hiếu cũng cho biết, trong quá trình soạn thảo dự thảo TCVN Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm, Ban soạn thảo dựa trên căn cứ Tiêu chuẩn CODEX (CAC/RCP 52-2003), TCVN 7265:2015 và thực tế sản xuất nước mắm tại Việt Nam.
Sau phần thông tin này, PV Dân Việt đã nêu câu hỏi: Vì sao trong thời điểm này, chúng ta phải ban hành tiêu chuẩn nước mắm và vì sao không xây dựng đồng bộ giữa tiêu chuẩn và quy chuẩn (QCVN) đối với nước mắm. Thêm nữa, trong dự thảo TCVN 12607:2019 có nêu hai khái niệm về nước mắm, đó là: “Nước mắm nguyên chất” và “Nước mắm”, liệu có lặp lại câu chuyện như QCVN về sữa dạng lỏng trước đây, dẫn tới nhập nhèm giữa “sữa tươi tiệt trùng” và “sữa tiệt trùng”?.
Trả lời câu hỏi trên, TS. Đào Trọng Hiếu cho biết: Theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn thì Tiêu chuẩn đưa ra những khuyến nghị tự nguyện áp dụng, không bắt buộc. Còn quy chuẩn thì bắt buộc áp dụng. Thông điệp đưa ra tiêu chuẩn này xuất phát từ đòi hỏi yêu cầu từ thực tiễn chúng ta cần phải quan tâm kiểm soát bất kể quy mô sản xuất như thế nào cũng cần phải có những tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá nâng cao nhận thức, uy tín cũng như chất lượng đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là nhu cầu đòi hỏi chính đáng và xu thế tất yếu của người tiêu dùng, người ta bỏ tiền ra mua bất kỳ sản phẩm nào cũng cần biết sản phẩm đó xuất xứ ra sao.
Bổ sung ý kiến vào câu hỏi này, ông Nguyễn Hoàng Linh- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cho biết: “Mục đích của việc xây dựng TCVN đối với nước mắm nhằm đưa ra các khuyến nghị thực hành sản xuất tốt nước mắm, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của nước mắm, bảo vệ an toàn và sức khỏe cho người tiêu dùng”.
Theo ông Linh, mặc dù dự thảo tiêu chuẩn đã được cơ quan soạn thảo nghiên cứu khá công phu trong khoảng 9 năm (2008-2017) và gần 2 năm tổ chức xây dựng dự thảo (2017-2018), vẫn có nhiều quan điểm khác nhau về các khuyến nghị kỹ thuật trong dự thảo bởi không có bất kỳ tiêu chuẩn nào nhận được sự đồng thuận 100%, kể cả tiêu chuẩn quốc tế.
Theo Ban soạn thảo, TCVN về nước mắm chỉ là "quy phạm thực hành sản xuất, chế biến tốt", không bắt buộc áp dụng đối với các cơ sở sản xuất, chế biến nước mắm.
"Không có quy định nào gọi là nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp"
Ngoài các giải đáp nội dung liên quan đến các tiêu chuẩn kỹ thuật như hàm lượng histamine, dư lượng bảo vệ thực vật…, tại cuộc trao đổi với báo chí chiều qua một vấn đề “nóng” được xới lên, đó là: Vì sao trong tiêu chuẩn không có khái niệm về nước mắm truyền thống?.
Đáp lại câu hỏi này, TS. Trần Đáng- nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, từ trước đến nay không có văn bản quy định nào gọi là nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp cả, hay chỉ toàn là tự xưng. “Anh dựa vào đâu mà phân biệt nước mắm truyền thống với nước mắm công nghiệp?. Tiêu chuẩn của Nhà nước, người ta chỉ gọi là nước mắm và nước mắm nguyên chất. Tại sao phải phân ra nước mắm truyền thống với nước mắm công nghiệp để gây mất đoàn kết trong ngành nước mắm của mình”- TS.Trần Đáng nói.
Cũng theo TS. Trần Đáng, quy phạm sản xuất nước mắm này được đưa ra là phù hợp với thực tiễn dành cho các loại nước mắm, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. “Quy phạm này, giống như GMP trong sản xuất dược phẩm, tức là quy phạm thực hành tốt mà thôi”- TS. Đáng nói thêm.
Kết thúc buổi trao đổi, ông Nguyễn Hoàng Linh- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cho biết, rất hoan nghênh các ý kiến góp ý và đề xuất điều chỉnh nội dung của dự thảo TCVN 12607:2019 và tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý cả về mặt kỹ thuật và thuật ngữ của dự thảo, đặc biệt đối với các khuyến nghị còn nhiều ý kiến trái chiều.
“Tổng cục TCĐLCL và Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng đã và sẽ quyết liệt chỉ đạo các cơ quan liên quan, Ban soạn thảo, Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn nước mắm khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà sản xuất kinh doanh đảm bảo xây dựng được tiêu chuẩn minh bạch, rõ ràng, làm cơ sở cho tổ chức, cá nhân áp dụng được hiệu quả, mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp, người tiêu dùng và cộng đồng"- ông Linh khẳng định.
TS. Trần Thị Dung cho biết, cần trả lại tên cho nước mắm truyền thống, không để đứng chung với các loại nước mắm khác.
Trả lại tên cho nước mắm truyền thống
Trong buổi gặp gỡ báo chí hôm qua 8/3, dù không được mời đến tham dự, song TS Trần Thị Dung, một chuyên gia đã có hơn 20 năm nghiên cứu về nước mắm, của Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, thành viên Câu lạc bộ nước mắm truyền thống (NMTT) VASEP đã nhiều lần giơ tay xin phát biểu không được trao đổi.
Sau đó, TS. Dung đã trao đổi với hơn 20 cơ quan báo, đài bên ngoài phòng họp báo. Tuy vậy, trao đổi với báo chí sau đó, TS Dung cho biết: “Chúng tôi gọi NMTT là loại nước mắm không cần chất bảo quản gì; chỉ cần có muối bão hòa là nó tự bảo quản, hàm lượng acid amin cao là nước mắm bảo quản”.
“Nhưng bây giờ người ta pha loãng nước mắm ra nên buộc họ phải cho chất bảo quản vào. Đấy không còn là nước mắm nữa. Các bạn thử về ăn chả, ăn nem cũng dùng một thìa nước mắm pha với mấy thìa nước lọc, bột ngọt... đấy gọi là nước mắm chấm để phân biệt với nước mắm nguyên chất”- TS. Dũng lý giải thêm.
Theo TS. Dung, tại sao tôi dùng từ nước mắm công nghiệp (NMCN)? Vì họ có 10 bể, mỗi bể 1.000 lít thì một ngày họ có thể sản xuất được 100.000 lít hoặc hơn. Còn những nhà sản xuất NMTT, cá và muối đem về hàng năm trời, ở miền Bắc phải 1,5-2 năm mới có được nước mắm. Vậy tại sao lại đánh đồng NMTT với NMCN.
Cũng chính vì thế, bà Dung cho biết vừa qua các hiệp hội, chuyên gia, cơ sở NMTT có họp lại và đề nghị hãy trả lại tên NMTT, để họ đứng riêng một mình, không nhập nhằng. Hàng ngàn cơ sở chế biến NMTT cũng mong muốn như vậy.
Phản bác lại quan điểm của ông Trần Đáng cho rằng, chưa có quy định nào về nước mắm truyền thống hay công nghiệp, TS. Dung nói: “Vậy thì các cơ quan quản lý nhà nước hãy quy định đi, chứ không thể dùng công cụ của mình để lái nền sản xuất NMTT sang một hướng khác, đánh đồng với NMCN”.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.