TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: CEO Nguyễn Phương Hằng tổ chức livestream; bắt trùm giang hồ Phi "đen"

A.Đ (t/h) Thứ hai, ngày 15/11/2021 19:30 PM (GMT+7)
Cơ quan chức năng Bình Dương vào cuộc vụ CEO Nguyễn Phương Hằng tổ chức livestream nhục mạ báo chí; sạt lở núi Bà Đen sau trận mưa kéo dài suốt 2 tuần ở Tây Ninh; bắt trùm giang hồ Phi "đen"... là những tin nóng 24 giờ qua.
Bình luận 0

Vụ CEO Nguyễn Phương Hằng tổ chức livestream nhục mạ báo chí: Cơ quan chức năng Bình Dương vào cuộc

Sáng 15/11, trao đổi với phóng viên Dân Việt, lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương (Sở VH-TT&DL) cho biết, sở này đang làm báo cáo để trình lên UBND tỉnh Bình Dương về những vi phạm trong việc tổ chức buổi livestream do bà Nguyễn Phương Hằng và ông Huỳnh Uy Dũng tổ chức tại Khu du lịch Đại Nam (phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) vào chiều 14/11.

Bình Dương: Cơ quan chức năng vào cuộc vụ bà Nguyễn Phương Hằng tổ chức livestream nhục mạ báo chí - Ảnh 1.

Hình ảnh chụp từ buổi livestream ngày 14/11 của bà Nguyễn Phương Hằng. Ảnh: M.Q

Theo đó, sở đã giao thanh tra làm rõ việc tụ tập đông người trong buổi livestream tại khu du lịch Đại Nam, không tuân thủ nguyên tắc 5K trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, báo cáo các nội dung không chuẩn mực trong buổi phát sóng này.

Cũng theo lãnh đạo Sở VH-TT&DL Bình Dương, tại thời điểm buổi livestream được diễn ra, sở đã cử người xuống Khu du lịch Đại Nam để ghi nhận tình hình. Mặc dù thời điểm hiện tại, Bình Dương cho phép loại hình khu du lịch mở cửa nhưng vẫn phải giảm công suất và phải tuân thủ quy tắc "5K", giữ khoảng cách an toàn... Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, buổi livestream này thu hút quá đông người, không đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch Covid-19.

"Chúng tôi có trách nhiệm thu thập thông tin, làm báo cáo gửi lên lãnh đạo tỉnh Bình Dương, tỉnh sẽ căn cứ các đề xuất và ra quyết định xử phạt" - lãnh đạo Sở VH-TT&DL Bình Dương cho biết.

Trước đó, chiều 14/11, bà Nguyễn Phương Hằng và ông Huỳnh Uy Dũng (tức Dũng "lò vôi", chủ khu du lịch Đại Nam) đã tổ chức chương trình "Doanh nhân Huỳnh Uy Dũng và CEO Nguyễn Phương Hằng gặp gỡ và giao lưu cùng quý khán giả".

Đáng nói, buổi livestream này đã thu hút hàng trăm youtuber và gần 1.000 người có mặt trực tiếp để tham gia, trong khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Một điều khác khiến dư luận hết sức bất bình là khách mời trong livestream của bà Nguyễn Phương Hằng đã có phát biểu thiếu chuẩn mực, cho rằng "báo chí của cộng sản chung với phản động để đánh một Nguyễn Phương Hằng".

Được biết, liên quan nội dung này, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương cũng đang vào cuộc để xác minh, làm rõ các phát ngôn thiếu chuẩn mực.

Sạt lở núi Bà Đen sau trận mưa kéo dài suốt 2 tuần ở Tây Ninh

Vị trí sạt lở ở mặt mặt sau của núi Bà Đen, giữa lưng chừng núi. Đất đá sạt lở chạy thành vệt dài từ trên xuống, nhưng dòng chảy đất đá chưa tràn xuống tới chân núi. Rất may mắn, khu vực xung quanh điểm sạt lở không có nhà ở của người dân, không có công trình kiến trúc; nên không gây thiệt hại về người, công trình và hoa màu.

Theo ông Trần Hải Sơn - Phó ban quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen: Do mưa lớn kéo dài suốt 2 tuần qua ở Tây Ninh đã gây ra vụ sạt lở trên.

Tây Ninh: Mưa kéo dài, gây sạt lở tại núi Bà Đen - Ảnh 1.

Hình ảnh đất đá chảy thành vệt từ lưng chừng núi Bà Đen xuống phía dưới. Ảnh: T.L

Ngay khi nhận thông tin vụ sạt lở, lãnh đạo Ban quản lý núi Bà Đen đã cùng với cơ quan liên ngành tại địa phương có mặt tại hiện trường tìm hiểu sự việc, đánh giá hiện trạng và bàn giải pháp khắc phục.

"Quanh khu vực sạt lở không có các hộ dân sinh sống nên không gây ra bất cứ thiệt hại nào về vật chất, con người cũng như hoa màu. Do đó, chúng tôi đã nhanh chóng khoanh vùng khu vực sạt lở, đánh giá mức độ và sẽ sớm đưa ra giải pháp khắc phục. Mục tiêu hàng đầu của chúng tôi là không để ảnh hưởng tới tính mạng hay tài sản của người dân sống quanh khu vực" - ông Sơn nói.

Ông Trần Hải Sơn cho hay, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các cơ quan liên ngành kịp thời đánh giá những tác động địa chất có thể xảy đến tiếp theo trong tình hình thời tiết vẫn tiếp tục mưa lớn, để xây dựng phương án ứng phó với hiện tượng sạt lở những ngày tới. Đồng thời, yêu cầu Ban quản lý núi Bà Đen cần theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, kịp thời bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện kịp thời khắc phục, chuẩn bị phương án ứng phó với mọi tình huống.

Trong khi đó, theo một lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, do mùa mưa năm nay của Tây Ninh kéo dài, lưu lượng mưa lớn, dẫn tới hiện tượng sạt lở cục bộ khu vực sườn núi phía sau Chùa Bà (thuộc núi Bà Đen). 

Hiện tượng sạt lở tập trung ở khu vực lưng chừng núi, tại một số nơi địa chất yếu, khu vực đá mồ côi. Khu vực sạt lở không thuộc phạm vi các công trình, dự án đang xây dựng quanh núi Bà Đen. Trước đây, vào năm 1978, mưa nhiều nên cũng có sạt lở cục bộ tại đây.

Đối với mặt trước của núi Bà Đen, vị trí xây dựng các công trình thì đã có sự đánh giá về mặt địa chất ổn định, kết cấu bảo đảm chống sạt lở.

Công an Bình Dương bắt trùm giang hồ Phi “đen”

Ngày 15/11, Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Công an tỉnh Kon Tum bắt giữ đối tượng Lê Văn Phi (Phi “đen”SN 1986, quê Nghệ An) để điều tra về hành vi bắt giữ người trái pháp luật.

Theo tài liệu điều tra, tháng 3/2019, một người dân đến Công ty bất động sản Cường Phát (phường Đông Hòa, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) để giải quyết việc giao dịch đất trước đó thì xảy ra mâu thuẫn, xô xát với nhân viên của công ty nên bỏ lại xe máy rồi bỏ chạy.

Ít giờ sau, người này đi ô tô đi cùng hai người đàn ông khác quay lại công ty trên để lấy lại xe máy thì gặp giám đốc công ty, được hướng dẫn đến Công an phường Dĩ An để lấy xe. Khi cả nhóm đang trên đường đến trụ sở công an thì người của công ty gọi điện thoại nói cả nhóm quay lại công ty để lấy xe.

Công an Bình Dương bắt trùm giang hồ Phi “đen” - Ảnh 1.

Trùm giang hồ Phi "đen" bị bắt giữ khi đang lẩn trốn tại cửa khẩu khẩu Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Ảnh: CACC

Tuy nhiên, khi quay lại đến Công ty bất động sản Cường Phát, nhóm người trên ô tô bị Lê Văn Phi cùng 15 đối tượng khác cầm hung khí tấn công gây thương tích. Sau đó, Phi cùng đồng bọn dùng dây điện trói tay, chân của một người trên xe ô tô rồi chở đến trước trụ sở Công an phường Dĩ An, thả xuống đất rồi rời đi.

Qua truy xét, Công an TP.Dĩ An đã tiến hành bắt giữ 15 đối tượng trong nhóm thanh niên gây án. Riêng Phi đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú và đến đến khu vực cửa khẩu Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) giáp ranh với nước Lào để lẩn trốn sự truy bắt của Công an Bình Dương.

Lê Văn Phi có biệt danh là Phi "đen", là đối tượng giang hồ có số má tại khu vực "tam giác đen", giáp ranh giữa TP.Dĩ An, Đồng Nai và TP.Thủ Đức của TP.HCM. Người này chuyên hoạt động bảo kê, đòi nợ thuê, từng có nhiều tiền án tiền sự về các tội danh cố ý gây thương tích, tổ chức đánh bạc, tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép, đe dọa giết người, cưỡng đoạt tài sản.

Hà Nội xuất hiện nhiều "ổ dịch": Người dân vẫn chủ quan, lơ là

Ghi nhận của PV Dân Việt trong ngày 15/11 cho thấy, tại nhiều nơi công cộng không khó để bắt gặp người dân không đeo khẩu trang. Hay tại các nhà hàng, quán ăn, việc quét mã QR dường như đã bị lãng quên vì chẳng ai nhớ hoặc nhớ nhưng vẫn cố tình không thực hiện.

Đáng chú ý, thời gian gần đây phải kể đến việc tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông khi đưa vào vận hành. Đỗ Thủy Trang (20 tuổi, Đông Mai, Hà Đông) chia sẻ: "Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức được đưa vào vận hành là niềm vui với một người con Hà Nội như mình. Tuy nhiên tôi cảm thấy thật đáng buồn và đáng lo khi nhiều bạn trẻ đến đây để chụp ảnh, quay video và lại tháo khẩu trang ra, cười cười, nói nói rất thản nhiên, trong khi TP hàng ngày vẫn xuất hiện rất nhiều trường hợp mắc Covid-19".

Hà Nội xuất hiện nhiều "ổ dịch": Người dân vẫn chủ quan lơ là, "coi thường" dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Nhiều tiểu thương tại đường Hoàng Hoa Thám không đeo khẩu trang khi bán hàng. Ảnh: Nguyệt Minh (chụp ngày 15/11).

Tại đường Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) rất nhiều tiểu thương không đeo khẩu trang hoặc đeo sai cách trong khi đây là khu vực tiếp xúc với rất nhiều người. "Tôi rất lo lắng khi ra đường gặp nhiều người không đeo khẩu trang. Đặc biệt là những nơi đông người như chợ, công viên. Ngoài ra, tôi còn thấy những quán ăn đông người, không hề đảm bảo khoảng cách giữa các khách hàng… việc này thực sự rất nguy hiểm khi hiện nay thành phố vẫn phải sống chung với dịch", bà Nguyễn Thị Dung (67 tuổi, Dịch Vọng, Cầu Giấy) bày tỏ.

Trên nhiều quận nội thành của Hà Nội như: Cầu Giấy, Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm mà PV Dân Việt ghi nhận, tình trạng không đảm bảo khoảng cách giữa khách hàng thường xuyên xảy ra tại các cửa hàng, quán ăn. Bên cạnh đó, việc quét mã QR cũng không được thực hiện theo đúng quy định của Thành phố tại một số nơi.

"Tôi thấy trong thời gian đầu, các cửa hàng trong thành phố thực hiện rất nghiêm túc về quy trình khai báo y tế, "check in, check out" bằng mã QR. Nhưng thời gian gần đây, quy trình này dường như không còn được chú trọng nữa. Tôi để ý có rất nhiều khách hàng không thực hiện khai báo y tế nhưng vẫn có thể tự do ra vào cửa hàng mua sắm, nhất là tại những cửa hàng kinh doanh thu hút nhiều người dân đến như siêu thị, trung tâm thương mai...", Nguyễn Thị Minh Ngọc (27 tuổi, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) cho hay.

Nhiều người dân được hỏi phần lớn đều cho rằng do đã được tiêm vaccine và tin tưởng vào chính sách của Nhà nước nên họ không còn cảm thấy lo lắng như trước, nhiều người cho rằng "cũng chỉ là bệnh cúm" nên tỏ ra chủ quan. "Không thể phủ nhận việc người dân không cần quá lo lắng, thế nhưng chủ quan có thể dẫn đến những hậu quả khó lường", một chuyên gia y tế của Hà Nội nói với PV Dân Việt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem