Chỉ sau hơn 20 ngày tiếp nhận hồ sơ mới đây, TAND TP.Hà Nội đã quyết định hoàn trả hồ sơ vụ án
Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm. Việc trả hồ sơ được thực hiện theo Quyết định số 02/HSST-QĐ ngày 3.1 của TAND TP.Hà Nội.
Tòa án Hà Nội cho rằng, chủ trương của HĐQT Ngân hàng ACB thể hiện rất rõ trong việc ủy thác cho 19 nhân viên gửi hơn 718 tỷ đồng vào Ngân hàng VietinBank - Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP.HCM.
Trong hành vi này, tòa xác định ông Phạm Trung Cang đã cùng một số bị can khác trong vụ án ký vào biên bản họp thường trực HĐQT ra chủ trương dùng tiền huy động để ủy thác cho nhân viên và các công ty gửi tiền VND cùng USD vào một số tổ chức tín dụng.
Tổng số tiền thiệt hại do 7 bị can gây ra trong vụ án này là hơn 1.695 tỷ đồng.
Việc làm này đã vi phạm Quyết định 16/2008/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về cơ chế điều hành lãi suất và Luật các Tổ chức tín dụng.
Trong quá trình hoạt động, ngày 24.1.2011, Ngân hàng ACB có quyết định bổ sung thành viên HĐQT là ông Huỳnh Quang Tuấn thay cho ông Phạm Trung Cang.
Tuy nhiên, ông Cang sau đó vẫn giữ các chức vụ là thành viên Hội đồng Tín dụng, Phó Chủ tịch Hội đồng Đầu tư của ACB, chính vì thế mà ông Cang vẫn ký tên vào văn bản với tư cách thường trực HĐQT ACB ủy thác cho nhiều cá nhân gửi tiền vào các tổ chức tín dụng, khi chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Đối với ông Huỳnh Quang Tuấn, tuy không tham gia vào chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền, nhưng biết rõ chủ trương của HĐQT. Và sau khi thay thế người tiền nhiệm, ông Tuấn đã ký vào biên bản họp HĐQT ngày 7.6.2011, trong đó có nội dung ủy thác gửi tiền, dẫn đến việc bị
Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt.
Do đó, tòa án cho rằng hành vi của ông Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn có dấu hiệu đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, song chưa được đề cập xử lý trong cáo trạng.
Đối với hành vi đầu tư cổ phiếu của Ngân hàng ACB gây thiệt hại hơn 687 tỷ đồng, tòa nhìn nhận, ngày 2.1.2009, thường trực HĐQT ACB đã họp và ra chủ trương cấp tín dụng cho Công ty ACBS để mua cổ phiếu của Ngân hàng ACB.
HĐQT ngân hàng này sau đó đã giao cho Lê Vũ Kỳ ra thông báo và giao cho
Nguyễn Đức Kiên tổ chức thực hiện. Quá trình điều tra, các bị can, trong đó có
Trần Xuân Giá đều thừa nhận thường trực HĐQT đã có chủ trương cấp tín dụng cho ACBS. Và thực tế là CQĐT đã đề nghị truy tố cả 6 bị can liên quan theo tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, nhưng cáo trạng chỉ truy tố hai bị can Lê Vũ Kỳ và
Nguyễn Đức Kiên ở hành vi này là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm…
Từ các phân tích này, TAND TP.Hà Nội đã ra quyết định trả hồ sơ nhằm làm rõ vai trò đồng phạm đối với hai ông Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, do đã tham gia vào quyết sách ủy thác cho nhân viên gửi tiền tiết kiệm.
Ngoài ra, Tòa án Hà Nội cũng đề nghị VKSND Tối cao xác định lại vai trò, mức độ của
Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang và Lý Xuân Hải vì có dấu hiệu đồng phạm với Lê Vũ Kỳ,
Nguyễn Đức Kiên ở hành vi đầu tư cổ phiếu.
“Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, bị can Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB bị truy tố về 4 tội danh, gồm: “Kinh doanh trái phép”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Trốn thuế “.
Hai bị can là Trần Ngọc Thanh - nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội và Nguyễn Thị Hải Yến - nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội bị truy tố cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Các bị can: Trần Xuân Giá - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang - đều nguyên Phó chủ tịch HĐQT ACB, Lý Xuân Hải - nguyên Tổng giám đốc ACB bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tổng số tiền thiệt hại do 7 bị can gây ra trong vụ án này là hơn 1.695 tỷ đồng” |
VOV (Theo VOV)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.