Trả lại tên cho rùa Hồ Gươm

Thứ tư, ngày 04/05/2011 17:31 PM (GMT+7)
Thành công trong xác định loài và giới tính của rùa Hoàn Kiếm, các nhà khoa học Việt Nam đang tiến tới giải mã toàn bộ gene và xây dựng sơ đồ tiến hóa của loài này. Hành trình giải mã gene được tiến hành như thế nào?
Bình luận 0

Tiến sĩ Lê Trần Bình, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết, thời điểm thu mẫu là ngày 4.4.2011. Mẫu thu từ cụ rùa gồm máu thấm vào đầu tăm bông, bông rửa vết thương có dính máu và tế bào, mảnh da nhỏ quanh mép vết thương.

Các nhà khoa học nhận định, rùa Hồ Gươm là cá thể cái. Kết quả phân tích mẫu gene cũng cho thấy chỉ xuất hiện những phân đoạn X (giống cái) rất đậm, không có sự xuất hiện của phân đoạn Y (giống đực).

img
Rùa Hồ Gươm được điều trị đặc biệt Ảnh: M.H.

Trong Sách Đỏ Việt Nam, rùa Hoàn Kiếm được xếp vào giống Pelochelys và là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao. Trong báo cáo của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, rùa này được phân loại là loài Rafetus swinhoei. Một tên gọi khác là Rafetus Leloii được PGS Hà Đình Đức đưa ra trong một tạp chí khảo cổ học.

Tiến sĩ Bình lý giải, một trong những lý do của sự khác biệt này là thiếu dữ liệu nghiên cứu có hệ thống đối với các mẫu vật sống hoặc chết.

Trong hành trình xác định chính xác tên loài của rùa Hoàn Kiếm, các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Sinh học nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của Bảo tàng Tự nhiên tại Vienne, Áo. Các nhà khoa học Áo đã cung cấp những mảnh xương mai thu thập từ tất cả các mẫu mô, thịt của loài giải Thượng Hải để các nhà khoa học Việt Nam phân tích gene và so sánh. Kết quả cho thấy, rùa Hoàn Kiếm không có chuỗi nhiễm sắc thể tương tự giải Thượng Hải.

Việc chẩn đoán phân loại chủ yếu dựa vào hình thái hộp sọ, xương hàm, kích thước cơ thể, đặc biệt là so sánh những đoạn DNA, trong đó các nhà khoa học chú ý so sánh với kết quả phân tích DNA của mẫu mô giải Thượng Hải thu được ở miền Bắc Việt Nam năm 1914 và lưu giữ trong Bảo tàng Tự nhiên, Áo.

Các mẫu xương sọ hay toàn bộ xương của rùa mai mềm khổng lồ được phát hiện và thu được tại nhiều địa điểm khác nhau thuộc khu vực sông Hồng, sông Mã, sông Đà cũng được xem xét. Kết quả so sánh những mẫu vật cho thấy, xương hàm rộng và tù hơn nhiều so với xương hàm hẹp và nhọn của loài giải Thượng Hải Rafetus swinhoei.

Ngoài ra, khi so sánh với mẫu gene đã phân tích trước đây của rùa ở Bảo tàng Hà Nội, rùa Quảng Phú (Thanh Hóa), các nhà khoa học cho thấy, những mẫu gene tạo thành một nhóm riêng hoàn toàn giống nhau. Điều này cho phép kết luận rùa Hồ Gươm cùng loại với mẫu rùa này.

Kết hợp với sơ đồ về địa điểm phân bố, các nhà khoa học đi đến kết luận, các mẫu rùa nước ngọt khổng lồ của Việt Nam có thể là một loài mới chưa từng được công bố. Loài mới này được đặt tên Rafetus Vietnamensis.

Tiến sĩ Bình cho biết, việc xác định loài và giới tính của rùa Hoàn Kiếm đã hoàn thành. Tới đây, các nhà khoa học Việt Nam sẽ tiếp tục giải mã toàn bộ gene của rùa Hoàn Kiếm để xây dựng quy trình tiến hóa, sau đó sẽ công bố với thế giới.

Rùa Hồ Gươm có ba đặc điểm chính gồm kích thước lớn; thân được bao phủ bởi một lớp mai mềm; chủ yếu sinh sống ở môi trường nước ngọt.

Trong 10 năm gần đây, loài rùa này được thông báo là bị săn bắt hoặc quan sát thấy xuất hiện tại nhiều khu vực đầm lầy thuộc ba con sông là sông Hồng, sông Mã, sông Đà.

Trong số các loại rùa mai mềm nước ngọt, rùa Hồ Gươm có vẻ lớn nhất. Kích thước rùa nước ngọt mai mềm khổng lồ thường đạt 1.500mm - 2.000mm, trọng lượng 85 - 220kg.

Màu sắc da của loài này thay đổi tùy theo điều kiện môi trường sinh thái. Rùa Hồ Gươm da có màu xanh u xám. Trong khi một số con sống tại các đầm khác da có màu xanh kaki. Màu da bụng thường là màu hồng.

Theo Tiền phong 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem