Trách nhiệm hình sự vụ dùng dao lao vào tiệm vàng để cướp ở Lạng Sơn

Quang Trung Thứ bảy, ngày 22/10/2022 08:16 AM (GMT+7)
Chuyên gia pháp lý cho rằng, trong vụ dùng dao lao vào tiệm vàng để cướp ở Lạng Sơn, dù đối tượng chưa thực hiện được hành vi lấy tài sản nhưng vẫn có thể bị xử lý hình sự.
Bình luận 0

Dùng dao lao vào tiệm vàng để cướp ở Lạng Sơn

Công an Lạng Sơn cho biết, vào khoảng 12 giờ 40 trưa ngày 20/10, một đối tượng cầm dao nhọn xông vào tiệm vàng bạc, cầm đồ Liễu Hiền (đường Lê Lợi, phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn) nhằm cướp tài sản.

Trách nhiệm hình sự vụ dùng dao lao vào tiệm vàng để cướp ở Lạng Sơn - Ảnh 1.

Tieenmj vàng ở Lạng Sơn nơi xảy ra vụ cướp. Ảnh: CTV

Tuy nhiên khi vào trong cửa hàng, đối tượng đã bị chủ cơ sở và người nhà giằng co, chống trả làm đối tượng bị thương, đồng thời hô hoán người dân ứng cứu. Sau đó đã khống chế được đối tượng và báo cho lực lượng chức năng đến bắt giữ.

Công an tỉnh Lạng Sơn cũng cho biết, nhận định ban đầu có 2 đối tượng tham gia vụ cướp này và đã bắt được 1 đối tượng nhưng chưa xác minh được danh tính do đối tượng đang bị thương phải cấp cứu.

Nhờ khống chế kịp thời nên đối tượng chưa thực hiện được mục đích của mình và hiện vụ việc đang được điều tra làm rõ.

Chưa cướp được vàng nhưng vẫn có thể bị xử lý hình sự?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, trong vụ việc này, dù đối tượng chưa cướp được vàng nhưng có thể vẫn bị xử lý về tội cướp tài sản.

Bởi, theo quy định của pháp luật, hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cướp tài sản" theo quy định tại Điều 168 Bộ luật hình sự 2015.

Theo ông Cường, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của nhân viên bán vàng được thực hiện như thế nào, mục đích của hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần đối với nạn nhân có nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản hay không.

Hậu quả của hành vi sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực ngay tức khắc đó đã khiến nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự được hay không.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi là đe dọa uy hiếp tinh thần của nhân viên bán vàng khiến nhân viên bán hàng sợ hãi, không dám chống cự, hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần này là nhằm chiếm đoạt số vàng đang xem, hành vi của đối tượng có thể bị xử lý về tội cướp tài sản.

Vị chuyên gia cho rằng, trong vụ án này, việc xác định hành vi sử dụng vũ lực và trạng thái tâm lý của nạn nhân đã rơi vào tình trạng không thể chống cự được hay chưa là yếu tố quan trọng để xác định tội danh, làm cơ sở quyết định hình phạt theo quy định của pháp luật.

Hậu quả của hành vi sử dụng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản là khiến nạn nhân rơi vào tình trạng "không thể chống cự được" và đối tượng dễ dàng chiếm đoạt tài sản (do nạn nhân không còn khả năng kháng cự).

Còn trường hợp đối tượng sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm chiếm đoạt tài sản nhưng nạn nhân chưa rơi vào tình trạng "không thể chống cự được"(mất khả năng khẳng phản kháng, tê liệt ý chí) mà lại thực hiện hành vi phản kháng, chống trả lại để bắt giữ đối tượng, đối tượng vẫn bị xử lý về tội cướp tài sản nhưng sẽ được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là "phạm chưa đạt, chưa hoàn thành".

Còn nếu đối tượng thực hiện hành vi sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực ngay tức khắc dẫn đến hậu quả nạn nhân tê liệt ý chí, không còn khả năng kháng cự và đối tượng dễ dàng chiếm đoạt tài sản, lúc này hành vi đã thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu cấu thành của tội cướp tài sản (thuộc trường hợp phạm tội đã đạt đã hoàn thành) nên đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự với chế tài nghiêm khắc nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem