Cha truyền con nốiÔng Lê Huy Chuyền – Chủ tịch Hội ND xã Thiệu Châu cho biết: “Bánh đa là nghề truyền thống của làng Minh Châu, với lịch sử hàng trăm năm. Tới giờ, nghề đã phát triển rất mạnh nhờ người dân làm ăn giữ chữ tín và giữ nghề”.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (thôn 9) tráng bánh đa bằng tay đạt “công suất” hơn 1.000 bánh/ngày.
Ông Chuyền dẫn chúng tôi đến gia đình chị Nguyễn Thị Châm, anh Phùng Bá Hải ở thôn 7. Anh Hải cho biết: “Người dân làng Chòm nơi đây ai ai cũng biết làm nghề, phụ nữ thì tráng bánh, đàn ông thì giao hàng xay bột; những người già thì ngồi quạt bánh đa, trẻ con trong làng mới đi học cũng đã giúp bố mẹ đếm bánh”. Như vậy, làng nghề bánh đa đã tạo công ăn việc làm cho mọi lứa tuổi từ người già đến trẻ nhỏ.
Ngồi trò chuyện, ông Chuyền cho biết thêm: “Trung bình mỗi hộ gia đình trong làng làm khoảng 1.000 chiếc/ngày. Bánh đa bán với giá 4.000 đồng/chiếc loại dày. Bánh đa nem giá 3.000 đồng/1 cuốn(10 cái)”. Từ nghề làm bánh đa, bánh đa nem mà hơn 80% số hộ trong làng đã có điều kiện kinh tế khá giả, 100% hộ ở nhà mái ngói, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa...
Sản phẩm làng vươn xaSau hàng trăm năm, người dân làng Chòm đã coi nghề tráng bánh đa là nghề chính chứ không chỉ đơn thuần là nghề phụ lúc nông nhàn. Làng nghề sản xuất ra hai loại bao gồm bánh đa (có địa phương gọi là bánh khô, hoặc bánh tráng) và bánh đa nem.
Chị Lê Thị Hà (40 tuổi) thôn 8, được đánh giá là người giỏi nghề. Chị chia sẻ: “Làng nghề hiện nay học nhau là chính, vì bí quyết làm cũng đơn giản, chỉ là pha bột cho khéo và tráng bánh cho đều tay. Bố mẹ tôi được ông nội truyền nghề. Năm 12 tuổi, tôi được mẹ dạy tráng bánh đến nay đã làm được gần 30 năm”.
Làng Chòm có 500 hộ dân với 2.000 nhân khẩu, 70% số hộ dân trong làng làm bánh đa.
|
Mỗi nghề có một đặc thù riêng, nghề bánh đa cũng trải qua rất nhiều công đoạn, từ chuẩn bị nguyên liệu, tráng bánh đến hong bánh. Chị Hà tay thì tráng bánh nhưng vẫn tươi cười tiếp chuyện: “Trời nắng to thì luôn tay, luôn chân vì phải tráng nhanh phơi cho được nắng thì bánh đa quạt lên sẽ giòn và thơm hơn. Trong gia đình chị, các khâu xay bột, tráng bánh, phơi bánh đều được “chuyên môn hóa” tới mức, như chị nói: “Chỉ cần thiếu một chân là ngay lập tức sẽ bị đình trệ và không bảo đảm được tiến độ nữa”.
Bánh đa làng Chòm trước chỉ bán quanh xã, quanh huyện, nhưng giờ đã vươn xa bán sang các tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng... và bước đầu xuất khẩu sang Lào, Thái Lan, Ba Lan. Ông Chuyền bày tỏ: “Để phát triển hơn và có vị thế đứng trên thị trường thì làng Chòm đang vận động để có chính sách mở rộng quy mô làng nghề, và đăng ký thương hiệu để đưa sản phẩm đi xa hơn nữa”.
Đào Nhâm (Đào Nhâm)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.