Trạm thu giá BOT, không thể tùy tiện thay đổi tên gọi!

PV Thứ tư, ngày 23/05/2018 15:30 PM (GMT+7)
Việc đổi tên gọi thành Trạm thu giá BOT, theo chuyên gia pháp lý, thay đổi thẩm quyền quản lý, điều chỉnh mức phí và tên gọi của các khoản chi phí phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, không thể tùy tiện thay đổi và sử dụng tên gọi khác dẫn đến hiểu nhầm, hiểu sai bản chất của thuật ngữ pháp lý.
Bình luận 0

Nhiều bạn đọc đang thắc mắc việc đổi tên “Trạm thu phí” thành “Trạm thu giá” có thay đổi bản chất thu tiền của các trạm BOT hay không? Tại sao phải có sự thay đổi này?

Chuyên viên pháp lý Lê Thị Hòa – đại diện Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn lý giải việc thay đổi tên gọi của Trạm thu phí BOT dưới góc độ pháp lý như sau:  

Theo quy định của Luật Phí và Lệ phí số 97/2017/QH13 ngày 25.11.2015 có hiệu lực ngày 1.1.2017 xác định: “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được quy định trong Danh mục phí”.

img

Bộ GTVT đã chuyển các Trạm thu phí BOT thành Trạm thu giá BOT. IT

BOT còn gọi là Hợp đồng xây dựng - Kinh doanh - chuyển giao, là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng, sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Phí BOT đường bộ được hiểu là khoản phí mà người tham gia giao thông đường bộ phải trả để chủ đầu tư bù đắp các chi phí mà chủ đầu tư đã xây dựng công trình giao thông.

Theo Phụ lục số 02 về Danh mục các sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do nhà nước định giá ban hành kèm theo Luật Phí và Lệ phí năm 2015 xác định “Phí sử dụng đường bộ” được đổi tên thành “Dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh”.

Thông tư hướng dẫn số 35/2016/TT- BGTVT quy định về mức giá sử dụng dịch vụ đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý xác định:

Dịch vụ sử dụng đường bộ là việc các phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ được đầu tư để kinh doanh.

Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ (sau đây gọi tắt là trạm) là nơi thực hiện việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông

Như vậy, xét về bản chất, giá dịch vụ BOT và phí dịch vụ BOT đều là khoản chi phí mà người tham gia giao thông đường bộ phải chi trả để nhà đầu tư hoặc cơ quan nhà nước bù đắp chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông.

img

Việc thay đổi tên trạm không ảnh hưởng tới bản chất khoản dịch vụ phải chi trả

Do đó, dù tên gọi là phí BOT hay giá BOT nhưng về bản chất là cùng một loại chi phí, vì vậy việc thay đổi thông tin trên các trạm BOT xét về hình thức là đúng với quy định mới hiện hành. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố bắt buộc và việc giữ nguyên tên gọi “Trạm phí BOT” cũng không ảnh hưởng tới bản chất của khoản dịch vụ phải chi trả này.

Cùng với đó, ngày 1.1.2017, Nghị định số 149/2016/NĐ_CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá xác định rõ về thẩm quyền và trách nhiệm định giá của các cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, Điểm e Khoản 2 Điều 8 Nghị định này xác định Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm quy định giá đối với dịch vụ sử dụng đường bộ gồm: “đường quốc lộ, đường cao tốc các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh...”.

Như vậy, thẩm quyền quy định về mức giá cụ thể đối với BOT đường bộ đã được chuyển giao từ Bộ Tài chính sang Bộ GTVT kể từ ngày 1.1.2017.

Việc thay đổi thẩm quyền quản lý, điều chỉnh mức phí và tên gọi của các khoản chi phí phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, không thể tùy tiện thay đổi và sử dụng tên gọi khác dẫn đến hiểu nhầm, hiểu sai bản chất của thuật ngữ pháp lý.

Trong trường hợp này, các nhà làm luật đã rất máy móc trong cách hiểu dẫn đến máy móc trong cách dùng từ, khiến người dân hiểu sai, hiểu không chính xác về “trạm thu giá BOT”. Việc thay đổi cơ quan có thẩm quyền quản lý, đề xuất chi phí BOT tuy có thay đổi về tên gọi, cơ quan trực tiếp quản lý nhưng về bản chất không làm thay đổi mục đích thu phí của các trạm BOT.

Về mức phí thu BOT cũng như cách thức thu phí có thể sẽ có những điều chỉnh nhất định dựa trên cơ sở thực tế và kiến nghị trực tiếp của người tham gia giao thông sao cho phù hợp với thực tiễn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem