Trần tình của những “khổ chủ” gây ra nợ xấu

Trần Giang Thứ tư, ngày 24/05/2017 07:10 AM (GMT+7)
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đã gọi ông Nguyễn Văn Thắng, ông Nghiêm Xuân Thành… bằng cái tên “khổ chủ gây ra nợ xấu”. “Khổ chủ” là một từ ghép diễn tả đầy đủ nỗi khổ của các ngân hàng khi đi “gõ cửa” từng cơ quan công quyền như công an, toà án, thi hành án, thậm chí cả khách hàng để xử lý nợ xấu.
Bình luận 0

Trong khi Quốc hội đang bàn về Nghị quyết xử lý nợ xấu với nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là nhiều quan điểm cho rằng nợ xấu là do ngân hàng gây ra, việc xử lý nợ xấu là trách nhiệm của ngân hàng. Tuy nhiên, câu chuyện về nợ xấu hãy để cho những “khổ chủ” có vài lời trần tình.

Cho vay nghìn tỷ, khó thu được 500 triệu

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết với tốc độ xử lý tài sản đảm bảo qua toà hiện nay, mức độ tổn thất của ngân hàng ngày càng lớn. Hiện nay mỗi vụ án kéo dài đến 2 năm, thậm chí, có vụ đợi 18 tháng kể từ ngày nộp đơn mới có phiên hoà giải đầu tiên.

Ông Thành cho biết, Vietcombank có một khách hàng ở Nhà Trang vay hơn 1000 tỷ đồng và giữ tài sản đảm bảo để cho thuê mỗi năm thu từ 70 – 100 tỷ đồng nhưng chây ì không chịu trả lại cho ngân hàng. Còn ngân hàng nộp đơn lên toà và đợi 18 tháng mới có phiên hoà giải đầu tiên.

“Khách hàng chây ì không chịu trả tài sản đảm bảo hơn 3 năm rồi, trong khi tài sản thì bị khấu hao, còn ngân hàng tìm được khách hàng mua lại tài sản đảm bảo nhưng không xử lý được. Với tình hình này, 5 năm nữa không biết ngân hàng có thu được 50% giá trị khoản vay hay không”, ông Thành bức xúc.

Ông Thành cho biết thêm, hiện Vietcombank có 790 vụ xử lý tài sản đảm bảo chuyển qua tòa án. Các cơ quan toà án này mai xử lý sẽ mất nhiều thì giờ.

img

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank

“Còn 98 vụ đã gửi qua, tòa đã thụ lý nhưng chưa đưa ra xét xử. Tố tụng tại tòa thì phức tạp, mất 2 năm qua tòa mới giải quyết xong tranh chấp chứ chưa xử lý. Ví như vụ của Công ty An Phúc ở Bình Dương đến năm 4-5 rồi mà chưa thi hành án”, ông Thành cho biết.

Ông Thành cho rằng nếu xử lý nợ xấu mà chậm thì có nhiều hệ lụy đến nền kinh tế. “Nợ xấu có câu hỏi nguyên nhân từ đâu? Nợ xấu nếu hiểu đúng bản chất thì nợ xấu là doanh nghiệp, khách hàng được trả được nợ chứ không phải là nợ xấu gắn với ngân hàng. Nếu khách trả được nợ thì làm gì có nợ xấu ngân hàng”, ông Thành giải thích.

Theo ông Thành, nguyên nhân gây ra nợ xấu chính là do khả năng nội tại nền kinh tế. Các quốc gia phát triển thì nợ xấu thấp. Các quốc gia kinh tế vĩ mô có vấn đề thì nợ xấu cao. “Việt Nam trong 10 năm qua được đánh giá là nền kinh tế khó khăn nhất, hàng nghìn doanh nghiệp phá sản thì gây ra nợ xấu”, ông Thành giải thích.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank, thừa nhận một trong những tồn tại lớn nhất của ngành ngân hàng đó là nợ xấu. Nguyên nhân gây ra nợ xấu có nhiều, từ người vay vốn, từ phía ngân hàng, yếu tố bất ổn của nền kinh tế hay yếu tố khách quan như thiên tai địch hoạ.

Nợ xấu còn đến từ khách hàng có tình hình tài chính không tốt, năng lực tài chính yếu, hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, vốn chủ sở hữu nhỏ, năng lực quản trị yếu…Nợ xấu còn đến từ việc tăng trưởng tín dụng nóng của một số ngân hàng trong thời gian qua khi quản trị rủi ro chưa tốt.

“Có một phần nợ xấu phát sinh từ rủi ro đạo đức của nhân viên ngân hàng và nhiều cán bộ ngân hàng đã phải trả giá. Với những nguyên nhân đó, ngành ngân hàng rất mong chờ sự hoàn thiệt về mặt cơ chế chính sách để hỗ trợ ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu phát sinh trong thời gian qua”, ông Thắng nêu quan điểm.

Đừng biến ngân hàng thành người hành khất

Về vấn đề xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Đức Hưởng, Cố vấn cấp cao LienVietPostBank, cho rằng mọi người cần phải có cái nhìn khách quan. Ngân hàng đang làm cho ai trong suốt thời gian qua?

“Hơn 50% dư nợ tín dụng (tương đương gần 6 triệu tỷ đồng) từ ngân hàng, trong đó, 2 đồng dư nợ đang làm ra 1 đồng GDP. Chúng ta phải nhìn khách quan, đừng nhìn phiến diện, ngân hàng có phần gây ra nợ xấu, nhưng ai làm người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật rồi”, ông Hưởng phân tích.

Điểm gây lo lắng cho những người làm nhà băng như ông Hưởng đó là trong  2 điểm nếu Nghị quyết về xử lý nợ xấu vừa trình Quốc hội nêu ra có giới hạn thời gian xử lý nợ xấu từ 31.12.2016 trở về trước thì lăng kính phản ánh tín dụng nếu giới hạn như thế thử hỏi từ năm 2017 có nợ xấu không?

img

TS. Nguyễn Đức Hưởng, Cố vấn cao cấp LienVietPostBank

“Tôi xin khẳng định suốt 100 năm sau vẫn có nợ xấu. 2017, 2018 vẫn sẽ có nợ xấu. Vậy nếu Nghị quyết chỉ giới hạn thời gian trở về trước thì chẳng khác nào đẽo cày giữa đường. Thấy ai đi qua góp ý lại thu bé lại”, ông Hưởng nói.

Điểm băn khoăn nữa là quyết định thu giữ tài sản chỉ có nếu chủ tài sản đồng thuận thì xử lý; nếu không đồng thuận thì trình ra toà theo hồ sơ rút gọn.

“Chúng tôi phải đi xin, gõ cửa khách hàng để đòi nợ. Giả sử là tôi là người đi vay, thấy quy định rõ không đồng ý cho thu tài sản thì cho ra toà, vậy thì tội gì không làm. Nếu làm thế này không bao giờ có một cái Nghị quyết. Xử lý nợ xấu đừng biến ngân hàng thành người hành khất”, ông Hưởng trần tình.

Theo diễn giải của ông Hưởng, nếu không cho phép ngân hàng thu giữ và xử lý tài sản thế chấp thu hồi nợ xấu thì dễ dẫn tới tình huống: ngân hàng đi "lạy" công an, "lạy" tòa án, cầu xin thi hành án, từ chủ nợ biến thành con nợ, khi cho vay thì đứng còn khi đi đòi nợ thì "quỳ"... mất rất nhiều thời gian, chi phí tăng lên, nợ xấu tích tụ lại thành "cục máu đông".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem