Rùng mình đón cháu nội về sau 1 tháng học làm kỷ lục gia
Sau quãng thời gian thâm nhập vào hệ thống giáo dục của trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt, nhóm phóng viên đã trực tiếp gặp các phụ huynh có con, em đã và đang học ở đây.
Đó là trường hợp của gia đình ông D, bà N (Hoàng Mai, Hà Nội). Cách đây vài tháng, thông qua mạng, gia đình ông bà biết đến trung tâm Tâm Việt.
Tin vào những lời quảng cáo hào nhoáng về tương lai tươi sáng của trẻ tự kỷ, bà N và con dâu khăn gói đưa cháu lên nhập học, thời điểm trung tâm còn đóng tại Phú Xuyên (Hà Nội).
Bà không ngờ, cháu trai mình phải chịu những hậu quả nặng nề sau chuỗi ngày học làm ‘kỷ lục gia’.
Gặp ông D. tại nhà riêng, ông chia sẻ: ‘Nếu có con em định cho vào đó học, tôi khuyên các chị dừng lại. Cháu nội tôi để đó thêm một tháng có khi chết’. Ông khẳng định, sự chăm sóc của trung tâm với trẻ vô cùng kém.
Ông T.N.D bức xúc khi kể lại thời gian cháu nội mình theo học ở Tâm Việt.
Cháu nội ông D tên là T.N.V.D (11 tuổi), mắc hội chứng tự kỷ. Theo ông, trước khi đưa V.D vào trung tâm, cậu bé khỏe mạnh, trắng trẻo. ‘Tháng 6 vừa rồi, gia đình tôi biết đến trung tâm này thông qua các trang web trên mạng. Người đứng đầu là tiến sĩ, còn quảng bá có đội ngũ trình độ, bằng cấp cao.
Thấy họ giới thiệu đào tạo xiếc, dạy một cháu trai từ chỗ mắc tự kỷ nặng trở thành kỷ lục gia. Khắp các trang đều đưa trường hợp cháu bé đó quảng cáo nên chúng tôi hoàn toàn tin tưởng.
Cháu tôi học ở đó 1 tháng, trường cấm phụ huynh không được thăm, tiếp xúc. Họ phân tích là gặp nhiều, khiến cháu nhớ nhung, sao nhãng việc dạy và học. Mong con mình muốn khỏi tự kỷ, làm được mọi thứ, gia đình nghe theo.
Mẹ cháu lên thăm con, chảy nước mắt mà chỉ dám đứng ở gốc cây, thấy con đạp xe ở ngoài sân mà không dám gọi’.
Ngày đưa cậu bé lên học, trung tâm nói sẽ có ‘một kèm một’, tức là 1 giáo viên kèm 1 học sinh, chi phí 10 triệu/tháng, chưa kể ăn uống. Tuy nhiên, thực tế khác biệt so với lời chào đón ban đầu với gia đình học sinh.
Hơn 1 tháng nhập học tại Tâm Việt, gia đình được trung tâm gọi điện thông báo lên đón cháu V.D vì sức khỏe không ổn.
Theo lời ông D., sau thời gian cháu ông học ở trung tâm này, sức khỏe bị suy kiệt
‘Tôi đón cháu về cháu đã'thân tàn ma dại. Lúc này, sức khỏe cháu suy kiệt, mặt mũi sưng húp, tất cả phần da không có quần áo che bị chi chít hàng trăm vết muỗi đốt. Mỗi bước đi, cháu đều ôm bụng, gào khóc. Cháu sụt 4kg”, ông D cho biết.
Phía gia đình thắc mắc, phản ánh với trung tâm, đề nghị gặp giám đốc làm rõ nhưng chỉ nhận được câu trả lời: ‘Chúng tôi không biết’, ‘Giám đốc đi vắng’…
Gia đình đưa về Hà Nội, vội đến bệnh viện Da liễu Trung ương và bệnh viện Nội tiết thăm khám.
Kết quả xét nghiệm, chẩn đoán tại bệnh viện nội tiết cho thấy cháu nhiễm vi khuẩn HP. Cháu điều trị hơn 1 tháng, sức khỏe mới bắt đầu bình phục.
“Cháu nội tôi từng học qua các trung tâm dạy trẻ tự kỷ ở Hà Nội và Đà Nẵng nhưng chưa bao giờ thấy nơi nào kinh khủng như trung tâm Tâm Việt”, ông D bức xúc chia sẻ với phóng viên.
Tiết lộ của nhà chùa nơi Tâm Việt đưa trẻ tự kỷ ở nhờ hơn 4 tháng
Theo tiết lộ của một người làm trong trung tâm Tâm Việt, nhóm phóng viên được biết, ngoài địa chỉ ở Từ Sơn (Bắc Ninh), cơ sở từng có thời gian đóng tại một ngôi chùa ở xã Trung Mỹ (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc).
Trong vai phụ huynh của trẻ tự kỷ tìm trường học cho con, chúng tôi đã đến chùa, nhằm tìm hiểu rõ hơn về trung tâm Tâm Việt.
Ban ngày, vị đại diện chùa đi vắng, chỉ có vài chú tiểu và các phật tử đang dọn dẹp, trông nom chùa. Thấy có người hỏi thăm về trung tâm Tâm Việt, chị K.L (phật tử) cho hay, Trung tâm chỉ hoạt động ở chùa vài tháng. Người phụ nữ kể, thời điểm đó, trung tâm Tâm Việt có khoảng 70 học sinh. Trung tâm này liên hệ và gửi lên chùa 20 học sinh nhưng chỉ có 2 giáo viên đi cùng.
Thu bạc triệu mỗi tháng nhưng sự quan tâm, chăm sóc của Tâm Việt với học sinh hoàn toàn bị bỏ ngỏ
‘Sau Tết Nguyên đán 2019, 20 cháu dọn về chùa sinh hoạt. Tôi biết mức học phí cao nhất ở đây là khoảng 20 triệu/tháng, hàng ngày thấy các cháu chỉ được tập tung bóng, đi xe đạp 1 bánh.
Theo người phụ nữ này, mọi chi phí ăn uống, điện, nước… phía nhà chùa hỗ trợ 100%. Trụ trì chùa còn xây một khu nhà phía sau chùa, đầy đủ tiện nghi cho trẻ của trung tâm ở.
‘Khi ở chùa, mỗi lần trung tâm muốn đưa các con đi biểu diễn ở đâu, thầy đều yêu cầu phải báo cáo, xin phép để thầy nắm được lịch trình, phòng xảy ra sự cố trên đường đi. Mỗi lần như vậy, phía trung tâm đều đưa lên tờ giấy báo cáo lịch trình và người đại diện ký tên, đóng dấu có tên là T.’, chị K.L nói.
8 giờ tối, chúng tôi tiếp tục quay lại chùa Thanh Lanh một lần nữa, gặp sư trụ trì chùa.
Vị đại diện chùa cho hay: ‘Người đứng đầu Tâm Việt là ông V. quen tôi qua mạng xã hội. Ông nhờ tôi cho các cháu lên chùa học khóa tu dã ngoại. Tôi thương các con, tạo điều kiện cho trung tâm để các con học và ăn ở tại chùa.
Ban đầu trung tâm chỉ đăng ký ở 3 tháng. Hết 3 tháng, tôi báo trung tâm đưa các cháu về. Các phụ huynh đặt vấn đề với tôi cho các cháu ở thêm 3 tháng nữa.
Tuy nhiên, ở thêm 1 tháng rưỡi, đại diện Tâm Việt lên xin cho các con về Bắc Ninh. Trung tâm họ kinh doanh, mỗi tháng thu hàng chục triệu đồng/cháu/tháng của phụ huynh. Trong lúc đó, nhà chùa cho các cháu ăn ở, sinh hoạt hoàn toàn miễn phí, không phải đóng góp bất cứ khoản nào.
Hiện nhà chùa đang nuôi một chú tiểu, mắc chứng tự kỷ. Trước cháu học ở Tâm Việt một thời gian nhưng sau này Tâm Việt chuyển đi, mẹ chú tiểu xin tôi cho ở lại chùa’.
Sư trụ trì chùa cũng chia sẻ, ngày mới về chùa, các cháu trong trung tâm chỉ được vệ sinh qua quýt, không dùng xà phòng tắm, gội…, vào nhà tắm xối nước rồi đi ra. Để đảm bảo vệ sinh cá nhân, vị đại diện chùa yêu cầu giáo viên hướng dẫn các cháu dùng xà phòng. Tuy nhiên, họ chỉ ‘vâng, dạ’ rồi để đấy.
Họ ở chùa tôi hơn 4 tháng, họ có giấy phép hoạt động hay không, tôi không biết. Tôi chỉ nhận các cháu vào tu học’.
Nhóm Phóng viên (Vietnamnet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.