Trồng cây ăn trái xuất khẩu ở Đắk Nông, vì sao quả vào nhà lắp điều hòa vẫn thối, do khâu bảo quản yếu?

Thứ năm, ngày 21/04/2022 14:04 PM (GMT+7)
Đắk Nông có nhiều loại nông sản tươi (trong đó có măng cụt xuất khẩu) cần được bảo quản để bảo đảm chất lượng trước khi đưa ra thị trường. Thế nhưng, trên thực tế, bảo quản nông sản hiện vẫn là khâu yếu và người dân, doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ.
Bình luận 0

Trang trại Gia Ân là một địa chỉ sản xuất, cung ứng quả măng cụt tươi và một số sản phẩm trái cây khác lâu năm tại xã Đắk Nia (Gia Nghĩa). Khi chưa xuất hiện dịch bệnh Covid-19, khoảng 80% sản lượng cái cây được trang trại liên kết xuất khẩu với giá cao; 20% còn lại tiêu thụ ở thị trường nội địa.

Thế nhưng, hơn 2 năm nay, dịch bệnh Covid-19 đã khiến việc tiêu thụ sản phẩm của trang trại Gia Ân bị ảnh hưởng rất nhiều. Từ chỗ sản phẩm phục vụ xuất khẩu là chủ yếu, trang trại phải quay về tiêu thụ ở nội địa.

Một số thời điểm, măng cụt không tiêu thụ được, nên trang trại bắt buộc phải cấp đông bảo quản. Không có kho lạnh, trang trại buộc phải tận dụng căn phòng kín khoảng 10m2, lắp máy điều hòa để bảo quản măng cụt và các loại trái cây.

Thế nhưng, biện pháp này cũng không đáp ứng được yêu cầu, vì sản lượng hoa quả của trang trại nhiều thời điểm là rất lớn. Do đó, một lượng lớn sản phẩm măng cụt và các loại trái cây tươi không tiêu thụ được đã không kịp bảo quản, dẫn đến kém chất lượng, thậm chí hư hỏng, gây thiệt hại.

Theo ông Trần Quang Đông, chủ trang trại Gia Ân, nhu cầu về kho lạnh bảo quản sản phẩm măng cụt và các loại trái cây tươi của trang trại hiện rất lớn. Cụ thể, mỗi năm trang trại có khoảng 50-70 tấn măng cụt, hàng trăm tấn bơ, sầu riêng cần được bảo quản.

Để đầu tư được hệ thống kho lạnh bảo quản lượng sản phẩm như vậy, trang trại chưa đủ khả năng. "Phải cần số vốn lên đến hàng chục tỷ đồng để đồng bộ hạ tầng, máy móc, đường điện vào nhà kho. Trang trại không đủ tiềm lực”, ông Đồng chia sẻ.

Tại Đắk Song, Công ty TNHH Thái Thịnh cũng đang thu mua, chế biến các sản phẩm trái cây như sầu riêng, chanh dây, bơ...với số lượng hàng trăm tấn mỗi năm.

Vài năm trước, Công ty đã đầu tư hệ thống 4 kho lạnh, với tổng diện tích khoảng 300m2. Thế nhưng, thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khi Công ty tăng quy mô thu mua nguyên liệu.

"Nhốt" thứ trái đặc sản xuất khẩu này trong phòng 10m2 kín mít, dù lắp điều hòa, doanh nghiệp vẫn tiếc đứt ruột - Ảnh 1.

Công ty TNHH Thái Thịnh (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) muốn đầu tư thêm 3 kho lạnh để tăng quy mô thu mua nông sản, trong đó có trái cây tươi.

Theo ông Nguyễn Hàm Thái, Giám đốc Công ty TNHH Thái Thịnh, nếu như có kho lạnh đáp ứng nhu cầu, Công ty có thể tăng nguồn nguyên liệu đầu vào nhiều hơn nữa.

"Công ty tăng đầu vào sẽ giúp nhà nông tiêu thụ được sản phẩm. Nhưng kho lạnh không đủ, nên một số thời điểm, Công ty phải giảm lượng thu mua, ảnh hưởng tới đầu ra của nhà nông", ông Thái cho biết.

Cũng theo ông Thái, nhu cầu mở rộng thêm kho lạnh của Công ty là rất lớn, thêm khoảng 3 kho nữa. Do đó, Công ty mong muốn được hỗ trợ, nhất là về vốn, để đầu tư kho bãi một cách bài bản, giúp nâng cao năng lực thu mua, chế biến nông sản.

Theo Sở NN - PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 26 kho lạnh bảo quản nông sản. Phần lớn các kho lạnh đều được người dân đầu tư dưới dạng thông sơ, công suất còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản của tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy bảo quản nông sản chuyên nghiệp, có quy mô đủ phục vụ bảo quản sản phẩm cho nông dân. Đây chính là "lỗ hổng" lớn trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhiều năm qua.

Không được bảo quản tốt, nhiều loại sản phẩm nông nghiệp trở nên kém giá trị. Thậm chí, một số loại sản phẩm có thời vụ thu hoạch ngắn như sầu riêng, bơ, chuối, măng cụt, chanh dây... khi gặp sự cố thị trường dễ bị hư hỏng, gây thiệt hại lớn.

Để khắc phục vấn đề này, tỉnh đang kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án chế biến, bảo quản nông sản quy mô lớn. Tỉnh cũng có các chương trình, chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Thế nhưng, theo nhiều bà con nông dân, khi chưa có các dự án quy mô, việc hỗ trợ để người dân tự đầu tư, phát triển hệ thống các kho bảo quản nông sản là rất cần thiết.

Bởi vì điều đó sẽ khơi dậy được tiềm năng, sự chủ động của người dân trong việc đầu tư hạ tầng, kỹ thuật phục vụ sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Hồng Thoan (Báo Đắk Nông)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem