Trao vốn tín dụng chính sách của Chính phủ đến nông dân khởi nghiệp trên địa bàn Hà Nội

Thu Hà Thứ ba, ngày 18/04/2023 18:38 PM (GMT+7)
Bám sát mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) TP Hà Nội đã tích cực củng cố, nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác cho vay vốn tín dụng chính sách qua các tổ chức chính trị - xã hội.
Bình luận 0

Hỗ trợ vốn vay Ngân hàng CSXH cho hội viên khởi nghiệp

Với mô hình trồng hoa, cây cảnh, cây công trình, anh Đàm Thanh Tùng (ở thôn Trung Quang, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) là điển hình sử dụng hiệu quả vốn vay Ngân hàng CSXH. Anh Tùng cho biết, khi khởi nghiệp anh được Huyện đoàn Gia Lâm giới thiệu để Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho vay 40 triệu đồng đầu tư trồng hoa, cây cảnh, cây công trình.

Năm 2021, anh Tùng tiếp tục được vay thêm vốn từ chương trình giải quyết việc làm với số tiền 50 triệu đồng để mở rộng diện tích sản xuất. Đến nay, trang trại trồng hoa, cây cảnh của anh Tùng có quy mô lên đến hàng chục nghìn cây, cho thu nhập ổn định.

Cũng thông qua nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH, Hội ND xã Đa Tốn (Gia Lâm) đang có 192 hộ hội viên được vay vốn tạo việc làm, phát triển kinh tế với tổng số hơn 10,7 tỷ đồng. Điển hình như hộ ông Trần Chí Nguyện (ở thôn Thuận Tốn) được vay 50 triệu đồng, đầu tư trồng bưởi Diễn trên diện tích 1 mẫu. Hay như bà Nguyễn Thị Liên (ở thôn Khoan Tế) vay 50 triệu đồng, đầu tư xây dựng trang trại vườn - ao, cho hiệu quả kinh tế cao.

“Cầu nối” đưa vốn tín dụng đến với nông  dân - Ảnh 1.

Mô hình trồng hoa cây cảnh, trồng hoa giấy của nông dân xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội được Ngân hàng CSXH đầu tư vốn. Nghề trồng hoa giấy đang mang lại thu nhập cao cho nông dân xã Phù Đổng với tổng doanh thu từ hoa giấy của các xã lên tới cả trăm tỷ đồng/năm. Ảnh: Thu Hà

Trao vốn tín dụng đến nông dân khởi nghiệp - Ảnh 2.

Chủ tịch Hội ND xã Đa Tốn Lê Thanh Phương cho biết, mỗi năm, Hội ND xã phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện tổ chức giải ngân từ 3 - 4 đợt vay vốn. Tổng dư nợ hằng năm của Hội ND xã đạt 11-12 tỷ đồng và không có nợ quá hạn. Hội ND xã đang tiếp nhận đăng ký của gần 30 hộ hội viên có nhu cầu vay vốn từ Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế, dự kiến trong tháng 4 và tháng 5/2023, các hộ hội viên sẽ được ngân hàng giải ngân.

Ông Đặng Văn Lâm - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Gia Lâm cho biết, đơn vị thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác để triển khai cho vay vốn tại cơ sở bảo đảm đúng đối tượng. Các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Một trong những địa phương sử dụng hiệu quả nguồn tín dụng chính sách trong phát triển kinh tế xã hội là xã Phù Đổng. Nghề trồng hoa giấy thu tiền tỷ ở xã này thực sự đã được hỗ trợ của các nguồn vốn tín dụng, trong đó có nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Giảm nghèo, tạo việc làm, hạn chế tín dụng đen

Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP.Hà Nội - Phạm Văn Quyết cho biết: Ngân hàng CSXH TP.Hà Nội đã tích cực củng cố, nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác cho vay vốn tín dụng chính sách qua các tổ chức chính trị - xã hội. Qua đó, phát huy tối đa hiệu quả của nguồn vốn cho vay.

Trong quý I/2023, doanh số cho vay các chương trình ủy thác qua tổ chức chính trị- xã hội đạt 1.129 tỷ đồng với trên 25.000 lượt khách hàng vay vốn. Doanh số cho vay tập trung chủ yếu các chương trình: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Doanh số thu nợ đạt 823 tỷ đồng, chiếm 73% doanh số cho vay.

Các chương trình tín dụng chính sách ủy thác qua các tổ chức chính trị- xã hội đã góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, thực sự là công cụ, giải pháp đắc lực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, hạn chế tín dụng đen và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

Dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị- xã hội đều tăng so với đầu năm. Trong đó, Hội Phụ nữ quản lý dư nợ cao nhất với 139.000 hộ vay thuộc 3.688 tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ 7.045 tỷ đồng. Hội ND dư nợ 3.197 tỷ đồng với trên 67.000 hộ nông dân vay thuộc 1.852 tổ tiết kiệm và vay vốn. Hội Cựu chiến binh dư nợ 2.153 tỷ đồng với gần 40.000 người vay thuộc 1.196 tổ tiết kiệm và vay vốn. Đoàn Thanh niên dư nợ 620 tỷ đồng, với trên 11.500 người vay thuộc 330 tổ tiết kiệm và vay vốn.

Phó Chủ tịch Hội ND TP.Hà Nội Dương Thị Hằng khẳng định, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH cho nông dân vay đã góp phần tích cực trong việc thực hiện có hiệu quả các đề án phát triển kinh tế của địa phương, nhất là đầu tư phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp chuyên canh, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Nguồn vốn vay cũng được các hội viên, nông dân sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả thiết thực về kinh tế và xã hội, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa hội viên với tổ chức Hội tại cơ sở.

Thời gian tới, Hội ND thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và hội cấp cơ sở thực hiện tốt công tác tuyên truyền về vay vốn và huy động tiết kiệm qua tổ, tiết kiệm dân cư; rà soát đối tượng đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn, tổ chức họp tổ đầy đủ thành phần, bình xét cho vay dân chủ, xét mức cho vay phù hợp với nhu cầu của từng hộ để người vay sử dụng vốn có hiệu quả. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem