Tháp Thượng Hải (trái) là tòa nhà cao nhất Trung Quốc hiện nay.
Lệnh cấm được Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc thông báo hôm 6.7, theo SCMP.
Các tòa nhà chọc trời cao hơn 500 mét sẽ không được phép xây dựng, trong khi việc xây dựng các tòa nhà cao hơn 250 mét bị hạn chế nghiêm ngặt.
Các công trình cao hơn 100 mét phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, bao gồm năng lực phòng cháy.
Trung Quốc hiện có 5 tòa tháp chọc trời cao hơn 500 mét trong danh sách 10 công trình cao nhất thế giới. Tất cả đều được xây dựng trong 6 năm trở lại đây.
Các tòa nhà chọc trời từng mọc lên như nấm ở Trung Quốc dẫn đến việc các tầng bỏ trống ngày càng nhiều. Các nhà phát triển tranh nhau tìm khách thuê để lấp đầy không gian, dẫn đến một cuộc khủng hoảng thừa.
Tháp Thượng Hải hoàn thành vào năm 2015, hiện là tòa nhà cao nhất Trung Quốc, với chiều cao 632 mét. Tòa tháp 128 tầng trị giá lên tới 3,14 tỉ USD. Chủ đầu tư đã vật lộn trong nhiều năm để lấp đầy 576.000m2 trống trong tòa tháp.
Quyết định của giới chức Trung Quốc được đưa ra sau khi tòa tháp chọc trời 72 tầng SEG Plaza, biểu tượng của thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, bất ngờ rung lắc không rõ nguyên nhân.
SEG Plaza cao 355 mét, bất ngờ rung lắc dữ dội vào tháng 5 khiến giới chức Trung Quốc mở cuộc điều tra toàn diện.
Ngoài Tháp Thượng Hải cao 632 mét, các tòa tháp chọc trời của Trung Quốc gồm Trung tâm Tài chính Quốc tế Bình An ở Thâm Quyến, cao 599 mét; Trung tâm Tài chính CTF Quảng Châu, cao 530 mét; Trung tâm Tài chính CTF Thiên Tân, cao 530 mét và Tháp CITIC ở Bắc Kinh, cao 528 mét.
Trước lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 6.7, ít nhất 20 tòa nhà chọc trời ở Trung Quốc đang được lên kế hoạch xây dựng. 6 trong số này cao hơn 500 mét và một số dự kiến hoàn thành vào năm 2022.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.