TTVN - để không lạc lối ở Olympic: Bao giờ thể thao học đường thành điểm tựa?
TTVN - để không lạc lối ở Olympic (Bài cuối): Bao giờ thể thao học đường thành điểm tựa?
Đức Hiếu
Thứ ba, ngày 10/08/2021 19:10 PM (GMT+7)
Tại Olympic Tokyo 2020 nói riêng và lịch sử Olympic nói chung, rất nhiều đoàn thể thao đã thành công với các nhà vô địch được đào tạo và trưởng thành từ thể thao học đường. Đây là điều thể thao Việt Nam vẫn chưa thể thực hiện được dù không thiếu tiềm năng.
Tại Olympic Tokyo 2020, Caeleb Dressel là ông hoàng trong môn bơi lội. Kình ngư này giành 5 HCV và phá 5 kỷ lục cả Olympic lẫn thế giới để chứng tỏ mình xứng đáng là truyền nhân của huyền thoại Michael Phelps. Tương tự như Dressel là Kathlyn Ledecky, nữ kình ngư vô cùng tài năng và để lại những ấn tượng sâu đậm trên đường đua xanh.
Trong khi đó, ở môn bóng rổ, 2 đội tuyển cả nam và nữ Mỹ đều giành HCV rất thuyết phục. Trong đội nam Mỹ, những cái tên như Kevin Durant, Devin Booker, Draymond Green, Jason Tatum, Jrue Holiday... tỏa sáng rực rỡ hệt như những gì họ đã làm tại giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) những năm qua. Ở nhiều môn thể thao khác nữa, Mỹ cũng có những gương mặt nổi bật, kể cả khi họ không thi đấu thành công tại Thế vận hội lần này (điển hình là nữ VĐV thể dục dụng cụ Simon Biles, người từng giành 4 HCV tại Olympic Rio 2016).
Điểm chung của tất cả những cái tên nêu trên và rất nhiều VĐV Mỹ khác nữa là gì? Họ có xuất phát điểm cực kỳ mạnh mẽ và vững chắc là NCAA - tên viết tắt từ tiếng Anh của Hiệp hội VĐV Học đường quốc gia Mỹ (National Collegiate Athletic Association). Điểm nhấn đáng chú ý nhất chính là việc 75% VĐV Mỹ dự Olympic Tokyo 2020 được đào tạo và phát triển từ NCAA.
NCAA lớn mạnh và có tác động sâu sắc đến thể thao Mỹ như thế nào? Câu trả lời: Đây là tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho các VĐV là sinh viên của 1.268 trường đại học, cao đẳng, trường phổ thông trên toàn Bắc Mỹ, chủ yếu là tại Mỹ. NCAA là đơn vị tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao học đường lớn trên toàn nước Mỹ với rất nhiều bộ môn và có sự tham gia của khoảng... 480.000 VĐV là các học sinh, sinh viên.
Hầu hết các trường đại học, cao đẳng lớn của Mỹ đều là thành viên của NCAA. Họ luôn khuyến khích học sinh, sinh viên chơi thể thao và thi đấu để tìm ra những người có tố chất và bồi dưỡng kỹ lưỡng hơn. Những ai có năng khiếu đều được nhận học bổng có sự ưu đãi cao như miễn học phí, được tập với cơ sở vật chất tốt nhất, được rèn luyện nâng cao với HLV chuyên nghiệp...
Để bảo đảm cho các VĐV thi đấu tốt các giải thuộc hệ thống của NCAA, các trường của Mỹ cũng đầu tư nhiều vào cơ sở vật chất. Họ có những tổ hợp thể thao hiện đại và coi đây cũng là một yếu tố rất quan trọng để thu hút học sinh, sinh viên tới học. Những HLV giỏi, nổi tiếng cũng được mời cộng tác, giảng dạy nhiều bộ môn. Ngoài ra, đội ngũ bác sĩ cũng có tay nghề cao, bảo đảm chữa trị kịp thời mọi chấn thương cho các VĐV.
Tuy NCAA là tổ chức phi lợi nhuận, nhưng trên thực tế, lại có rất nhiều lợi nhuận đổ vào đây. Rất nhiều giải đấu của NCAA có sức hút không kém các giải chuyên nghiệp và doanh thu từ bán vé, tài trợ, bản quyền truyền hình... là cực lớn, lên đến hơn 1 tỷ USD mỗi năm. Số tiền này được NCAA chi cho việc di chuyển, ăn ở, cấp học bổng cho các học sinh, sinh viên nên họ càng hào hứng và yên tâm thi đấu để vươn tầm trở thành những ngôi sao thể thao ở đẳng cấp cao nhất.
Biến thể thao học đường thành "mỏ huy chương"
Trong lịch sử Olympic, Cuba là quốc gia có nhiều VĐV đủ sức cạnh tranh HCV ở các môn như điền kinh, quyền Anh, vật, judo... Tính từ Olympic Tokyo 1964 đến Olympic Tokyo 2020, Cuba đã giành hơn 200 huy chương Thế vận hội, trong đó có 78 HCV.
Tất nhiên, thành công này không đến một cách ngẫu nhiên. Ngay sau khi Cách mạng Cuba thành công vào năm 1959, Cuba đã áp dụng chính sách phát triển thể thao sâu rộng, trong đó đặc biệt chú trọng vào thể thao học đường với chiến lược dài hạn.
Tại Cuba, tất cả các trường từ tiểu học đến trung học đều dạy giáo dục thể chất và coi đây là môn học bắt buộc. Nhưng học sinh có tiềm năng sẽ được đào tạo, bồi dưỡng kỹ lưỡng để có thể hướng tới cơ hội trở thành VĐV chuyên nghiệp. Ông Alberto Puig, một quan chức cấp của của quyền Anh Cuba cho biết: "Thành công của thể thao Cuba là nhờ việc phát hiện nhanh chóng các tài năng có tố chất từ khi còn ngồi ghế nhà trường. Các em sẽ được chăm sóc và tạo nhiều điều kiện tốt nhất để có thể phát triển ở mức xuất sắc nhất".
Tương tự như Cuba, Hàn Quốc cũng chú trọng đặc biệt vào thể thao học đường. Môn thể thao được đầu tư và trở thành mũi nhọn của Hàn Quốc tại các kỳ Olympic là bắn cung (bên cạnh môn thể thao được coi như quốc võ là taekwondo). Ngay từ các cấp học từ nhỏ đến lớn, những cung thủ nhí có tài năng được phát hiện, sàng lọc và có chế độ tập luyện nâng cao.
Hàn Quốc áp dụng chương trình đầu tư cho môn bắn cung ở học đường từ năm 1981. Kết quả họ thu về là thành công rực rỡ: Hàn Quốc giành 39 huy chương Olympic, trong đó có 23 HCV, chiếm 1/4 trong tổng số HCV mà đoàn thể thao xứ sở kim chi giành được kể từ Olympic Los Angeles 1984 đến nay. Nếu cần một dẫn chứng vừa thời sự vừa điển hình thì đó chính là Kim Jae-dok, cung thủ 17 tuổi vừa giành 2 HCV Olympic Tokyo 2020 khi vẫn đang là học sinh trung học.
Với thể thao Việt Nam, chúng ta không phải không có tiềm năng, khi tình yêu dành cho thể thao ở mọi lứa tuổi là rất lớn. Tuy nhiên, thể thao học đường mới mang tính chất là thể dục và không có sự chuyển tiếp, đào tạo phù hợp để học sinh, sinh viên phát huy được khả năng và tiến lên chuyên nghiệp.
Rào cản về cơ sở vật chất và sự xác định hoặc có định hướng chơi thể thao theo hướng nâng cao khi còn ngồi ghế nhà trường của học sinh, sinh viên là không nhiều. Chính vì vậy, dù chúng ta có những sân chơi như Hội khỏe Phù Đổng hay Giải thể thao sinh viên Việt Nam, nhưng đây vẫn chỉ là những giải đấu có tính phong trào chứ không tạo ra sự liên kết bền vững giống như NCAA của Mỹ.
Lâu nay, thể thao Việt Nam vẫn đào tạo VĐV dự Olympic theo kiểu bất chợt phát hiện được một tài năng nào đó và bồi dưỡng giống như "nuôi gà chọi" để có thể thi đấu. Sau đó, khi các VĐV này sa sút hoặc giải nghệ, việc tìm kiếm người thay thế là vô cùng khó khăn và điều đó được minh chứng qua việc không có ai đủ sức gánh vác trọng trách cùng Hoàng Xuân Vinh, Nguyễn Thị Ánh viên hay Nguyễn Tiến Minh những năm qua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.