Từ Dũ Thái hậu nói gì mà vua Tự Đức liền xóa án cho trung thần, nhắc vua "làm trong sạch đội ngũ cán bộ"?

Chủ nhật, ngày 19/02/2023 17:52 PM (GMT+7)
Hoàng Thái hậu Từ Dũ (hay Từ Dụ) tên húy là Phạm Thị Hằng, tên tự là Nguyệt, Thường hoặc Hào là mẹ ruột vua Tự Đức. Từ Dũ sinh ngày 9 tháng 5 năm Canh Ngọ (1810) tại Giồng Sơn Quy (Gò Rùa), làng Gò Công, huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Định (sau thuộc huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang).
Bình luận 0
Từ Dũ Hoàng Thái hậu là trưởng nữ của Lễ bộ Thượng thư Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng và bà Phạm Thị Vị.

Thuở nhỏ, bà nổi tiếng hiếu hạnh, thông minh, làu thông kinh sử, hiền thục, nết na và rất xinh đẹp. Năm 14 tuổi, bà được Thuận Thiên Cao Hoàng hậu Trần Thị Đang, vợ kế vua Gia Long, mẹ vua Minh Mạng tuyển triệu vào cung để chầu hầu Nguyễn Phúc Miên Tông (sau này là vua Thiệu Trị) - con trai vua Minh Mạng và là cháu trai của Cao Hoàng hậu.

Năm 15 tuổi, bà sinh con gái đầu lòng là Diên Phúc công chúa Nguyễn Phúc Tĩnh. Năm sau, bà lại sinh Hoàng nữ thứ hai là Nguyễn Phúc Uyên Ý. 

Công chúa Uyên Ý sinh ra năm Minh Mạng thứ 7, nhưng 3 tuổi lại chết non. Ngày 25 tháng 8 năm Kỷ Sửu (tức 22 tháng 9 năm 1829), bà sinh người con thứ ba là trai, đặt tên là Nguyễn Phúc Thì, sau đổi tên thành Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, (sau này là vua Tự Đức).

Năm 1841, vua Minh Mạng băng hà, Miên Tông lên nối ngôi, lấy niên hiệu Thiệu Trị và phong cho bà làm Cung tần. Tới năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), nhân có việc bang giao, Hoàng đế ngự giá Bắc tuần, bà được sung theo hầu. 

Khi ấy Cung tần theo hầu rất ít, bà ngày đêm hầu hạ bên cạnh, phàm những ấn báu, vật làm tin, đều giao cho giữ cả. Bà là người đoan trang, nhàn nhã, nghiêm túc, cử chỉ độ lượng, lại thường khuyên răn các cung nhân chăm công việc nên được sung chức Thượng nghi, đồng thời nhiếp quản coi sóc Lục thượng.

Từ Dũ Thái hậu nói một câu, vua Tự Đức liền xóa án cho trung thần, nhắc vua "làm trong sạch đội ngũ cán bộ" - Ảnh 2.

Chân dung vua Tự Đức vương triều Nguyễn.

Tháng 4 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), bà được phong Nhị giai Thành phi, đứng đầu các tước Phi thuộc hàng nhị giai. 

Tháng 1 năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), bà được phong làm Nhất giai Quý phi, đứng đầu các tước Phi thuộc hàng nhất giai. Tuy quyền cao chức lớn, song tính tình bà đoan chính, thanh tao, giản dị, nhân từ khiến mọi người trong cung ai cũng quý mến và kính trọng.

Hằng đêm, vua Thiệu Trị thức khuya đọc sách, bà vẫn thức hầu mà không biết mệt mỏi và cùng vua trao đổi, bàn luận mọi việc.

Từ Dũ Hoàng Thái hậu thường hay góp ý với vua: “Làm người ắt phải học, nhiên hậu biết được điều thiện, điều ác. Điều thiện nên phát huy, điều ác nên tránh xa để không sa vào chỗ tà. Sách xưa có câu: Nhân bất học bất tri đạo (người chẳng học chẳng biết đạo lý)”. Bà thường khuyên bảo các cung tần nên tận tụy trong công việc. Bà là người thưởng phạt công minh. Ai phạm lỗi bà đều tìm cách dạy dỗ, bảo ban hơn là sử dụng hình phạt.

Đầu năm 1847, Thiệu Trị ốm nặng, bà ngày đêm hầu thuốc thang không nghỉ. Khi ông gần mất, mọi việc về sau đều bí mật phó thác cho bà, ông lại dụ các quan rằng: “Quý phi là nguyên phối của trẫm, là người phúc đức hiển minh, giúp ta coi công việc trong cung cấm đã 7 năm. Nay ý trẫm muốn lập làm Hoàng hậu chính ngôi trong cung, tiếc vì việc không làm kịp mà thôi”.

Ngày 4 tháng 10 năm 1847, vua Triệu Trị băng hà, con trai bà là Hồng Nhậm được chọn nối ngôi, lấy niên hiệu Tự Đức và phong bà tôn hiệu Từ Dũ Hoàng Thái hậu. Lẽ ra trước vinh dự hiếm có này, bà phải vui lòng nhận ngay nhưng bà đã từ chối. Sự từ chối như vậy không phải bất cứ ai cũng có thể làm được.

Có lẽ trong lịch sử nước nhà, bà Từ Dũ là một Hoàng Thái hậu nổi tiếng nhất trong việc cưu mang và để lại nhiều bài học quý trong việc dạy dỗ con nên người. 

Chính những chi tiết này khiến người đời sau ngưỡng mộ bà. Nhờ sự giáo dục của bà, vua Tự Đức mới trở thành một người con có hiếu, không bị tha hóa bởi cuộc sống xa hoa, sống xa đọa như một số ông vua thời trước. 

Và ngài cũng là người yêu thích văn chương, hay chữ, làm nhiều thơ phú, có lẽ ít nhiều cũng chính vì ngài biết vâng lời mẹ mà dẹp bỏ những thú vui tầm thường để trau dồi thêm kinh sử. Sau này, nhân mừng mẹ thọ 60 xuân, ngài có làm 330 câu tụng - trong đó nhận xét như sau:

Ăn mặc chỉ dùng sẻn

Vì thế nên đủ dùng

Nữ công đã chăm chỉ

Lại có lượng bao dung

Nói năng có điều độ

Mừng giận không lộ ra

Nghiêm, nhưng không nghiệt ác

Hiền, nhưng không xuề xòa.

Có lần vua Tự Đức mải vui ở cửa Thuận An nên bỏ buổi ngự triều. Bà giận lắm. Lúc về, ngài có đến xin lỗi mẹ, nhưng bà sai người đóng cửa cung Diên Thọ không cho vào. Nhà vua phải đứng chờ cả tiếng đồng hồ, sau bà mới cho gọi vào và dạy: Nước đang có nhiều việc rối, Hoàng đế đã không lo lắng mà còn vui chơi được sao? Biết lỗi với ta chỉ là phụ, biết lỗi với dân mới là chính. Thôi, hãy mau về triều cùng các quan bàn quốc kế.

Cũng như nhiều phụ nữ Việt Nam khác, bà Từ Dũ là người sống rất tiết kiệm. Dù có đủ điều kiện để hưởng vật chất cao sang, nhưng bà vẫn ý thức tất cả những thứ ấy là của dân, do dân cung nạp mà có, từ cây kim, sợi chỉ cũng là máu mỡ của dân nên bà không tiêu xài phung phí. 

Tất cả những quần áo gấm vóc bà đều xếp gọn trong rương, chỉ mặc trong các dịp lễ hội, còn bà thì vẫn ăn mặc bình thường như bao người khác. Ăn uống bà không thích món ngon vật lạ mà chỉ ăn chay trường. 

Từ Dụ Hoàng Thái hậu thường khuyên triều thần: “Một sợi tơ, một hạt gạo cũng là máu mỡ, là mồ hôi nước mắt của dân, nên lãng phí đã không ích gì mà lại đáng tiếc lắm vậy, chi bằng cất vào kho để dùng vào việc nước”. 

Vì có hiếu với mẹ nên vua Tự Đức thường tổ chức lễ mừng thọ và tôn cho bà các mỹ hiệu, nhưng bà đều từ chối. Ví dụ, năm 1860, đình thần dự định làm lễ tôn mỹ danh, nhưng bà bảo với nhà vua: “Ta được hưởng sự phụng dưỡng của thiên hạ, nên phải biết lo những việc thiên hạ đang lo. Năm nay, không được mùa, dân đang lo chưa thể vui sướng được. Vậy con phải lo với nỗi lo của dân. Vả lại, tính ta vốn cần kiệm, chẳng chuộng phù hoa. 

Con ạ, ngày nay hưởng được sự phú quý, ta thường lo sợ, tu tỉnh tâm đức, thế mà con còn muốn ban cho ta cái hư danh để làm gì? Để còn nặng cái lỗi thất đức hay sao? Vậy thì lễ này hội nọ nên bãi đi, ta chỉ nguyện các chư công và quần thần cùng con lo việc chính trị, giáo dục để quốc thái dân an thì còn gì vui bằng”.

Bà rất nghiêm khắc với thân nhân, phê phán gắt gao kẻ dựa thế cậy quyền dòng họ nhà bà để cầu vinh, cầu chức. Trong dân gian có câu “Một người làm quan cả họ được nhờ”. Nhưng quan niệm này chưa chắc đúng với trường hợp của bà Từ Dũ. 

Từ Gò Công, trong dòng họ Phạm của bà có người lặn lội ra kinh đô, dựa vào tình gia tộc ruột thịt, cầu xin bà bảo vua Tự Đức chiếu cố cho làm thị vệ. Nhưng trước lời cầu xin ấy, bà ôn tồn bảo: “Người trong dòng họ của ta, chớ lo là không làm quan được, chỉ sợ bất tài mà thôi. Không có tài, ta có thể giúp cho ít lương tiền chăm lo học tập để tiến thân về sau. Chứ không có công lao đóng góp gì trong việc nước mà bỗng nhiên vào làm thị vệ, được ban chức tước như vậy hóa ra người cùng trong dòng tộc phải ra làm quan hết hay sao?”.

Trước những lời thấu tình đạt lý như thế, nhưng người này vẫn nằn nì mãi. Bà thẳng thắn từ chối và bảo với vua Tự Đức: “Người trong họ của mẹ không có công lao gì thì không được ban chức tước. Hễ ai phạm pháp thì cũng bị nghiêm trị như thường để giữ kỷ cương phép nước”. Với quan điểm rõ ràng như vậy, về sau, những người thân thích mới thôi cầu cạnh bà.

Hoàng Thái hậu Từ Dũ luôn ý thức tự nâng cao kiến thức văn hóa, xã hội bằng cách ham thích đọc sách. Nhờ có học mà bà mới có thể trao đổi với nhà vua trong những lúc mẹ con cùng bàn về sử. Hầu như khi đọc đến đoạn sử nào hay thì bà Từ Dụ đều có lời bàn xác đáng. 

Bà đã bàn về chính sự của các vua Trung Quốc như Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ đế, Tần Huệ đế hoặc phân tích các nhân vật như Hàn Tín, Viên Thiệu, Khổng Minh, Lã Hậu, Giả Nghị với nhiều nhận xét khá sâu sắc. Những lời bàn này không phải không hữu ích cho vua Tự Đức khi nghĩ về đạo trị nước. 

Năm 1850, khi mới lên ngôi, vua Tự Đức ham chơi, bê trễ việc nước, vị quan Phạm Phú Thứ dâng sớ can ngăn. Vua đọc xong giận tím gan liền giao cho triều thần nghị tội. Một số nịnh thần lợi dụng cơ hội này để lấy lòng vua, kết án ông vào tội phạm thượng và đề nghị phạt Phạm Phú Thứ xuống làm lính trạm ở Thừa Nông. 

Bà Từ Dũ biết chuyện liền hỏi:

Ông Phạm dâng sớ khuyên con, ông ta được cái gì?

Dạ! Ông ấy không được gì cả. Nhưng con thấy làm bề tôi mà trách vua như thế là phạm thượng.

Bà hỏi tiếp:

Thế từ khi bị giáng làm lính, ông ta có tỏ lời oán hận gì không?

Con không nghe chuyện ấy. Nhưng biết rằng, ông ta mỗi chiều thường thả thuyền trên sông ngắm cảnh làm thơ ngâm vịnh.

Ngẫm nghĩ một lát, bà Từ Dũ gật gù:

Thế người này đáng trọng lắm! Dâng sớ trách như vậy vì thương vua, vì muốn vua lo việc nước tốt hơn. Thương vua, giúp vua lại bị nạn mà không một lời than van, đành cam chịu thế càng tỏ dạ trung thành. Đó là bậc trượng phu không vui ở chức tước được người trên trọng hay khinh mà vui ở việc làm chân chính. Con nên nghĩ lại!

Vua Tự Đức nghe ra, vội vàng xóa án cho Phạm Phú Thứ và mời ông về triều nhận lại trọng trách cũ. Đúng như bà Từ Dũ đã nhận xét, Phạm Phú Thứ sau này là nhân vật có tầm vóc của triều Nguyễn. Có thể nói, bà Từ Dũ là người rất tinh tế.

Hằng ngày, trong những lần trò chuyện với nhà vua, bà luôn nhắc nhở con về điều thiết yếu mà nay nói như ngôn ngữ hiện đại thì ta thường nói là “làm trong sạch đội ngũ cán bộ”. Ví dụ như: Xưa nay quan lại chưa bỏ được một chữ “tham”. Hại nước mọt dân chẳng qua là như thế. Bao nhiêu máu mủ của dân cũng vơ vét cho đầy túi. Nhưng của bất nghĩa không ở lâu, không cần đến vài đời mà đã hết sạch, con cháu nghèo túng thiện hạ chê cười. Phải dạy các quan lấy nhân nghĩa, làm điều nhân nghĩa để hưởng ân trạch lâu dài.

Tất cả những lời dạy của mẹ, nhà vua đều chép vào tập sách “Từ huấn lục”. Cho dù, lịch sử còn phán xét nghiêm khắc nhà vua trong việc trị nước, nhưng ai cũng công nhận, Tự Đức là ông vua thờ mẹ chí hiếu. 

Từ khi lên ngôi, Tự Đức nhiều lần ngỏ ý tấn tôn cho mẹ, nhưng bà nhất định từ chối hoặc trì hoãn vì sợ tốn kém. Mãi đến ngày 15 tháng 4 năm Tự Đức thứ 2 (tức 7/5/1849), nhân dịp khánh thành cung Gia Thọ, bà mới thuận nhận Kim bảo và tôn hiệu là Hoàng Thái hậu.

Ngày 16 tháng 6 năm Quý Mùi (tức 19 tháng 7 năm 1883), vua Tự Đức băng hà, để di chiếu tôn bà là Từ Dũ Thái hoàng Thái hậu. Nhưng vì việc nước rối ren, mãi đến năm 1885, Hoàng đế Hàm Nghi kế vị, nhà vua mới có thể làm lễ tấn tôn cho bà theo di chiếu.

Năm 1887, Đồng Khánh năm thứ 2, nhà vua tấn tôn mỹ hiệu cho bà là Từ Dũ Bác huệ Thái hoàng Thái hậu.

Năm 1889, Thành Thái nguyên niên, nhân dịp mừng thọ bà 80 tuổi, bà được dâng tôn hiệu là Từ Dũ Bác huệ Khang thọ Thái hoàng Thái hậu.

Từ Dũ Thái hậu nói một câu, vua Tự Đức liền xóa án cho trung thần, nhắc vua "làm trong sạch đội ngũ cán bộ" - Ảnh 7.

Mộ Hoàng Thái hậu Từ Dũ tại Huế.

Bà mất ngày mồng 5 tháng 4 năm Nhâm Dần (tức 12 tháng 5 năm 1902) thọ 92 tuổi, được dâng tên thụy là Nghi Thiên Tán Thánh Từ Dũ Bác Huệ Trai Túc Tuệ Đạt Thọ Đức Nhân Công Chương Hoàng hậu, gọi tắt là Từ Dũ Nghi Thiên Chương Hoàng hậu.

Ngày 20 tháng 5 cùng năm, triều đình cử hành đại lễ an táng bà phía sau bên trái Xương Lăng, và có tên là Xương Thọ Lăng. Hiện toàn thể khu lăng này tọa lạc tại chân núi thuộc làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Từ Dũ Thái hậu nói một câu, vua Tự Đức liền xóa án cho trung thần, nhắc vua "làm trong sạch đội ngũ cán bộ" - Ảnh 8.

Tượng đài Hoàng Thái hậu Từ Dũ tại Bệnh viện Từ Dũ, Thành phố Hồ Chí Minh

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Hoàng Thái hậu Từ Dũ luôn được mọi người ca ngợi và thán phục. Trong suốt 78 năm ở cạnh ngai vàng với cương vị cố vấn, bà tham gia bàn bạc chính sự, hết lòng hết sức vì dân vì nước, giữ trọn vai trò trọng yếu trong chính sự triều đình nhà Nguyễn vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIX. 

Bà đã nêu cao tấm gương tuyệt vời về phẩm hạnh và đức độ của người phụ nữ Việt Nam. Bà Từ Dũ là hình ảnh mẫu mực của các bà mẹ Việt Nam trong phép dạy con. Tên của bà sống mãi cùng quê hương đất nước và được sử sách ghi danh muôn thuở. 

Và cũng bởi những đức tính tốt đẹp của bà, người ta đã chọn tên bà để đặt cho một bệnh viện: bệnh viện Từ Dũ tại 284 Cống Quỳnh, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Phương Anh (Cổng TTĐT Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem