Từ năm 2021 trở đi: Thưởng có thể không phải bằng tiền

Thùy Anh Thứ tư, ngày 16/12/2020 06:00 AM (GMT+7)
Tết 2021 cũng là năm đầu tiên áp dụng các quy định của Bộ luật Lao động 2019. Từ 1/1/2021, quy chế thưởng Tết cho người lao động có một số thay đổi so với trước đây.
Bình luận 0

Điều 104 Bộ Luật Lao động năm 2019 có quy định: "Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở".

Từ năm 2021 trở đi: Thưởng có thể không phải bằng tiền - Ảnh 1.

Đại diện Tổng Liên đoàn đi thăm tình hình đời sống công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Thùy Anh

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, công đoàn các cấp nên thương lượng với công ty ban hành quy định thưởng Tết. Trong đó quy định rõ chế độ thưởng; điều kiện để được thưởng, việc tổ chức thực hiện... để tránh có mâu thuẫn phát sinh. Mẫu quy định thưởng Tết được Bộ LĐTBXH ban hành sẵn.

Như vậy, kể từ năm 2021, khi Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực, quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định. Thưởng có thể bằng tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác như chuyến tham quan du lịch, vé tàu, xe để về quê hoặc hàng hóa do chính công ty sản xuất ra…

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc thưởng Tết bằng tiền hay hiện vật đều là rất quý. Tuy nhiên, lao động vẫn mong muốn được nhận tiền thưởng Tết bằng tiền hoặc những phần thưởng có giá trị, hoặc thiết thực.

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, cũng như những năm trước đây, thưởng Tết không phải là nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp. Việc có thưởng hay không, thưởng bao nhiêu, pháp luật hoàn toàn không can thiệp. Điều này cũng phụ thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Điều này chỉ quy định trong thỏa ước lao động giữa doanh nghiệp và người lao động.

"Người lao động chỉ chắc chắn được thưởng tết nếu có thỏa thuận trong hợp đồng lao động, hoặc nếu quy chế nội bộ doanh nghiệp có quy định... và phụ thuộc phần lớn vào doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp và năng suất, hiệu quả công việc của người lao động. Doanh nghiệp cũng có quyền không thưởng tết cho người lao động nếu kinh doanh không có lãi hoặc người lao động không hoàn thành công việc được giao" - ông Quảng nói.

Tuy nhiên, theo ông Quảng, lao động là tài sản của doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng suất lao động thì phải tái đầu tư, chăm lo cho người lao động. Ngoài việc tạo ra một môi trường làm việc tốt, doanh nghiệp cũng phải quan tâm chăm lo quyền lợi, lương thưởng... thì người lao động mới yên tâm, gắn bó lâu dài với công ty.

"Tất nhiên, sẽ có những công ty gặp khó khăn thực sự, không có đủ khả năng tài chính để thưởng Tết cho công nhân lao động. Về vấn đề này người lao động cũng cần thông cảm, thấu hiểu với doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp phải báo cáo sớm với công đoàn cơ sở để tìm hướng hỗ trợ, giải quyết khó khăn giúp người lao động có một cái Tết ấm áp, đầy đủ" - ông Quảng khuyến nghị thêm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem