Từ vụ Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc Công an Hải Phòng: Tạm giữ trong trường hợp nào?

PV Thứ hai, ngày 20/02/2023 06:59 AM (GMT+7)
Trong thông cáo báo chí của Bộ Công an và của UBND tỉnh Quảng Ninh có chung nội dung về trường hợp tạm giữ đối với Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng.
Bình luận 0

Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng bị tạm giữ để xác minh, làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ án hình sự "Trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước", xảy ra tại Quảng Ninh và Hải Phòng.

Từ vụ Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc Công an Hải Phòng: Tạm giữ trong trường hợp nào? - Ảnh 1.

Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca khi còn đương chức. Ảnh An ninh Hải Phòng

Theo pháp luật tố tụng hình sự việc tạm giữ được thực hiện trong trường hợp nào? Trao đổi với Dân Việt, một vị đại tá – người có nhiều năm chỉ đạo phá án, ông nguyên là Phó trưởng Công an quận, nguyên Phó Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận ở Hà Nội cho biết:

Tạm giữ hình sự là biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự, do người có thẩm quyền áp dụng đối với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.

Từ vụ Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc Công an Hải Phòng: Tạm giữ trong trường hợp nào? - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng khám xét nhà Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca đêm 18/2. Ảnh PV

Thời hạn tạm giữ không quá 3 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.

Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 3 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 3 ngày. Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn.

Như vậy việc tạm giữ tính cả gia hạn có tổng cộng thời gian là 9 ngày.

Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ; trường hợp đã gia hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

Vị đại tá – nguyên Phó trưởng Công an quận cho biết thêm, từ kinh nghiệm điều tra phá án trong quá trình công tác của ông, đối với những vụ án về kinh tế, chức vụ (không phải kiểu phạm tội bột phát), Cơ quan điều tra sẽ tiến hành thu thập các chứng cứ, tài liệu liên quan rồi khởi tố, bắt tạm giam người liên quan. Đối với những vụ án kiểu này, chỉ khi người liên quan có dấu làm cản trở, ảnh hưởng tới quá trình điều tra thì cơ quan công an phải tiến hành tạm giữ. Quá trình tạm giữ, khám xét để tiếp tục củng cố hồ sơ, tài liệu và tiến hành biện pháp tố tụng tiếp theo.

Liên quan đến Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, thông cáo của Bộ Công an nêu rõ: Mở rộng điều tra vụ án hình sự "Trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước", xảy ra tại Quảng Ninh và Hải Phòng, ngày 18/2/2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an một số tỉnh, thành phố tiến hành tố tụng đối với các đối  tượng có liên quan.

Cơ quan An ninh điều tra đang tạm giữ ông Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng để xác minh, làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ án nêu trên.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem