Tục ở rể của người Thái đen: Con trai mang dao, quần áo sang nhà gái ở, lúc về dắt thêm cả đàn trâu

Văn Ngọc Thứ tư, ngày 24/05/2023 13:30 PM (GMT+7)
Đối với đời sống hôn nhân của đồng bào Thái đen ở vùng cao Sơn La có một tục lệ rất độc đáo, mang tính nhân văn sâu sắc, đó là tục ở rể...
Bình luận 0

Tục ở rể của người Thái đen: Con trai mang dao, quần áo sang nhà gái ở, lúc về dắt thêm cả đàn trâu

Tục ở rể để tạ công ơn công sinh thành

Con trai, con gái dân tộc Thái đen ở Sơn La, khi trưởng thành, muốn lấy vợ lấy chồng đều được tự do tìm hiểu, ít có sự sắp đặt của cha mẹ. Đồng bào người Thái quan niệm con trai muốn lấy vợ thì phải biết báo hiếu cha mẹ, chăm chỉ lao động, chăn nuôi, đặc biệt là đan lát. Con gái thì phải biết thêu khăn piêu, biết dệt vải. Người con trai nếu ưng người con gái phải đi ở rể. Tục ở rể từ 2 năm đến 3 năm, thậm chí là 5 năm tuy theo gia đình.

Theo già làng ông Lò Văn Păn, bản Cò Nòi, xã Cò Nòi (Mai Sơn, Sơn La cho biết: Đối với người thái đen, khi nam nữ đem lòng yêu nhau, muốn tiến tới cuộc sống hôn nhân, thì nhà trai sẽ phải chuẩn bị ít nhất vài ba lần đến ăn hỏi tại nhà gái và chàng trai phải đi ở rể thì mới được tiến hành tổ chức lễ thành hôn cho đôi trai, gái nên vợ nên trồng.

Tục ở rể của người Thái đen: Con trai mang dao, quần áo sang nhà gái ở, lục về dắt thêm cả đàn trâu - Ảnh 2.

Đối với dân tộc Thái đen khi lớn, muốn lấy vợ lấy chồng đều được tự do tìm hiểu nhau rồi mới xin phép hai bên gia đình tổ chức cưới xin. Ảnh: NVCC

Lần thứ nhất, mẹ chàng trai sẽ cùng một người phụ nữ khác trong họ hàng thân thích đến nhà gái để gặp gỡ, trò chuyện, tìm hiểu về gia đình nhà gái. Ở lần gặp gỡ này, chỉ có chị em phụ nữ 2 bên gia đình gặp nhau (gọi là pay chóm). Lần thứ 2, nhà trai sẽ chủ động mang bánh kẹo, nước ngọt, hoa quả đến trò chuyện cụ thể hơn về việc cưới xin cho chàng trai và cô gái (gọi là vay cuổi ỏi). Lần thứ 3, nhà trai sẽ nhờ mai mối tiếp tục đến nhà gái thưa chuyện. Đến nhà gái lần này, nhà trai phải mang rượu, cơm xôi, cá nướng đủ vài mâm cơm. Cuộc này không bắt buộc có lợn, nhưng phải có đôi gà luộc chín sẵn (gọi là vay lảu cáy).

"Trong giai đoạn này, chàng trai được phép mang dao, quần áo sang nhà con gái ăn, ở làm việc nhưng ngủ một gian riêng ở sàn quản (gọi là khười quản). Đồng thời cũng để thử thách người con trai có chăm chỉ làm ăn không, có khéo tay hay làm không. Qua thời gian thử thách, nếu ưng ý nhà gái sẽ gửi lời báo cho nhà trai đã ưng thuận người con trai và đồng ý cho tổ chức lễ thành hôn. Nhà trai sẽ chọn ngày lành tháng tốt cho ông mối, bà mối cùng một số người đại diện nhà trai sang nhà gái làm lễ ăn hỏi" ông Păn nói.

Tục ở rể của người Thái đen: Con trai mang dao, quần áo sang nhà gái ở, lục về dắt thêm cả đàn trâu - Ảnh 3.

Khi con trai người Thái đen muốn lấy được vợ, ít nhất phải 3 lần mang sính lễ đến nhà gái hỏi. Ảnh: Anh Giang

Đặc biệt là lần thứ 4 (gọi là vay lảu mù) nhà gái có sự hiện diện đông đủ anh em, họ hàng nội ngoại của cô gái và bà con lối xóm. Đến nhà gái lần này, nhà trai phải có lợn, có gà để mổ ăn. Nhà trai bắt buộc phải có ông mai, bà mối, dẫn đoàn nhà trai sang nhà gái, thực hiện mọi nghi thức theo phong tục tập quán. Cũng kể từ ngày này, chàng rể chính thức trở thành thành viên trong gia đình. Người con trai sang ở rể bên nhà gái, để đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của bố mẹ nhà gái. Một phần cũng để đôi vợ chồng trẻ có thời gian lao động, sản xuất, tích góp được ít của cải, vật chất trước khi ra ở riêng.  

Là người đã từng ở rể đến 3 năm, ông Lò Văn Phe, bản Cò Nòi, xã Cò Nòi (Mai Sơn, Sơn La) chia sẻ:  làm rể ngày xưa khá vất như phải thức khuya, phải dậy trước khi bố mẹ vợ thức dậy, tranh thủ ra suối, nguồn nước đầu bản để gánh nước về nhà; chịu khó mài dao, mài cuốc để lên nương, lên rẫy trước. Việc ăn ở, đi đứng, nói năng rể đều phải có phép, có tắc. 

Con rể, ngoài làm những công việc nặng nhọc thì còn phải biết tranh thủ đan lát một số vật dụng trong nhà, sáng sớm dậy trước để mài dao, cuốc lên nương…làm được như vậy mới được coi là dâu hiền, rể thảo, được cha mẹ, họ hàng khen ngợi. Con dâu thì ngoài việc chăm chỉ chịu khó, giỏi nấu nướng, phải khéo tay thêu thùa khăn piêu, xe tơ, dệt vải.

Tục ở rể của người Thái đen: Con trai mang dao, quần áo sang nhà gái ở, lục về dắt thêm cả đàn trâu - Ảnh 4.

Khi chàng trai ở rể, được bố mẹ vợ yêu thương như con đẻ và chỉ bảo từng ly từng tí để trưởng thành. Ảnh: Anh Giang

Ông Lò Văn Pè, nguyên cán bộ văn hóa xã Cò Nòi (Mai Sơn, Sơn La) cho biết: Thời gian ở rể bao lâu sẽ do bố mẹ nhà gái quyết định, nhưng ít nhất cũng phải từ một năm, đến hai năm trở lên, có trường hợp đến 5 năm, tục ở rể của người Thái là có thời hạn. 

Thông thường nhà vợ lấy dấu mốc khi nào hai vợ chồng tích cóp tiết kiệm mua được con trâu, sắm đủ vật dụng sinh hoạt cho một gia đình là thời điểm để kết thúc thời gian ở rể. Lúc này nhà trai sẽ làm những nghi lễ để đón dâu về và cưới bên nhà trai. Trong lễ đón dâu các của cải, vật dụng, trâu bò hai vợ chồng làm ra được mang về làm tư liệu sinh hoạt, sản xuất. Từ đây cô dâu mới được phép ở lại nhà chồng và bắt đầu cuộc sống làm dâu của mình.

"Đây là tập tục đẹp trong văn hóa dân tộc Thái đen, ở rể vừa thể hiện công ơn sinh thành, dưỡng dục dành cho bố mẹ vợ, vừa để thử thách xem con rể có biết làm ăn hay không. Sau nhiều năm ở rể, nếu chàng rể và cô dâu chịu khó làm ăn, chịu khó chăn nuôi tích cóp thì khi về nhà chàng rể có cà đàn trâu, tấn thóc mang về. Tập tục ở rể đẹp là vậy đó, không phải ở rể là bị bóc lột sức lao động", ông Pè nói.

Tục ở rể của người Thái đen: Con trai mang dao, quần áo sang nhà gái ở, lục về dắt thêm cả đàn trâu - Ảnh 5.

Theo truyền thống, việc cưới hỏi là việc hệ trọng của cả đời người nên được cả cộng đồng và các gia đình rất coi trọng. Ảnh: Anh Giang

Tục ở rể thay đổi để phù hợp thời đại

Thời nay, con em của đồng bào dân tộc Thái đen đã vượt bản làng đến các thành phố lớn để đi học, đi làm. Đặc biệt, nhiều người làm công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp với điều kiện thời gian khắt khe. Việc giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, dân tộc, trong đó có nhiều chàng rể là người dân tộc khác kết duyên với các cô gái Thái… Trước những điều kiện mới, tập quán ở rể cũng phải thay đổi cho phù hợp hơn. Người thái vẫn còn tục ở rể, nhưng thời gian ngắn và trả bằng tiền nhiều hơn.

Tục ở rể của người Thái đen: Con trai mang dao, quần áo sang nhà gái ở, lục về dắt thêm cả đàn trâu - Ảnh 6.

Với người Thái, quãng thời gian ở rể không chỉ là thử thách tình yêu của chàng trai với cô gái, mà còn để báo hiếu với bố mẹ vợ và là khoảng thời gian lao động dành dụm của cải riêng cho cặp vợ chồng trẻ. Ảnh: Anh Giang

Anh Cà Duy Tiên, xã Chiềng Cang (Sông Mã, Sơn La) chia sẻ: Hai vợ chồng anh chị đều là công nhân đi làm ăn xa. Sau khi quen biết, tìm hiểu lẫn nhau, anh chị đã tiến hành xin phép hai bên gia đình cho cưới. Do tính chất công việc của vợ chồng, nhà gái không bắt buộc anh phải ở rể nữa. Vì sau khi cưới, hai vợ chồng anh chị phải trở lại với công việc của mình tại công ty.

Tục ở rể của người Thái đen: Con trai mang dao, quần áo sang nhà gái ở, lục về dắt thêm cả đàn trâu - Ảnh 7.

Thực hiện nếp sống văn hóa mới, ngày nay lễ cưới của người Thái đen Sơn La đã giảm bớt nhiều thủ tục rườm rà, gây tốn kém như không thách cưới, không bắt buộc ở rể. Ảnh: NNCC

Ông Lò Văn Lả, nguyên giảng viên Trường Sư phạm miền núi khu Tây Bắc chia sẻ: Xã hội phát triển, ngày nay tục ở rể trong các bản người Thái Tây Bắc không còn bắt buộc nữa, nhưng nhiều gia đình người Thái vẫn duy trì. Việc ở rể ngày nay không gò ép về thời gian như trước để tạo thuận lợi nhất cho các cặp vợ chồng trẻ ổn định cuộc sống. Bà con luôn coi đây một phong tục mang tính nhân văn sâu sắc trong đời sống hôn nhân.

Dù ở rể dài hay ngắn, hoặc không ở rể, nhưng với người Thái, con rể và con dâu đều có trách nhiệm ứng xử tốt với cha mẹ hai bên. Tục ở rể của người Thái là một tập tục tốt đẹp, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Song, sự chuyển biến trong tập tục này như không còn ở rể, ở rể ít ngày,... không phải là đánh mất bản sắc văn hóa, mà thể hiện sự thích ứng linh hoạt, để phù hợp hơn với đời sống văn hóa mới.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem