Tỷ phú làm giàu từ quai đê lấn biển

Thu Thủy Thứ hai, ngày 17/08/2015 17:12 PM (GMT+7)
Về phường Tràng Cát (Hải An, Hải Phòng) ai cũng biết Bùi Minh Dũng làm giàu từ quai đê lấn biển. Thu nhập tiền tỷ, làm chủ hàng chục ha đầm, Bùi Minh Dũng được không ít người dân nơi đây ngưỡng mộ.
Bình luận 0

Khởi nghiệp bằng nghề dạy học, anh Dũng là niềm tự hào của gia đình. Tuy nhiên, bố anh mất sớm, mẹ lại đau yếu luôn, là con lớn trong gia đình nghèo khó đông anh em, anh đành từ bỏ nghề dạy học để tập trung làm kinh tế nuôi các em.

Gian nan quai đê đắp đập

Lúc đầu, anh Dũng theo nghề đi biển đánh bắt ven bờ. Nghề này cho thu nhập không cao nhưng khá hơn so với đồng lương giáo viên. Gắn bó với sông nước một thời gian, anh nhận thấy quê hương được thiên nhiên ưu đãi, mỗi năm ban tặng một diện tích đất bồi khá lớn. Hơn thế, nguồn nước lợ cửa biển rất phù hợp cho việc nuôi tôm sú và cua biển. Tiềm năng, thế mạnh của quê hương đã khiến anh Dũng nung nấu ước mơ làm giàu.

img

Anh Bùi Minh Dũng chuẩn bị thức ăn cho tôm trong đầm. Ảnh: Thu Thủy

Đầu những năm 2000, nhà nước có chủ trương hỗ trợ xây dựng các tuyến đê quai lấn biển, chuyển đổi đánh bắt gần bờ sang nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng rừng phòng hộ. Anh Dũng đã mạnh dạn đứng lên vận động anh em họ hàng tập trung công sức và tiền của vào đắp đập, trồng cây chắn sóng và nuôi tôm, cua theo phương thức quảng canh cải tiến.

“Thời gian đầu, việc đắp đập rất gian nan, cứ đắp lên lại bị sóng đánh trôi. Hôm nay nhìn thấy nhấp nhô con đập, vài ngày sau lại trắng băng. 6 anh em cùng ra đắp đập thì có đến 5 người từ bỏ. Lúc đó, tôi cũng dao động lắm”- anh Dũng nhớ lại.

Được chính quyền địa phương và Hội ND tạo điều kiện hỗ trợ, động viên, anh Dũng quyết tâm đeo đuổi việc chinh phục cửa biển. Từ thất bại của những lần trước, lần này anh Dũng trồng cây chắn sóng bên trong và bên ngoài trước. Trước khi cho máy vào đắp đất anh đã trải đá xuống nền, sau đó đắp dần đất, quây đá xung quanh và lấy bạt che. Sau 5 tháng liên tục đắp, đất đã khô cứng và hoàn thành cốt thứ nhất, tiếp tục như thế, 5 tháng sau lại hoàn thành cốt thứ hai. Cần mẫn bồi đắp từng tí một, ròng rã suốt 4 năm trời, anh hoàn thành việc đắp đập và cây rừng chắn sóng lên xanh tốt.

Nuôi thủy sản sạch

Đắp đập, trồng rừng xong, anh Dũng bắt tay vào nuôi thả tôm, cua quảng canh cải tiến để tiết kiệm chi phí ban đầu và tạo ra sản phẩm sạch hoàn toàn tự nhiên. Sẵn có kinh nghiệm, anh mua giống tôm, cua về tự ươm tại đầm. Anh chia sẻ: “Những con giống mua về lúc đầu chỉ nhỏ li ti như những hoa táo, 15 ngày đầu cho tôm, cua ăn thức ăn công nghiệp, khi chúng bằng que diêm, tự xòe đuôi được thì cho ra ngoài tự đi kiếm ăn. Khi tôm lớn bằng ngón tay thì giữ mực nước, duy trì độ mặn từ 14-15%o là phù hợp. Khi tôm, cua lớn dày đặc hơn sẽ bổ sung thêm nguồn thức ăn từ bên ngoài…”.

Mỗi tháng anh Dũng thả gối một lứa tôm, cua giống, sau 6 tháng là có thể thu hoạch. Đến nay, anh Dũng đã có 42ha nuôi trồng thủy hải sản và 20ha rừng phòng hộ, với năng suất đạt 5 tấn (tôm sú, cua biển, cá thiên nhiên)/ha/năm. Anh Dũng được chính quyền giao phụ trách lĩnh vực phát triển thủy hải sản của địa phương, tham gia dạy nghề giúp đỡ các hộ nghèo về kiến thức, kinh nghiệm về nuôi tôm, cua biển…

Mỗi năm, mô hình nuôi thủy sản của gia đình anh Dũng cho doanh thu trên dưới 1 tỷ đồng, trừ các chi phí lãi ròng 200 triệu đồng/ha. Mô hình nuôi thủy hải sản của anh Dũng giải quyết việc làm ổn định cho 21 lao động với mức lương trên 3 triệu đồng/tháng và tạo việc làm cho 25 lao động thời vụ cho hiệu quả kinh tế ổn định.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem