Theo lời giới thiệu của Hội Cựu chiến binh xã Đồng Ý và của chính người dân thôn Nà Nhì, chúng tôi tìm đến nhà ông Lương Đình Thắng, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) - người mà bà con nơi đây vẫn nhắc đến như một sợi dây kết nối, hướng dẫn sử dụng vốn vay ưu đãi và là tấm gương làm ăn giỏi của bà con quê nghèo này. Dù năm nay đã 72 tuổi, nhưng ông còn rất nhanh nhẹn, hoạt bát.
Được biết, ông Thắng đã gắn bó 17 năm với các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương, qua đó giúp nhiều hộ nghèo được tiếp cận đồng vốn ưu đãi, vươn lên thoát nghèo.
Đón chúng tôi tại căn nhà sàn bằng gỗ khang trang là con dâu của ông Thắng, trong lúc đợi ông, chị vui vẻ chuyện trò: “Nhà bố chồng mình có bốn cô con gái và một người con trai. Tất cả đều đã trưởng thành, cuộc sống ổn định và con cháu sum vầy rồi, giờ chỉ nghỉ ngơi và an dưỡng tuổi già. Nhưng bố chồng mình vẫn không chịu ngồi yên, hăng hái tham gia các công việc đoàn thể, giúp bà con tiếp cận với vốn vay ưu đãi”.
Ngoài công việc làm Tổ trưởng Tổ TK&VV, ông Thắng còn nuôi trâu bán chăn thả phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Mộc Trà
“Lúc thì ao cá, lúc thì vườn cây, nhiều hôm ông đi từ sáng sớm đến tối mịt, có bữa chẳng ăn cơm ở nhà”, chị nói. Thấy ông cũng đã có tuổi, con cháu khuyên ông nghỉ ngơi, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” mãi thế, những lúc đó, bố chồng tôi chỉ bảo: Quen việc rồi, nghỉ ngơi thấy mình thừa thãi, vô tích sự. Bởi thế, con cháu chỉ biết động viên ông làm việc nhưng vẫn phải giữ sức khỏe.”
Năm 2002, khi các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ được triển khai, thực hiện trên địa bàn xã Đồng Ý cũng là thời điểm ông Thắng nhận nhiệm vụ làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Nà Nhì. Ông Thắng cho biết: “Lúc tôi mới làm, nhận thức của người dân về vay vốn để phát triển kinh tế còn rất hạn chế. Do đó, công tác tuyên truyền rất vất vả. Ngoài tuyên truyền lồng ghép tại các buổi họp thôn, sinh hoạt hội, tôi phải cùng cán bộ Hội Cựu chiến binh xã, cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để phổ biến chính sách, động viên các hộ mạnh dạn vay vốn. Đồng thời hướng dẫn người dân sử dụng vốn phù hợp với điều kiện từng gia đình”.
Sau khi người dân hiểu và mạnh dạn vay vốn, công tác bình xét cho các hộ vay càng được thực hiện nghiêm ngặt hơn. Bởi tổ trưởng là người gần gũi với người dân nhất, ông phải xem xét kỹ hộ nào có khả năng trả nợ, chăm chỉ làm ăn hay hộ nào còn chưa biết đầu tư làm gì thì phải định hướng cho họ vay. Đối với những tổ viên gặp khó khăn trong sử dụng vốn, chưa nắm rõ những quy định về chính sách vốn, chưa mạnh dạn đầu tư, sử dụng vốn gặp rủi ro, dịch bệnh…, ông động viên, giúp các hộ tiếp tục có niềm tin, động lực và trách nhiệm sử dụng vốn.
“Hàng tháng, đến ngày nộp lãi, nếu các tổ viên gặp khó khăn, tôi lại ứng trước tiền của mình để nộp cho ngân hàng, đảm bảo nguồn vốn an toàn” – ông Thắng chia sẻ.
Khi được hỏi, bỏ tiền túi ra ứng trước giúp người dân như vậy, ông có lo không lấy lại được không? Ông cười đáp: “Lo thì có lo đấy nhưng khoản tiền cũng không lớn lắm, vài triệu ứng ra mà giúp được người dân lúc khó khăn, thiếu thốn cũng đáng”.
Để người dân tin tưởng và mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất, chính ông Thắng cũng là người tiên phong vay nguồn vốn này để nuôi trâu bò. “Có thời điểm, tôi nuôi tới hơn chục con trâu và bò. Giờ già rồi, con cháu cũng không muốn vất vả, nên tôi bán bớt lấy tiền gửi tiết kiệm, còn để 4 con trâu giờ chiều chiều dắt trâu “đi dạo” uống nước rồi lại cho về chuồng”, ông Thắng cười đùa.
Anh Hoàng Đình Tuyển, một hội viên vay vốn ưu đãi do ông Thắng quản lý cho biết: “Thấy ông Thắng vay vốn nuôi trâu bò mang lại hiệu quả kinh tế cao, tôi cũng ngỏ ý muốn vay và được ông tận tình hướng dẫn. Đợt đầu tôi vay 50 triệu đồng vào năm 2017 để đầu tư nuôi trâu bò sinh sản, đợt 2 tôi vay đầu tư máy làm bún phục vụ người dân quanh vùng. Sau khi hoàn lại vốn và lãi, cuối năm 2018 tôi vay tiếp 50 triệu nữa để đào ao thả cá và chăn nuôi gà. Đến nay gia đình tôi đã có thu nhập ổn định gần 100 triệu đồng/năm, con cái được đi học đầy đủ.
Ông Thắng thường xuyên đến tận nơi thăm các mô hình phát triển kinh tế của các hộ dân vay vốn. Ảnh: Mộc Trà
Từ sử dụng vốn đầu tư chăn nuôi, trồng rừng, mua máy móc, phân bón phục vụ sản xuất, nhiều hộ dân ở Nà Nhì đã thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá. Nếu như năm 2002, tổ còn 24 hộ nghèo thì hiện nay, tổ chỉ còn 2 hộ nghèo và hiện đang tiếp tục được giúp đỡ trong sử dụng vốn để từng bước vươn thoát nghèo trong năm tới. Đặc biệt là nhờ mạnh dạn đầu tư chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả, đầu tư trồng cây ăn quả, nuôi gà kết hợp thả cá…, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập ổn định từ 50 đồng đến hơn 150 triệu đồng mỗi năm.
Ông Hoàng Hữu Nguyên, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Đồng Ý cho biết: Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Nà Nhì do Hội Cựu chiến binh xã quản lý nhiều năm qua hoạt động rất tốt. Có kết quả đó phải kể đến vai trò của ông Thắng, một tổ trưởng năng động, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, tận tâm giúp người dân có vốn để phát triển sản xuất. Không chỉ vậy, bản thân ông cũng vay vốn nhiều lần để phát triển kinh tế, là tấm gương để bà con học tập, vươn lên.
Với những đóng góp cho công tác tín dụng chính sách, từ năm 2002 đến nay, ông Thắng đã 7 lần được nhận giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn; 2 lần được Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tặng giấy khen và nhiều năm liền được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh biểu dương, khen thưởng vì đóng góp tích cực trong hoạt động tín dụng chính sách.
“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”
Vui lòng nhập nội dung bình luận.