Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2019 (VBS 2019) đã diễn ra vào ngày 16/10 tại Hà Nội với hơn 800 đại biểu tham dự. Trong đó, có gần 300 đại biểu quốc tế tham gia chuỗi sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) và Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Châu Á (ABS).Chia sẻ tại hội nghị về giải pháp đổi mới công nghệ và chuyển dịch lao động trong nông nghiệp, ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc Tập đoàn Việt - Úc nhận định, khoa học công nghệ đã có những bước phát triển đột phá trong 2 thập kỷ qua. Sự phát triển của khoa học công nghệ đã mang lại sự phát triển của nhiều ngành nghề khác nhau; đặc biệt trong nông nghiệp và thủy sản với những giải pháp thành công đột phá.
Những năm qua, thủy sản là một trong những ngành có đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của toàn nền kinh tế. Ngành thủy sản Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều thay đổi, Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã giúp thủy sản Việt Nam có cơ hội tổ chức lại hoạt động sản xuất, từng bước ứng dụng khoa học công nghệ và hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất cho sản phẩm chất lượng cao hơn.
Theo ông Văn, công nghệ và việc ứng dụng các thành tựu của đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa, là cánh cửa để doanh nghiệp từng bước vươn ra thế giới.
Ông Lương Thanh Văn – Chủ Tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Việt – Úc đại diện cho ngành tôm để chia sẻ câu chuyện thành công
Ông Lương Thanh Văn cho biết: “15-20 năm trước, công nghệ ở Việt Nam chưa phát triển, chúng ta phải phụ thuộc vào những nhà cung cấp ngoại. Việc nuôi tôm hồi đó rất khó khăn, giá trị xuất khẩu có 2-3 tỷ USD mỗi năm.Từ đó, tôi đặt ra câu hỏi: Tại sao mình không chủ động về công nghệ?Rồi tôi đặt hàng Viện CSIRO - Viện Nghiên cứu Thủy sản hàng đầu của Úc, Tôi nhờ họ chuyển giao công nghệ sản xuất tôm biển tốt nhất thế giới”.Theo ông Văn, với việc nuôi tôm mật độ từ 200 đến 500 con/m2, nên gọi là siêu thâm canh. Để tránh tác động của môi trong xung quanh đến môi trường nuôi, nhà bao che tạo độ cách ly 100% với môi trường thiên tai dịch họa ở bên ngoài.
Muốn vào khu nuôi tôm trong nhà kính, công nhân nuôi và khách tham quan phải bảo đảm đúng các tiêu chuẩn vệ sinh và bảo hộ lao động nghiêm ngặt. Vì ở đây, những hệ thống ao nuôi đều được xây nhà bao phủ, đi kèm hệ thống ao lắng lọc, siêu lọc nước được đầu tư hoàn chỉnh, bảo đảm nước lúc nào cũng sạch, đáy ao được lót bạc và lắp đặt hệ thống quạt và oxy đáy bơm đầy đủ.Với dây chuyền tự động cho tôm ăn, mỗi khi tôm đói sẽ phát tín hiệu được xử lý qua máy tính để hệ thống tự động cho ăn. Đây là công nghệ hiện đại giúp giảm hao phí thức ăn và hao phí nước ao nuôi đến mức thấp nhất.
Với hệ thống nhà kính hoàn hảo, mật độ nuôi trong nhà kính khá dày, chỉ sau khoảng 3 tháng là có thể thu hoạch. Theo mô hình này, mỗi năm người nuôi có thể thực hiện nuôi ba vụ năng suất đạt từ 150-200 tấn/ha.
Đặc biệt với quy trình xử lý vi sinh, nguồn nước trong ao nuôi sẽ không thải ra ngoài môi trường mà được tái sử dụng trong ao nuôi một thời gian dài. Nhiệt độ nước ổn định, duy trì từ 18-20 độ C.
Công nghệ nuôi áp dụng trong từng phân khúc từ trùn biển – nguồn thức ăn cho tôm bố mẹ, đến tôm bố mẹ, tôm giống, tôm nuôi, thức ăn, đến sản phẩm cuối… đều trong 1 quy trình khép kín của Việt Úc. Toàn bộ sản phẩm đưa vô từng giai đoạn đều kiểm soát, truy xuất nguồn gốc. Phân tôm được chuyển hóa, nuôi cấy vi sinh vật trong ao để chuyển hóa thành protein tái sử dụng được.
Đối với vấn đề nuôi tôm giống, ông Văn cho biết, việc chủ động nuôi được tôm bố mẹ sẽ quyết định nền tảng căn bản của giá trị con tôm. Sự chủ động này có thể hiểu, nuôi được tôm bố mẹ để chọn tạo ra những con giống có chất lượng tốt nhất cung cấp cho các vùng nuôi.
Không đơn giản nghĩ rằng cứ có tôm bố mẹ là ra con giống. Thực tế, nhiều người không biết rằng, tôm bố mẹ bị cận huyết, nên con giống bị thoái hóa về mặt chất lượng hoặc nuôi được thời gian sẽ chết. Vào cuối 2017, Việt Úc đã công bố chương trình chọn giống tôm bố mẹ sau nhiều năm nghiên cứu và áp dụng thành công tại Việt Nam thay vì phải nhập khẩu tôm bố mẹ từ các nước. Theo ông, việc phát triển thành công được con tôm bố mẹ thì sẽ có con giống tốt nhất và cho ra tôm thành phẩm chất lượng, với chi phí nuôi thấp giúp tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.