"Vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu"
"Vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi"
Thành An (Thực hiện)
Thứ tư, ngày 03/02/2021 13:09 PM (GMT+7)
Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khi trao đổi với Dân Việt về chặng đường lịch sử suốt 91 năm qua của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ công cuộc giải phóng dân tộc trước đây cho tới sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc ngày nay.
Nhìn lại chặng đường lịch sử suốt 91 năm qua của Đảng Cộng sản Việt Nam, trò chuyện với Dân Việt, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: "Phải coi vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng. Cả cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến trước đây cho tới sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay.
Thành tựu của Đảng là mang lại hạnh phúc cho nhân dân
Thưa PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, có thể khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Vậy hơn 90 năm qua Đảng đã để lại cho chúng ta bài học gì trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thưa ông?
- Nhìn lại chặng đường lịch sử 91 năm của Đảng, phải khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác.
Đảng ta đã tổng kết và nêu ra 5 bài học lớn. Bài học thứ nhất, đó là dương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn với CNXH. Suốt chặng đường lịch sử, Đảng luôn luôn kiên định và thực hiện ngày càng tốt mục tiêu độc lập dân tộc gắn với CNXH. Bài học này có cả ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong đó. Nếu rời bỏ mục tiêu đó thì ắt dẫn đến thất bại của Đảng.
Bài học thứ hai, ở mỗi thời kỳ lịch sử, Đảng luôn luôn dựa vào lực lượng của toàn dân, lấy dân làm gốc. Nếu không có sức mạnh của nhân dân thì cũng không có thắng lợi như chúng ta đã khẳng định. Cho nên ở mọi thời kỳ lịch sử, vai trò, sức mạnh của nhân dân, vai trò làm chủ của nhân dân được Đảng khẳng định "dân là gốc".
"Chúng ta phải khẳng định: Sự nghiệp cách mạng là của dân, do dân và vì dân. Cách mạng đạt được thành tựu gì thì cuối cùng cũng phải vì lợi ích của nhân dân, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân"
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc.
Bài học thứ ba, về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và trong đại đoàn kết. Ở mọi thời kỳ, từ đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến, xây dựng CNXH và đổi mới hiện nay đều phải hết sức chú trọng đại đoàn kết. Đấy là cội nguồn của sức mạnh và nhân tố quyết định sức mạnh, thắng lợi của cách mạng. Tư tưởng đoàn kết của Bác Hồ là "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công" nó có ý nghĩa tầm chiến lược như vậy.
Bài học thứ tư, là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nghĩa là chúng ta phải kết hợp sức mạnh từ nguồn lực trong nước cũng như nguồn lực từ nước ngoài. Như Bác Hồ nói "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta", nhưng cũng phải tranh thủ tối đa quan hệ quốc tế. Bây giờ chúng ta cũng như vậy, ngoài những nguồn lực ở trong nước như tài nguyên, nhân lực thì cần thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tranh thủ hợp tác, hội nhập quốc tế để coi đấy như cơ hội phát triển, đồng thời đẩy lùi những tác động tiêu cực do quốc tế mang lại. Đây là bài học tranh thủ cơ hội và đẩy lùi nguy cơ.
Bài học thứ 5, đó là phải giữ vững nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng. Coi vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng. Trong đó, cả cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến trước đây cho tới sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay đều phải đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng.
Và muốn lãnh đạo đúng đắn thì Đảng phải thường xuyên xây dựng và chỉnh đốn, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền phải là Đảng có trí tuệ, có đạo đức, có bản lĩnh, uy tín chính trị với nhân dân, với dân tộc. Và phải có vị thế quốc tế để hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo. Do đó phải thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng cầm quyền ở Việt Nam.
Phải thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn đảng
Ông vừa nhấn mạnh đến những vấn đề lớn, trong đó có nói đến việc giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng và đề cập đến vấn đề "xây dựng chỉnh đốn Đảng". Vậy công tác "xây dựng chỉnh đốn Đảng" của ta từ khi thành lập đến nay được thực hiện như thế nào?
- Ngay từ khi thành lập Đảng chúng ta đã xây dựng Đảng vững mạnh về tổ chức và cũng phòng ngừa những sai lầm. Ví dụ như trong "Phong trào 1930-1931" chúng ta đã phê phán kịp thời những biểu hiện "tạo khuynh" trong xây dựng Đảng.
Đến thời kỳ năm 1939, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm "Tự chỉ trích", tự phê bình những khuyết điểm trong công tác lãnh đạo của một số đồng chí trong Đảng. Đến nay, tác phẩm này vẫn là mẫu mực của tự phê bình, tự chỉ trích, sửa chữa những khuyết điểm và củng cố những nền tảng tư tưởng của Đảng, đường lối chính trị thống nhất trong đổi mới hệ thống chính trị.
Sau Cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ cũng đã có những chấn chỉnh về những khuyết điểm của một số cán bộ đảng viên đã có chức có quyền trong tay. Điều này được thể hiện trong thư Bác viết gửi chính quyền các cấp tháng 17/10/1945, Bác đã phê phán một số căn bệnh của một số đồng chí nắm chức vụ quyền hạn trong bộ máy chính quyền nhà nước như: Cậy thế, tư túng, kiêu ngạo, hủ hóa, chia rẽ. Sau đó, đi vào kháng chiến Bác Hồ có tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" tháng 10/1947.
Đấy là những tác phẩm rất quan trọng về mặt xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Vừa phát huy những ưu điểm, đồng thời phê phán những sai lầm khuyết điểm của một số đảng viên và nêu ra những chuẩn mực của Đảng cách mạng. Lúc đó, Bác nêu ra 12 chuẩn mực của Đảng Cách mạng chân chính. Bác kết luận một câu rằng: "Muốn cho Đảng được vững bền, 12 điều ấy chớ quên điều nào". Chúng tôi vẫn coi đây là tác phẩm kinh điển trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đây cũng là lần đầu tiên Bác Hồ dùng từ "chỉnh đốn Đảng".
Sau này, trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Đảng cũng thường xuyên chỉnh đốn, nhất là những cuộc chỉnh huấn, thí dụ cuộc chỉnh huấn năm 1952 thời kháng chiến chống Pháp, hay chỉnh huấn năm 1961 thời xây dựng CNXH miền Bắc thời đánh Mỹ.
Hay như trong Di chúc, Người cũng đã dặn lại rằng "sau này thắng lợi, công việc trước hết là phải chỉnh đốn lại Đảng, giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, xứng đáng là người đầy tớ trung thành của nhân dân".
Bên cạnh đó, khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Đảng cũng thường xuyên xây dựng, mạnh cả về tư tưởng, chính trị, tổ chức và trong thời kỳ đổi mới có những điều cần ghi nhớ về chỉnh đốn Đảng như bảo vệ tư tưởng của Đảng trong hội nghị T.Ư 6, T.Ư 7 năm 1989, khi CNXH trên thế giới bị sụp đổ để bảo vệ con đường XHCN, Chủ nghĩa Mác - Lê Nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Mới đây chúng ta có Nghị quyết T.Ư 4 khóa 11, Nghị quyết T.Ư 4 khóa 12 về "nhận diện những biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa"… để xây dựng chỉnh đốn Đảng thực sự quan trọng. Việc này được thể hiện bằng những hành động về chống tham nhũng rất quyết liệt trong nhiều năm vừa qua.
Ngoài ra, vấn đề nêu gương, trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên để sàng lọc đội ngũ cán bộ đảng viên, kết nạp những quần chúng ưu tú, đồng thời loại bỏ khỏi Đảng những phần tử thoái hóa, biến chất, không còn đủ tư cách.
"Chính việc kiểm soát quyền lực trong nội bộ các tổ chức Đảng không tốt đã sinh ra tình trạng lợi dụng, lạm dụng quyền lực, thậm chí chuyên quyền, độc đoán của một số người đứng đầu", PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc.
Quan trọng nhất là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên
Thưa ông, có thể nói, những năm vừa qua chúng ta phần nào đã buông lỏng kiểm soát quyền lực trong thời gian dài. Minh chứng đó là thời gian qua, hơn 100 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, bao gồm cả đương chức và nghỉ hưu, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy, thành ủy, tướng lĩnh trong các lực lượng vũ trang,... bị kỷ luật. Vậy thưa ông, chúng ta cần giải quyết vấn đề này như thế nào ?
- Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng đã khẳng định "một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm giữ khối lượng tài sản, nguồn vốn lớn của tập thể, của nhà nước. Đó là môi trường để chủ nghĩa cá nhân vụ lợi, thực dụng phát triển", song chúng ta lại chưa có cơ chế để "ngăn ngừa vi phạm". Điều đó có nghĩa là trong một thời gian dài chúng ta đã buông lỏng việc kiểm soát quyền lực.
Chính việc kiểm soát quyền lực trong nội bộ các tổ chức Đảng không tốt đã sinh ra tình trạng lợi dụng, lạm dụng quyền lực, thậm chí chuyên quyền, độc đoán của một số người đứng đầu. Khi có quyền lực, tự nhiên sẽ đẻ ra phe cánh, "nhóm lợi ích", "sân sau" để củng cố quyền lực. Bên cạnh đó, cũng chính việc thiếu kiểm soát quyền lực đã triệt tiêu sự đấu tranh, phê bình và tự phê bình trong các tổ chức Đảng dẫn tới mất dân chủ.
Để giải quyết được vấn đề trên, tôi cho rằng thực hành rộng rãi dân chủ trong nội bộ Đảng như một cơ chế kiểm soát quyền lực chính là cái gốc của vấn đề. Khi chúng ta phát huy mạnh mẽ dân chủ trong nội bộ cấp ủy, chính quyền tất cả các cấp thì mọi khuất tất, tiêu cực đều có thể phơi bày không đến mức sai phạm hàng chục năm mới được đem ra xử lý như hiện nay. Chỉ có phát huy dân chủ thì cán bộ, đảng viên mới có thể "bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai".
Tuy nhiên, để phát huy dân chủ thực sự trong nội bộ Đảng thì quan trọng nhất vẫn là bản lĩnh, trình độ và nhất là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Nếu anh có trách nhiệm với Đảng, đất nước, với dân thì anh sẵn sàng ủng hộ cái tốt, vạch ra cái xấu thì sẽ đỡ đi rất nhiều, chứ bây giờ cứ "mũ ni che tai", rồi "gió chiều nào che chiều ấy" dẫn tới quyền lực không được kiểm soát, dẫn tới tiêu cực, sai phạm...
Cách tốt nhất là kết hợp chặt chẽ giữa kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thượng tôn kỷ luật, pháp luật, theo đó mà làm không để chi phối bởi những ý kiến chỉ đạo chủ quan. Nếu thực hiện được điều này thì sẽ bớt đi rất nhiều những xin - cho, quan hệ ngoài luồng, "bôi trơn", sân sau, "lợi ích nhóm".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.