Vấn nạn "xe dù bến cóc": Sửa luật và nỗi lo chồng chéo, cơ chế xin cho (Bài 1)

Nhóm PV Thứ tư, ngày 11/10/2023 11:16 AM (GMT+7)
Bộ GTVT đang lấy ý các cơ quan, bộ ngành, chuyên gia, doanh nghiệp... sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.
Bình luận 0

Nguy cơ "bùng nổ" xe dù bến cóc

Tại dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, Bộ GTVT đề xuất sửa đổi điểm a khoản 3 điều 4 quy định xây dựng, điều chỉnh, bổ sung và cập nhật danh mục mạng lưới tuyến "trên phần mềm quản lý vận tải khách cố định của Bộ GTVT.

Bộ GTVT đề xuất Sở GTVT điều chỉnh tuyến vận tải cố định, lo ngại "bùng nổ xe dù bến cóc" (Bài 1) - Ảnh 1.

Xe khách đón trả khách trên đường Phạm Hùng, gần bến xe Mỹ Đình. Ảnh: TA

Theo đó, Sở GTVT xây dựng, điều chỉnh bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định nội tỉnh; Thống nhất với sở GTVT đầu tuyến bên kia để thực hiện xây dựng, điều chỉnh, bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định liên tỉnh; Cập nhật danh sách mạng lưới tuyến trên phần mềm quản lý tuyến vận tải cố định của Bộ GTVT.

Đề xuất nêu trên khiến cho nhiều người lo ngại về việc phân cấp, phân quyền cho Sở GTVT xây dựng, điều chỉnh bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định nội tỉnh. Khi đó, Sở GTVT các tỉnh tự quyết định về cấp phép, quản lý hoạt động vận tải hành khách cố định có nguy cơ "bùng nổ" xe khách chạy xuyên tâm, xe dù bến cóc trở lại.

Đánh giá về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, anh Trần Văn Thìn, Quản lý đơn vị kinh doanh vận tải tuyến xe khách Thái Bình – Quảng Ninh đặt câu hỏi: "Các tuyến xe khách vận tải liên tỉnh tuyến cố định đang hoạt động ổn định, tại sao lại phải đề xuất sửa đổi quy định tại Nghị định 10 theo hướng dễ gây hiểu lầm khi thực hiện như vậy".

Theo anh Thìn, từ năm 2015 khi có quyết định số 2288 và tiếp đó là Quyết định số 927/QĐ-BGTVT của Bộ Trưởng Bộ GTVT ban hành ngày 15/5/2022, bổ sung sửa đổi thay thế quyết đinh 2288 quy định rõ hướng tuyến vận tải hành khách cố định đã góp phần ngăn chặn tình trạng xe khách chạy xuyên tâm vào nội đô thành phố để giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn trật tự giao thông.

Bộ GTVT đề xuất Sở GTVT điều chỉnh tuyến vận tải cố định, lo ngại "bùng nổ xe dù bến cóc" (Bài 1) - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động của xe khách trên đường Phạm Hùng gần bến xe Mỹ Đình. Ảnh: TA

Anh Thìn nhấn mạnh: Bộ GTVT đề xuất Sở GTVT xây dựng, điều chỉnh bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định nội tỉnh mà quên đi quyết định số 2288 và quyết định số 927/QĐ-BGTVT của Bộ Trưởng Bộ GTVT ban hành ngày 15/5/2022 chẳng khác nào "bật đèn xanh" cho "xe dù bến cóc" hoạt động bùng nổ trở lại.

"Liệu có tái diễn tình trạng mua bán lốt, như năm 2015 dư luận từng xôn xao về câu chuyện mua bán lốt với giá 650 triệu tại bến xe Mỹ Đình, TP.Hà Nội", anh Thìn nêu vấn đề.

Anh Thìn cho rằng: "Với cách dùng như dự thảo Nghị định 10 rất dễ gây hiểu lầm, Sở GTVT sẽ sẵn sàng sửa đổi luồng tuyến theo ý chủ quan của họ, sinh ra tình trạng mua bán lốt, tạo cơ chế xin cho".

Bộ GTVT đề xuất Sở GTVT điều chỉnh tuyến vận tải cố định, lo ngại "bùng nổ xe dù bến cóc" (Bài 1) - Ảnh 3.

Xe khách dừng đỗ gần khu vực đường Trần Thủ Độ, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội. Ảnh: TA

Ở góc độ khác, trao đổi với PV Dân Việt, Anh Trương Đức Lai, Tổ phó quản lý xe nhà xe Đức Phát chạy tuyến Thanh Hoá – Hà Nội cho rằng: "Hiện, có nhiều xe dù chạy lòng vòng, xuyên tâm vào trong thành phố để đón trả khách ảnh hưởng rất lớn tới uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính đón trả khách tại hai đầu bến xe được Cơ quan quản lý cấp phép".

"Xe dù chạy xuyên tâm chủ yếu là xe không có uy tín, không được cấp lốt vào bến xe, xe hợp đồng, xe limousine "trá hình" chạy lòng vòng đón trả khách ở trong nội đô, tiềm ẩn nhiều nguy gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông khi dừng xe đột ngột để đón trả khách", anh Lại nhận định.

Anh Lai kiến nghị các doanh nghiệp kinh doanh vận tải tuyến cố định đang hoạt động ổn định, cơ quan quản lý nhà nước chỉ nên sửa đổi, bổ sung hoặc tăng thêm chế tài xử phạt nặng "xe dù bến cóc".

Bộ GTVT đề xuất Sở GTVT điều chỉnh tuyến vận tải cố định, lo ngại "bùng nổ xe dù bến cóc" (Bài 1) - Ảnh 4.

Hành khách tại bến xe Nước Ngầm.

Dừng kiểm định với xe không chấp hành xử phạt

Đồng quan điểm, Anh Phan Văn Giáp, Quản lý nhà xe An Phú Quý, tuyến Hà Nội – Vinh cho rằng: "Xe dù bến cóc khiến cho các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định gặp nhiều khó khăn do lượng khách sụt giảm".

Anh Giáp cho biết: "Mặc dù, đã có quyết định số 2288 và quyết định số 927/QĐ-BGTVT của Bộ Trưởng Bộ GTVT ban hành ngày 15/5/2022 đã quy định rất rõ ràng về hướng tuyến của các tuyến vận tải hành khách cố định, thế nhưng, xe dù bến cóc vẫn ngang nhiên hoạt động công khai tại nhiều tuyến phố".

Theo anh Giáp, nếu sửa đổi bổ sung Nghị định 10 theo hướng phân cấp, phân quyền cho Sở GTVT xây dựng, điều chỉnh bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định nội tỉnh, nhưng bỏ qua quy định hướng tuyến của các tuyến vận tải hành khách cố định như nội dung tại quyết định số 2288 và quyết định số 927/QĐ-BGTVT của Bộ Trưởng Bộ GTVT có nguy cơ "bùng nổ" xe dù bến cóc như trước đây.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, giai đoạn trước và sau năm 2016, thực trạng nhức nhối ùn tắc giao thông do có quá nhiều loại hình vận tải "xuyên tâm" vào thành phố Hà Nội đã gây bức dư luận. Sự chồng chéo, nhằng nhịt các loại hình vận tải "xuyên tâm" thành phố phần nào đã thể hiện sự rối rắm và thiếu quyết liệt trong chỉ đạo.

Giai đoạn trước năm 2016, Sở GTVT Hà Nội cấp phép cho các tuyến vận tải chồng chéo đi vào bến xe Mỹ Đình gây ra hệ luỵ ùn tắc giao thông, xe chạy xuyên tâm.

Bộ GTVT đề xuất Sở GTVT điều chỉnh tuyến vận tải cố định, lo ngại "bùng nổ xe dù bến cóc" (Bài 1) - Ảnh 5.

Hành khách tại bến xe Giáp Bát. Ảnh: V.N

Khi đó, xe khách chạy sai tuyến, chạy xuyên tâm thành phố, chạy vòng vo, dừng, đỗ, đón trả khách sai quy định xung quanh các bến xe, nhất là trước cổng Bến xe Mỹ Đình, tuyến đường vành đai 3 trên cao, đường Phạm Hùng, đường Phạm Văn Đồng, đường Giải Phóng... gây xáo trộn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc, tai nạn giao thông.

Sau đó, TP.Hà Nội đã có quyết định điều chuyển tuyến vận tải tuyến cố định dựa theo theo quyết định số 2288 của Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt chi tiết vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh đường bộ đến năm 2020, định hướng đến 2030.

Cụ thể, các tuyến vận tải đi và đến địa bàn Hà Nội được sắp xếp bố trí luồng tuyến đến/đi từ các tỉnh/thành phố vào các bến xe Hà Nội theo nhu cầu và theo hướng tuyến cũng như tính kết nối với mạng lưới giao thông.

Các tuyến theo Quốc lộ 1, Quốc lộ 1B đi vào bến xe Gia Lâm; các tuyến đi theo hướng đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 6 đi vào bến xe Yên Nghĩa; các tuyến đi theo hướng Quốc lộ 32, Cầu Thăng Long đi vào bến xe Mỹ Đình; các tuyến phía Nam đi theo hướng Quốc lộ 1, đường Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đi vào bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát. Đối với các bến xe: Giáp Bát, Mỹ Đình, Lương Yên giữ ổn định tần suất phương tiện hoạt động...

Nếu bỏ qua các quy định tại quyết định số 927 của Bộ GTVT sẽ có nguy cơ xảy ra tình trạng xe khách bỏ bến xe chạy xuyên tâm, vào nội đô các thành phố. Vì vậy, Cơ quan soạn thảo nên chăng cần xem xét các quy định tại quyết định số 927 của Bộ GTVT quy định rõ về hướng tuyến của các tuyến vận tải hành khách cố định khi dự thảo Nghị định 10...

Góp ý về những nội dung trong dự thảo Nghị định 10, Sở GTVT Hà Nội đề xuất sửa việc thực hiện các nội dung trên tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng khi hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng việc phân tích, tổng hợp các chỉ tiêu giao các đơn vị có liên quan thực hiện (tạm thời dừng thực hiện vì không thực tế).

Để xử lý xe kinh doanh vi phạm, Sở GTVT Hà Nội khiến nghị cần nghiên cứu bổ sung về chức năng tìm kiếm xe vi phạm về đi sai hành trình. Dừng kiểm định ô tô hoạt động kinh doanh không chấp hành quyết định hành chính của các Sở GTVT ban hành về việc thu hồi, biển hiệu và phù hiệu...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem